Trường học ứng phó với bệnh đau mắt đỏ

 Trường học ứng phó với bệnh đau mắt đỏ

Trước sự gia tăng ca bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng, các trường học trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh cho HS.

Nhân viên y tế của Trường TH Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) hướng dẫn HS rửa tay đúng cách.

Nhiều biện pháp phòng, chống

Trường TH Chí Linh (TP.Vũng Tàu) có 2.030 HS. Ngày 10/9, trường bắt đầu ghi nhận những HS đầu tiên bị đau mắt đỏ, sau đó số ca mắc tăng lên nhanh. Đến ngày 12/9, ngôi trường này đã có khoảng 100 em mắc bệnh. Để bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn sự lây lan của bệnh đau mắt đỏ, nhà trường phối hợp với Trạm Y tế phường Thắng Nhất phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường; mua mỗi lớp 10 lọ nước muối sinh lý, nhỏ mắt cho HS sau khi ngủ trưa dậy. Trường TH Chí Linh yêu cầu GV chủ nhiệm cho HS bị bệnh nghỉ học và trả các đồ dùng cá nhân như: chăn, gối, khăn mặt… cho phụ huynh về giặt; sát khuẩn bằng dung dịch cho các em trước khi vào lớp; tạm thời cho HS nghỉ học bơi dưới nước.

Cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường TH Chí Linh cho biết, khi có HS đau mắt đỏ, trong tiết chào cờ đầu tuần, nhân viên y tế của trường đã tuyên truyền, hướng dẫn HS các biện pháp phòng, ngừa bệnh đau mắt đỏ để các em biết phòng tránh cho bản thân và tránh lây lan dịch bệnh. GV còn gửi lên zalo của lớp các tài liệu hướng dẫn phòng, chống bệnh đau mắt đỏ do ngành y tế cung cấp, giúp phụ huynh nắm bắt thông tin và căn dặn con em giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

“Khi con bị bệnh đau mắt đỏ, phụ huynh không cho con đến trường, nhà trường sẽ có kế hoạch dạy bù, bảo đảm các em được tiếp cận kiến thức đầy đủ. GV bị bệnh cũng phải nghỉ ở nhà, trường sẽ bố trí GV khác đứng lớp thay”, cô Minh nói thêm.

Quảng cáo

Trường TH Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) có 973 HS, nhưng đến nay có 10,5% HS của trường mắc bệnh đau mắt đỏ. Nhà trường dự báo số ca mắc bệnh này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Thầy Nguyễn Ngọc Mẫn (Hiệu trường Trường TH Lê Lợi) phân tích, HS còn nhỏ nên ý thức phòng các loại bệnh truyền nhiễm nói chung, trong đó có bệnh đau mắt đỏ còn rất hạn chế. Trong khi HS ở bán trú, sinh hoạt chung và bệnh này dễ lây lan. Đây là khó khăn cho các nhà trường.

Tuy nhiên, nhằm hạn chế sự lây nhiễm bệnh cho HS, Trường TH Lê Lợi cũng triển khai nhiều biện pháp như: phun khử khuẩn và vệ sinh trường lớp cũng như khuôn viên của trường; trước lớp có bố trí khẩu trang, nước sát khẩu; giáo dục HS giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không lấy tay dụi mắt… 

Thầy Mẫn cho hay: “Các em còn nhỏ nên phụ huynh và GV cần tăng cường hướng dẫn, dặn dò HS thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ. Khi con bị bệnh, đừng lo sợ con mất kiến thức mà cho con đi học. Làm như vậy sẽ lây lan cho nhiều em khác. Khi các em lành bệnh, nhà trường tổ chức dạy bù cho HS vào thứ Bảy, Chủ nhật nên phụ huynh yên tâm cho con ở nhà nghỉ ngơi”.

Đối với trường học, khi có trẻ đau mắt cần cho nghỉ học cách ly tại nhà từ 3-5 ngày, tránh lây lan. Nhà trường tăng cường công tác vệ sinh, tạo sự thông thoáng trong phòng học, phòng ăn, phòng sinh hoạt tập thể. Hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay và không dụi tay bẩn lên mắt. Các trường nội trú, bán trú không để HS dùng chung đồ dùng cá nhân và ngủ chung giường. Bên cạnh đó, tăng cường dinh dưỡng, nhằm tăng sức đề kháng cho các em, nhất là các loại nước trái cây chứa vitamin C. Các GV, bảo mẫu phải rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang mỗi khi chăm sóc cho từng trẻ. GV bị đau mắt cũng phải nghỉ, cách ly ít nhất 3-5 ngày, tránh lây cho HS.

Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trường MN Họa Mi (TT.Long Hải, huyện Long Điền) có gần 350 trẻ theo học ở 12 nhóm, lớp. Đến nay, trường chưa ghi nhận trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ. thế nhưng, lo ngại bệnh đau mắt đỏ sẽ “ghé thăm”, nên nhà trường chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh. GV hướng dẫn trẻ sử dụng riêng các dụng cụ vệ sinh cá nhân như: ly uống nước, bàn chải đánh răng, khăn rửa mặt. Đồng thời, tăng cường vệ sinh, khử khuẩn lớp học, đồ dùng, đồ chơi học tập. GV tuyên truyền cách phòng, chống bệnh đau mắt đỏ đến phụ huynh thông qua zalo các nhóm, lớp, cũng như niêm yết tại bảng thông tin của từng lớp học để phụ huynh tiện theo dõi.

Trường MN Họa Mi yêu cầu GV các lớp sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của trẻ từ khi đón trẻ đến khi trả trẻ. Cô Nguyễn Thị Lụa (GV Trường MN Họa Mi) cho hay: “Trong khi đón trẻ, tôi sẽ quan sát thật kỹ các biểu hiện của trẻ. Nếu em nào có biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ, tôi gọi phụ huynh đến đón trẻ về nhà. Trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu trẻ có biểu hiện đau mắt đỏ, tôi sẽ đưa trẻ xuống phòng y tế cách ly, sau đó liên hệ người nhà đón trẻ về”.

Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh khẳng định, bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh, nhất là những nơi tập trung đông người. Vì thế, trường học là một trong những môi trường dễ làm cho bệnh đau mắt đỏ phát triển thành dịch. Đến nay, bệnh này chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, giữ gìn vệ sinh cá nhân là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh đau mắt đỏ.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan