Tin tức sáng 19-3: TP.HCM đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng, điều chỉnh 3 tuyến buýt
Lãi suất giảm nhưng chưa đủ hấp dẫn với người mua nhà
Tin tức từ báo cáo ngành bất động sản nhà ở vừa công bố, bộ phận phân tích Chứng khoán VNDirect nhận định dù giai đoạn khó khăn nhất đã qua, nhưng thị trường vẫn đối mặt thách thức.
Theo đó, VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư cần theo dõi sát sao thực trạng các kênh dẫn vốn, quy trình tháo gỡ thủ tục pháp lý và diễn biến thị trường nhà ở xã hội để đánh giá sự phục hồi của thị trường bất động sản nói chung.
Cụ thể, chuyên gia VNDirect cho rằng có ba vấn đề chính cần lưu ý của thị trường lúc này.
Thứ nhất, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể từ vùng đỉnh, giúp cho các nhà phát triển bất động sản dễ tiếp cận nguồn vốn hơn, tuy nhiên lại chưa đủ hấp dẫn đối với người mua nhà nói chung.
Về cán cân cung cầu trên thị trường, dù Chính phủ đã đặt mục tiêu sẽ xây ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030, tuy nhiên tính đến tháng 12-2023, kế hoạch cho phân đoạn 2021 – 2025 mới đi được 4,7% chặng đường.
Thứ hai, vấn đề pháp lý, chính quyền địa phương đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.
Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã được thông qua vào tháng 11-2023, Luật Đất đai sửa đổi được thông qua vào tháng 1-2024.
“Những nút thắt đang dần được nới lỏng, chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi từ nửa cuối năm 2024”, VNDirect nhận định.
2 tháng, Việt Nam xuất khẩu chè thu về gần 30 triệu USD, đứng top 5 thế giới
Tin tức từ số liệu Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm Việt Nam đã thu về 29,2 triệu USD với hơn 17.600 tấn chè, tăng hơn 30% về lượng và tăng gần 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.652 USD/tấn, giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ.
Trong tháng 2, xuất khẩu chè sang các thị trường chính như Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga đều giảm so với tháng 1, nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận một số thị trường có giá xuất khẩu trung bình cao hơn hẳn so với các thị trường khác.
Trong đó, Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam với trị giá hơn 10,8 triệu USD. Giá xuất khẩu đạt 1.987 USD/tấn, tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Đứng thứ hai là Đài Loan (Trung Quốc), có trị giá gần 3 triệu USD; Nga là thị trường đứng thứ ba, trị giá hơn 1,6 triệu USD.
Nếu như chè xuất khẩu sang các thị trường chủ đạo giảm thì những tháng đầu năm 2024 khu vực châu Âu lại xuất hiện thị trường đẩy mạnh thu mua, trong đó có Ba Lan.
Hiện nay, các sản phẩm chè của Việt Nam đã được xuất khẩu đi hơn 100 nước trên thế giới, với nhiều chủng loại chè phong phú và đa dạng.
Ra mắt Mạng lưới nhượng quyền và cấp phép Việt Nam
VFLN (Vietnam Franchising & Licensing Network) – Mạng lưới nhượng quyền và cấp phép Việt Nam – vừa làm lễ ra mắt với tư cách là tổ chức ngành chính thức và duy nhất dành cho ngành nhượng quyền và cấp phép tại TP.HCM.
Bà Nguyễn Phi Vân, chủ tịch VFLN, cho biết nhượng quyền là ngành đóng góp rất lớn vào GDP quốc gia.
Tại các nước có ngành nhượng quyền phát triển như Úc, Mỹ, Canada, Singapore, Malaysia, tỉ lệ đóng góp vào GDP của ngành dao động từ 3 – 11%.
Nhượng quyền được xem như phương thức hiệu quả để xuất khẩu mô hình và thương hiệu quốc gia với giá trị cao. Đây chính là lý do ngành nhượng quyền được chính phủ nhiều nước quan tâm và đầu tư phát triển.
Sự ra đời của VFLN sẽ tạo ra một sân chơi kết nối, học tập và phát triển cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam đang hoặc mong muốn nhượng quyền trong nước và quốc tế, giúp họ hiểu đúng, ứng dụng hiệu quả và thành công mô hình nhượng quyền để có thể tạo ra giá trị thương hiệu và giá trị xuất khẩu cao gấp 30 – 100 lần so với việc bán hay xuất khẩu sản phẩm thô.
TP.HCM đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng
Ông Nguyễn Toàn Thắng – giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM – cho biết trong năm 2024, sở này sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp sổ hồng cho người dân.
Sở sẽ tập trung gỡ vướng đối với bốn nhóm vướng mắc chính là các dự án bất động sản mới, tính nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với một số dự án, các dự án có kết luận thanh tra, điều tra và một số dự án gặp vướng mắc khác.
Theo ông Thắng, TP mong muốn giải quyết tất cả các vướng mắc còn lại của các dự án với số lượng hồ sơ còn tồn đọng là hơn 60.000 hồ sơ.
Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Cục Thuế TP.HCM đẩy nhanh tiến độ xác định nghĩa vụ tài chính của người mua nhà tại các dự án, đôn đốc các chủ đầu tư nộp hồ sơ cấp sổ hồng.
Đồng thời, sở này sẽ làm việc từng nội dung vướng mắc cụ thể đến cơ quan cấp trên để đẩy nhanh việc cấp sổ hồng cho người dân.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đối với nhóm hồ sơ chờ nộp thuế, đã có trên 8.300 hồ sơ được giải quyết xong trong năm 2023 và có trên 4.300 thuộc nhóm vướng mắc khác đã được giải quyết trong năm qua.
Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết đã có 22.147 căn nhà được cấp sổ hồng. Bên cạnh đó, việc thu thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ liên quan đến thủ tục cấp sổ hồng trong năm 2023 ước đạt 7.781 tỉ đồng.
TP.HCM điều chỉnh hoạt động của 3 tuyến xe buýt
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM thông báo bắt đầu điều chỉnh thông số hoạt động trên các tuyến xe buýt có trợ giá số 20, 33, 150.
Cụ thể, tuyến xe buýt số 20 (Bến Thành – Nhà Bè) có thời gian chạy một chuyến xe khoảng 50 phút.
Tại bến xe buýt Sài Gòn xuất bến lúc 4h20, chuyến cuối cùng lúc 21h15. Tại Nhà Bè xuất bến vào 4h20, chuyến cuối cùng lúc 20h.
Hiện nay, tuyến số 20 có tổng số chuyến xe hoạt động trong ngày là 328 (28 xe). Từ ngày 1-6 trở đi sẽ giảm còn 300 chuyến (28 xe).
Đối với tuyến xe buýt số 33 (bến xe An Sương – Suối Tiên – Đại học Quốc gia) có thời gian chạy một chuyến khoảng 55 phút.
Chuyến đầu tiên lúc 4h30, chuyến cuối lúc 21h15.
Hiện nay, tổng số chuyến xe hoạt động là 360 chuyến (28 xe). Từ ngày 1-6 giảm còn 340 chuyến (26 xe).
Tuyến xe buýt số 150 (bến xe buýt Chợ Lớn – ngã ba Tân Vạn) có thời gian chạy một chuyến 80 phút.
Chuyến đầu xuất bến lúc 4h30, chuyến cuối 21h15. Hiện tại, tổng số chuyến xe hoạt động trong ngày là 360 (với 36 xe). Từ ngày 1-6, tuyến này cũng giảm xuống 340 chuyến (34 xe).
Xem bài gốc ở đây