Tìm cách xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh khi chủ trì hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, diễn ra sáng 15/11 theo hình thức trực tiếp tại trụ sở văn phòng Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì “Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” tại trụ sở Văn phòng Chính phủ. |
Hội nghị đã phân tích, mổ xẻ những thách thức du lịch Việt Nam đang gặp phải, đồng thời thu nhận nhiều ý kiến tâm huyết hỗ trợ ngành du lịch hồi phục phát triển bền vững.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế
Báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia cho biết, 10 tháng năm 2023, toàn ngành đón 10 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 98,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Từ kết quả đó ngành du lịch điều chỉnh mục tiêu trong năm 2023 sẽ đón từ 12-13 triệu lượt khách quốc tế.
Nguyên nhân khiến lượng khách tăng mạnh là do ngành du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện du lịch đã tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi cả hoạt động du lịch nội địa và quốc tế. Thủ tục xuất nhập cảnh, chính sách thị thực thay đổi mạnh mẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách du lịch…
Du khách nếm thử các sản phẩm tiêu Bàu Mây. |
Trong bối cảnh chung đó, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cũng khởi sắc đáng kể. Tính đến hết tháng 10/2023, Bà Rịa-Vũng Tàu đón hơn 12,6 triệu lượt khách, tăng 21,98 % so cùng kỳ. Trong đó, tổng lượt khách lưu trú hơn 3,7 triệu lượt, tăng 16,87% so với cùng kỳ. Riêng khách quốc tế lưu trú ước đạt 216.603 lượt, tăng 68% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch trong 10 tháng năm 2023 đạt hơn 13.305 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với cùng kỳ. Du lịch trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, hoạt động du lịch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực cung của ngành. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm, chưa tổ chức được các hoạt động xúc tiến du lịch quy mô và tầm vóc quốc gia.
Sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới. Công tác quản lý điểm đến có nơi, có lúc còn chưa sâu sát, để xảy ra hiện tượng tăng giá dịch vụ, giá vé máy bay, nhất là trong các dịp lễ Tết. Liên kết vùng miền chưa thực chất.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82 của Chính phủ với phương châm “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”, trong đó tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. |
Tìm giải pháp đưa du lịch phát triển bền vững
Từ nhận diện thách thức ngành du lịch đang gặp phải, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp, chuyên gia, bộ, ngành, địa phương đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đề xuất cần có chính sách cụ thể cho hoạt động du lịch, như điều chỉnh giá điện của các cơ sở lưu trú du lịch từ giá điện dịch vụ sang giá điện sản xuất và các ưu đãi về thuế sử dụng đất của các cơ sở du lịch, giúp các doanh nghiệp du lịch khắc phục khó khăn. Chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần phải cụ thể, DN dễ tiếp cận. Bên cạnh đó cần đổi mới hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Trong khi đó, theo các DN, chính sách miễn visa đã được cải thiện đáng kể trong năm 2023 nhưng cần linh hoạt, miễn visa cho một số thị trường chủ lực trong một số giai đoạn ngắn hạn để lấp đầy các điểm đến trong giai đoạn thấp điểm du lịch nội địa. Cụ thể, trước mắt nên miễn thị thực 15 ngày cho khách Trung Quốc và xem xét thêm cho một số thị trường mới như Úc.
Đồng thời, khôi phục các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN, Tây Âu, các DN cũng đề xuất triển khai nhanh, hàng loạt các hoạt động giới thiệu quảng bá, tham gia các hội chợ, hội nghị du lịch qua đó giới thiệu Du lịch Việt Nam với thế giới. “Chúng ta nhận được 54 giải thưởng du lịch trong năm 2023, nhưng sâu sắc hơn, quảng bá của chúng ta phải từ tính độc đáo, khác biệt, bản sắc, thêm cả sự huyền bí”, chuyên gia Võ Trí Thành nói.
Du khách tham quan, tìm hiểu nhà cổ Nguyễn Hoàng (TT.Long Điền, huyện Long Điền). |
Ngoài ra, việc chuyển hướng sang du lịch xanh để phát triển bền vững cũng được nhiều DN quan tâm. Nhiều DN đề nghị cần xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh-bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn… Đây là một trong những chỉ số được du khách từ các nước phát triển đặt biệt đánh giá cao trong việc lựa chọn điểm đến.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh những nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong phục hồi phát triển du lịch sau khi bị tác động bởi dịch COVID-19. Trong khó khăn, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đoàn kết, chung tay góp sức để tạo sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phục hồi du lịch nhanh chóng.
Các địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục đơn giản, điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh, phát triển cần dựa trên nguồn lực tự nhiên, nguồn lực con người; tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các ngành, địa phương với doanh nghiệp, giữa địa phương với địa phương. Đồng thời, tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, có tính hiệu quả cao, tạo động lực để phát triển các ngành kinh tế khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu