Hạ tầng giao thông đang trưởng thành theo chủ trương đột phá
Bên cạnh gần 1.900km đường cao tốc được đưa vào khai thác, nhiều công trình trọng điểm quốc gia về giao thông được khởi công để hiện thực hóa chủ trương đột phá chiến lược xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.
Trên chuyến xe chạy suốt đường cao tốc từ Hà Nội tới Diễn Châu (Nghệ An), bà Mai Thị Bán thấy bất ngờ, thích thú khi không còn gặp cảnh ùn ứ xảy ra như cơm bữa trên đoạn quốc lộ 1 từ Tam Điệp về Bỉm Sơn (Thanh Hóa) quê bà.
Từng là công nhân cầu đường, bà Bán ngày đêm tham gia sửa chữa, khôi phục những đoạn đường quốc lộ 1 chạy dọc Thanh Hóa sau chiến tranh, nhưng bà không nghĩ có ngày mình được đi trên đường cao tốc từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) dài hơn 250km chỉ với 3 tiếng rưỡi.
“Những ngày còn khó khăn, làm đường chủ yếu bằng sức người, tôi không nghĩ nước mình sẽ có đường cao tốc như thế này. Nếu có thì chưa chắc mình đã còn được hưởng thụ” – người nữ công nhân cầu đường nay đã 66 tuổi nhớ lại, khi trải nghiệm chuyến xe chạy êm thuận trên đường cao tốc qua quê hương mình.
Nhiều tuyến đường cao tốc được đưa vào khai thác trong thời gian gần đây mang đến cho nhiều người trải nghiệm thú vị, bất ngờ như bà Bán. Những trải nghiệm này xuất phát từ những con đường, cây cầu cụ thể, nhưng nguồn gốc sâu xa hơn là từ những quyết sách về phát triển hạ tầng giao thông được thông qua tại các kỳ đại hội của Đảng.
Kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nên các nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng gần đây đều xác định xuyên suốt là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược để tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước.
Thời điểm năm 2010, cả nước mới có 89km đường cao tốc nhưng chỉ riêng trong năm 2023, Bộ Giao thông vận tải một số địa phương đã hoàn thành, đưa vào khai thác 475km đường cao tốc. Con số này xấp xỉ bằng cả giai đoạn 2016-2020.
Từ 89km đường cao tốc, trong vòng hơn 10 năm, đến cuối năm 2023, chúng ta đã khai thác 1.892km cao tốc. Với 129km cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt và Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa vào khai thác, trong năm 2024 cả nước sẽ có 2.021km đường cao tốc.
Thực hiện chủ trương tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, ngoài gần 1.900km đường cao tốc đang khai thác, hiện nay ngành giao thông vận tải đang tiếp tục thi công gần 1.700km cao tốc Bắc – Nam và các cao tốc kết nối Đông – Tây.
Thực tế, sau khi thông xe cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, từ tháng 5-2023 TP Phan Thiết và nhiều điểm đến ở Bình Thuận đã thu hút được lượng du khách lớn. Bởi vì, du khách từ TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ nhiều năm trước chọn Vũng Tàu là điểm đến với thời gian đi từ TP.HCM trong vòng 2 giờ, nay đường cao tốc đã đưa Phan Thiết gần hơn theo thời gian.
“Ngày trước chưa có đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tôi chở khách du lịch từ Hà Nội đến Sa Pa mất cả ngày, sáng đi tối đến. Giờ có cao tốc, dù đoạn qua Yên Bái – Lào Cai chỉ 2 làn nhưng sáng đi, trưa đến. Không chỉ rút ngắn thời gian, đi cao tốc Nội Bài – Lào Cai an toàn hơn nhiều so với quốc lộ 70 chật hẹp, nhiều dốc quanh co khiến xe chở 30 khách thì hơn 20 khách say xe.
Còn Hà Nội đi Quảng Ninh, Thanh Hóa, từ khi có đường cao tốc chỉ khoảng 2 tiếng. Trước chạy Hà Nội – Vinh 6 tiếng, giờ có cao tốc mới đến Diễn Châu nhưng cũng đã giảm còn 4 tiếng” – ông Võ Văn Thái (Hà Nội), tài xế hơn 20 năm ôm vô những chuyến xe chở khách du lịch khắp miền Bắc, miền Trung, cho biết những lợi ích hiện hữu từ sự thay đổi của hạ tầng giao thông trong những năm gần đây.
Theo ông Thái, không chỉ đường cao tốc, nhiều tuyến quốc lộ được mở rộng, đầu tư mới hoặc cải tạo mặt đường tốt hơn, các khúc cua đỡ gắt hơn nên đi lại thuận tiện hơn, đỡ tốn xăng, đỡ hại lốp.
Thực tế, với sự tăng trưởng của đường cao tốc, rút ngắn thời gian đi lại đã tạo nên cú hích mới cho du khách khi có thêm lựa chọn điểm đến. Các công ty du lịch đã thiết kế lại nhiều tour với loại hình mới, nhiều sản phẩm mới và điểm đến mới.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, bên cạnh gần 1.900km đường cao tốc đã khai thác hiện đang tiếp tục thi công gần 1.700km và chuẩn bị khởi công nhiều tuyến cao tốc trong thời gian tới. Đây là tiền đề quan trọng giúp bộ và các địa phương có thể hoàn thành vượt mức mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra là đến năm 2025 chúng ta có gần 3.000km đường cao tốc và đến năm 2030, chúng ta sẽ có trên 5.000km đường cao tốc.
Bên cạnh đường bộ, hàng không, với vai trò là cửa ngõ kết nối Việt Nam với thế giới, hệ thống sân bay tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư lớn để từng bước đáp ứng nhu cầu hành khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, hội nhập quốc tế. Quá trình đầu tư, mở rộng các càng hàng không đến nay đã nâng công suất toàn mạng cảng hàng không đạt 95 triệu hành khách/năm, tăng 2,5 lần so với năm 2011.
Những năm gần đây đã có sự tham gia của tư nhân đầu tư vào sân bay với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Một số sân bay Sa Pa, Quảng Trị đang được xúc tiến đầu tư PPP với sự tham gia của nguồn vốn tư nhân.
Trong năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hoàn thành việc nâng cấp sân bay Phú Bài; đã khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…
Đáng chú ý, cuối năm 2023, dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành giúp các máy bay tầm trung Airbus A320, A321 và tương đương cất cánh trực tiếp từ sân bay Điện Biên thay cho máy bay loại nhỏ. Việc sân bay Điện Biên có thể khai thác những đường bay dài đến TP.HCM và các nước trong khu vực vừa góp phần kết nối giao thương, thu hút đầu tư giữa các tỉnh Tây Bắc, vừa đảm bảo quốc phòng an ninh cho đất nước.
Về hàng hải, luồng cho tàu biển lớn vào các cảng biển lớn đều được đầu tư hoàn thành. Đáng kể nhất là luồng từ phao số 0 vào cảng CMIT thuộc khu vực Cái Mép – Thị Vải có thể đón được tàu lên đến 100.000 tấn mà không cần đợi thủy triều.
Qua quá trình đầu tư bền bỉ, bài bản, trong năm 2023, các cảng biển Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu đã lọt vào danh sách 50 cảng biển thông qua lượng hàng container lớn nhất trên thế giới. Các bến cảng cửa ngõ như Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho phép tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới hiện nay (trên 200.000 DWT).
Về đường thủy nội địa, trong năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành, đưa vào khai thác kênh Nối Đáy – Ninh Cơ (Nam Định) giúp tuyến vận tải thủy từ Hòa Bình về đến Ninh Bình rút ngắn hơn 80km, chi phí tiết kiệm về xăng dầu cho các doanh nghiệp khoảng 5 giờ và hơn 400 tỉ đồng/năm. Ở phía nam, tuyến kênh Chợ Gạo – huyết mạch kết nối từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên vùng Đông Nam Bộ – đã được nâng cấp, đưa vào khai thác.
Với đường sắt, ngoài việc nâng cấp, nâng cao năng lực khai thác của tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện hữu. Trong vòng 10 năm gần đây, lần đầu tiên Bộ Giao thông vận tải mở mới 1 ga liên vận quốc tế tại Bắc Giang. Từ ga liên vận này, hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp từ Bắc Giang sang Trung Quốc và ngược lại với khối lượng hàng hóa xuất khẩu lên đến 12 tỉ USD/năm…
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, bám sát các mục tiêu tại các nghị quyết của Đảng trong thời gian qua, bộ đã xác định phương hướng tập trung vào các công trình trọng điểm, tạo đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên vùng để khắc phục cơ bản những điểm nghẽn về giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và logistics. Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng lên đáng kể, bảo đảm kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành, khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông trong năm 2025; khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức quán triệt và triển khai có hiệu quả kết luận số 72-KL/TW về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Cụ thể, bộ sẽ khẩn trương tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phương án đầu tư, huy động nguồn lực để sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế; ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, các trục cao tốc Đông – Tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch; các sân bay quốc tế; hạ tầng các cảng biển lớn, các tuyến đường thủy nội địa có nhu cầu vận tải lớn; dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lạng Sơn – Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh) – Hải Phòng, TP.HCM – Cần Thơ, Biên Hòa – Vũng Tàu, Thủ Thiêm – Long Thành…
TUẤN PHÙNG
NAM TRẦN – TRẦN TIẾN DŨNG – ĐÔNG HÀ – TRẦN HUY HÙNG
HẢI PHI
Xem bài gốc ở đây