Vùng Đông Nam Bộ kiến nghị trung ương hỗ trợ vốn làm các đường vành đai
Chiều 20-10, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ tổ chức họp giao ban để đánh giá kết quả thực hiện phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Vấn đề sát sườn nhất, bức thiết nhất đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ được hội nghị đề cập khá nhiều là hai con đường chiến lược: vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4; đó là cơ chế đặc thù, là quỹ phát triển hạ tầng vùng.
Đề nghị hỗ trợ vốn trung ương cho đường vành đai 4
Về tiến độ đường vành đai 3 TP.HCM, ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cho biết hiện dự án đáp ứng tiến độ đề ra. Tuy nhiên sang năm dự án này đối mặt với tình trạng thiếu nguyên vật liệu san lấp, làm nền. “Sang năm 2024 nếu không có sự hỗ trợ vật liệu từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì tiến độ đường vành đai 3 chỉ đáp ứng được 30 – 40% yêu cầu”, ông Lâm nói.
Để dự án đường vành đai 4 đồng bộ, ông Lâm đề nghị các tỉnh, thành phải thống nhất về quy mô, kỹ thuật và đặc biệt là nguồn vốn, cơ chế thực hiện. Hiện các địa phương trong vùng đang tập trung cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM và các dự án trọng điểm khác nên chưa cân đối, bố trí được vốn cho vành đai 4.
Do đó, các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn ngân sách trung ương để thực hiện dự án đường vành đai 4.
Đồng thời đề nghị xin cơ chế làm đường này như vành đai 3. Đó là vốn trung ương hỗ trợ, nhà nước được góp vốn trong dự án BOT từ 50 – 70%.
Ngoài ra, vùng Đông Nam Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì, làm việc với UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh để phục vụ dự án vành đai 3 TP.HCM.
Và kiến nghị các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ ban hành tiêu chuẩn sử dụng cát biển phục vụ các dự án đường bộ cao tốc.
Đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù
Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đại diện Viện đề xuất 5 phương án thành lập quỹ đầu tư phát triển hạ tầng của vùng: nâng cấp các quỹ hiện hữu, sáp nhập các quỹ hiện hữu thành một quỹ, thành lập quỹ mới.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc – chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh – đề nghị thành lập quỹ mới, tên mới với phạm vi rộng hơn.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước đồng ý lập quỹ đầu tư hạ tầng mới.
Ông Phan Văn Mãi – chủ tịch UBND TP.HCM – cũng đồng tình đề xuất thành lập quỹ mới và sẽ đề xuất vào cuối năm nay.
Còn một đại biểu khác đề xuất các cơ chế đặc thù cho vùng như: cho phép thí điểm phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng, được sử dụng ngân sách để kết nối, HĐND TP.HCM quyết định việc sử dụng ngân sách của TP để thực hiện các dự án, công trình có tính chất liên vùng, cơ chế phân cấp, phân quyền…
Ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đề nghị các tỉnh trong vùng có cơ chế chia sẻ nhà đầu tư, chia sẻ cơ hội đầu tư.
Để giải quyết những khó khăn của dự án vành đai 4 sắp tới các tỉnh thành sẽ có cuộc họp chuyên đề. Thay mặt các tỉnh thành, ông Phan Văn Mãi thống nhất sẽ trình các dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Chơn Thành trong quý 4 này và mở rộng các cao tốc khác.
Ngoài ra các địa phương trong vùng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND tỉnh Bình Dương đầu tư đoạn 15,3km đường Mỹ Phước – Tân Vạn hiện hữu (đi trùng với đường vành đai 3 TP.HCM) theo hình thức đầu tư công để khai thác đồng bộ khi đưa vào khai thác đường này (dự kiến năm 2026).
Các địa phương cũng thống nhất thúc đẩy giao thông thủy, đường vành đai biên giới và sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư của vùng Đông Nam Bộ.
Hơn 100.000 tỉ đồng cho dự án đường vành đai 4
Tổng vốn đầu tư dự kiến của đường vành đai 4 khoảng 107.000 tỉ đồng với 5 dự án thành phần. Trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỉ trọng lớn.
Cụ thể: đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 42,4%; đoạn qua tỉnh Đồng Nai khoảng 45,6%; đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 55,8%; đoạn qua TP.HCM khoảng 48,5%; đoạn qua tỉnh Long An khoảng 39,9%.
Xem bài gốc ở đây