Không để sân bay Long Thành chậm thêm tiến độ

 Không để sân bay Long Thành chậm thêm tiến độ

Một số công trình xã hội ở khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn vẫn chậm tiến độ do chưa thể giải ngân vốn vì hết thời hạn giải ngân – Ảnh: H.MI

Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến xung quanh việc làm thế nào để một công trình trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành không chậm thêm tiến độ.

* Đại biểu TẠ THỊ YÊN (phó trưởng Ban Công tác đại biểu):

Quyết liệt để hoàn thành dự án theo đúng thời gian

Không để sân bay Long Thành chậm thêm tiến độ - Ảnh 2.

Theo nghị quyết 53 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021.

Tuy nhiên đến nay, Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian triển khai đến năm 2024, tức là chậm ba năm so với tiến độ đề ra.

Tôi chia sẻ với Chính phủ khi triển khai dự án rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, nhưng chậm trễ đến ba năm là điều đáng quan tâm, nhất là khi đây là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Quảng cáo

Do đó thời gian tới, đề nghị Quốc hội cần có những điều chỉnh tương ứng so với nghị quyết 53 để hoàn thành trọn vẹn công tác thu hồi đất cho toàn bộ 5.000ha.

Đồng thời bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 theo nội dung tờ trình của Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội xem xét, cho phép điều chỉnh một số nội dung của nghị quyết 53 để có cơ sở giải ngân và triển khai các bước tiếp theo đảm bảo theo quy định.

Từ nay đến hết 2024, chỉ còn hơn một năm nữa nên cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, hiệu quả của việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương cho kéo dài thời gian thực hiện dự án cần có giải pháp quyết liệt để hoàn thành dự án theo đúng thời gian quy định.

Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành và các cơ quan sớm nghiên cứu triển khai dự án mở rộng đường bộ cao tốc, đường sắt nhẹ tốc độ cao/metro kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM nhằm đảm bảo giao thông kết nối khi hoàn thành dự án.

Dữ liệu: Bộ Giao thông Vận tải - Tổng hợp: CÔNG TRUNG - Đồ họa: N.KH.

Dữ liệu: Bộ Giao thông Vận tải – Tổng hợp: CÔNG TRUNG – Đồ họa: N.KH.

* Đại biểu NGUYỄN MẠNH HÙNG (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế):

Nghiên cứu cơ chế trình – duyệt khi có thay đổi

Không để sân bay Long Thành chậm thêm tiến độ - Ảnh 4.

Hiện nay về mặt bằng theo báo cáo đã cơ bản được bàn giao sạch.

Do đó điều quan trọng là nhà thầu hiện nay được chọn đã là nhà thầu rất lớn, uy tín nên phải đảm bảo nhân lực, công nghệ, nguồn lực để triển khai thi công ngay, đồng thời khi có mặt bằng được bàn giao.

Các cơ quan chức năng, địa phương cũng cần tiếp tục phối hợp quyết liệt để đảm bảo vấn đề thi công, hoàn thành dự án đúng tiến độ, nghị quyết của Quốc hội.

Một vấn đề khác là mỗi lần điều chỉnh, dù thay đổi không phải quá lớn đối với dự án vẫn phải làm các thủ tục, trình ra Quốc hội xin ý kiến sẽ mất thêm chi phí, thời gian, làm chậm tiến độ. Do đó nên nghiên cứu thêm cơ chế cho vấn đề này.

* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách):

Xây dựng các dự án song song

Không để sân bay Long Thành chậm thêm tiến độ - Ảnh 5.

Chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị phải khắc phục tiến độ xây dựng các dự án song song, triển khai đồng thời khi có mặt bằng ngay, nhanh chóng.

Cũng cần nói thêm trong dự án thành phần của dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư, phần chưa hoàn thành theo báo cáo của Chính phủ chủ yếu là công trình hỗ trợ tái định cư bên ngoài, không nằm ở hạng mục chính như nhà ga, đường băng.

Do vậy với việc tuyển chọn các nhà thầu được đánh giá có năng lực cao, hy vọng rằng các hạng mục công trình chính vẫn theo đúng được tiến độ.

Điều này đòi hỏi sự vào cuộc hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, địa phương, các bộ, ngành. Với các khó khăn cần được nghiên cứu, tháo gỡ kịp thời.

* Đại biểu BÙI XUÂN THỐNG (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai):

Chậm do nhiều nguyên nhân

Không để sân bay Long Thành chậm thêm tiến độ - Ảnh 6.

Về lý do chậm, trước hết sân bay Long Thành có thể là dự án quy mô lớn nhất nên việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư cũng cần thời gian dài hơn.

Thứ hai là ảnh hưởng do dịch COVID-19, đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội. Thứ ba: dự án quy hoạch hơn 20 năm nên trong thời gian chưa triển khai, người dân có nhu cầu vẫn sang nhượng, mua bán qua nhiều người dẫn đến công tác đo đạc, kiểm đếm gặp khó khăn mà nếu không làm cẩn thận lại dẫn đến khiếu nại.

Thứ tư là đầu năm 2022, đứt gãy nguồn cung ảnh hưởng đến các dự án có cấu phần xây dựng tái định cư. Có nhà thầu dù đã bỏ tiền xây dựng 30 – 40% công trình vẫn bỏ không làm tiếp. Muốn đấu thầu lại phải tiến hành bóc tách khối lượng, lên hồ sơ, chưa kể xin điều chỉnh giá nhân công, vật liệu…

Bộ GTVT nói tiến độ chung được kiểm soát

Phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội ngày 27-10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng dự án sân bay Long Thành là rất lớn nhưng triển khai trong bối cảnh có những biến động không lường trước được. Sau dịch COVID-19 lại đến cuộc chiến Nga – Ukraine đã tác động đến giá nguyên vật liệu xây dựng tăng rất cao.

Ông Thắng cũng dẫn lại báo cáo của tỉnh Đồng Nai về việc thời điểm đó, các nhà thầu bỏ thầu vì đơn giá tăng rất cao, cộng thêm tác động tiêu cực của dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng để làm tiếp. Tuy nhiên đến nay các dự án này đang được khởi động và triển khai trở lại.

Ông Thắng khẳng định có thể chậm giải phóng mặt bằng và gia hạn tới 2024 nhưng tiến độ chung đang kiểm soát được. “Tổng thể nếu có chậm cũng sẽ không quá một năm”, ông Thắng khẳng định. Hiện bộ đang chỉ đạo rất quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đến mức tối đa và cố gắng phấn đấu vượt tiến độ.

Còn Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường cho biết còn 64ha chưa thu hồi nhưng chủ yếu nằm bên ngoài, không thuộc trung tâm dự án nên việc giải phóng mặt bằng tiếp theo không ảnh hưởng thi công sân bay. Ông nêu rõ những phát sinh mang tính khách quan vô cùng lớn bên cạnh cũng có lý do chủ quan. Đồng Nai sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

Do hết niên độ giải ngân, từ năm 2022 đến nay Đồng Nai đã ứng 1.264 tỉ đồng để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho dân - Ảnh: H.MI

Do hết niên độ giải ngân, từ năm 2022 đến nay Đồng Nai đã ứng 1.264 tỉ đồng để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho dân – Ảnh: H.MI

* Quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức:

Có sự hiểu nhầm về tiến độ giải phóng mặt bằng

Đồng Nai được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành. Đến nay việc bồi thường ở phạm vi 5.000ha làm sân bay đã xong. Tuyến T1, T2 kết nối vào sân bay cũng đã bồi thường xong. Phần đất giai đoạn 1 làm sân bay, tỉnh cũng đã bàn giao cho chủ đầu tư.

Vừa qua Đồng Nai có báo cáo để Chính phủ trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV điều chỉnh một số nội dung của nghị quyết 53 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành kéo dài niên độ đến năm 2024 với mục đích là để giải ngân nguồn vốn còn trong kho bạc.

Vì sao? Trước đó Quốc hội cho niên độ giải ngân tiền ở dự án trên, từ năm 2017 – 2021. Tuy nhiên dịch bệnh COVID-19 phải giãn cách xã hội nhiều lần nên việc đo đạc, kiểm đếm, bồi thường đất cho dân gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài. Việc kéo dài hết niên độ nêu trên nên vướng không giải ngân được tiền để bồi thường.

Do đó UBND tỉnh phải xin ý kiến, ứng ngân sách địa phương chi trả cho dân nên mới kịp thời gian để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công một số hạng mục ở sân bay như vừa qua.

Việc tỉnh xin kéo dài niên độ đến năm 2024 nhằm lấy lại nguồn tiền trung ương đã phê duyệt, trả lại tiền ứng từ ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên có người vẫn hiểu nhầm là đến nay chưa bồi thường xong nên Đồng Nai mới xin điều chỉnh kéo dài làm dự án đến năm 2024. Nói tỉnh làm chưa xong giải phóng mặt bằng, kéo dài đến năm 2024 là hiểu nhầm.

Về những việc Đồng Nai sẽ làm tiếp khi một số nội dung ở nghị quyết 53 được điều chỉnh, cho kéo dài niên độ giải ngân vốn, ông Đức cho hay UBND tỉnh sẽ giải ngân hoàn trả lại tiền đã ứng từ ngân sách cho tỉnh làm bồi thường. Tiếp đó hoàn chỉnh các công trình hạ tầng xã hội ở khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn bởi hiện nay một số công trình ở khu tái định cư đang tiếp tục làm nhưng chưa thể giải ngân được.

* Chị Thùy Dương (cư dân khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn):

Mong sớm ổn định cuộc sống

Tôi ở xã Suối Trầu cũ (nay giải thể sáp nhập vào xã Bình Sơn), hầu hết người dân ở xã đã di dời, bàn giao mặt bằng. Trong đó rất nhiều hộ ra khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn xây nhà ở ổn định. Hiện các trường học vẫn chưa hoàn thiện nên mong muốn lớn nhất của tôi là các trường học sớm hoàn thành, tạo thuận tiện việc học hành cho con em trong khu tái định cư.

Mặt khác vẫn còn một số ít hộ dân xây nhà xong nhưng chưa có điện, phải kéo nhờ các hộ khác. Một số ít hộ chưa được bốc thăm tái định cư nên rất khó khăn. Đồng thời các hạ tầng xã hội khác cũng cần được quan tâm bởi người dân đã ra ở đông, nhu cầu lớn.

Về nghề nghiệp, hầu hết các bạn trẻ đã đi làm công ty, số khác chọn buôn bán hoặc có công việc riêng. Tuy nhiên những người lớn tuổi xưa có vườn có thể làm nông, chăn nuôi làm kế sinh nhai thì nay rất khó chuyển đổi nghề. Do đó người dân đều mong muốn chính quyền các cấp có biện pháp hỗ trợ, tạo công ăn việc làm phù hợp cho những người lớn tuổi, đặc biệt là nghề nghiệp tại chỗ.

Xem bài gốc ở đây

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan