Giảm vi phạm luật giao thông nhờ camera… ‘chạy bằng cơm’
Đây được xem là cách kéo giảm vi phạm giao thông nhờ… camera “chạy bằng cơm”. Bạn đọc Tuổi Trẻ cùng góp ý kiến về việc này.
Thông tin chính xác, xử lý nhanh chóng
Việc sử dụng nguồn tin (hình ảnh, clip) từ người dân cho việc xử lý vi phạm giao thông là điều cần làm hiện nay khi nguồn lực giám sát của cơ quan hữu quan chưa thể bao phủ hết mọi lúc mọi nơi.
Tuy nhiên cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo việc xử lý vi phạm từ nguồn tin của nhân dân được chính xác, nhanh chóng.
Thứ nhất, cần đảm bảo sự chính xác của thông tin: hình ảnh được thu thập không bị cắt ghép, giả tạo.
Thứ hai, cơ quan chức năng nên mở nhiều cổng thu nhận chính thức có xác thực (Facebook, Zalo, website của cơ quan nhà nước…) để người dân thuận tiện gửi hình ảnh, video. Khuyến khích gửi hình ảnh/video có chất lượng tốt kèm theo thông tin về địa điểm, tuyến đường, khu vực… có hành vi vi phạm.
Thứ ba, nên có phản hồi với người cung cấp thông tin. Nếu cơ quan chức năng phản hồi chậm hoặc không phản hồi sẽ khiến người cung cấp thông tin chờ đợi, không hào hứng tham gia.
Thứ tư, người dân có quyền gửi thông tin tố cáo các vụ việc vi phạm an toàn giao thông, nhưng phải đảm bảo an toàn cho bản thân khi ghi hình. Nên xem xét khen thưởng với những nguồn tin liên quan các vụ việc vi phạm nghiêm trọng hoặc trên các tuyến đường chưa có đủ công cụ giám sát.
Trương Kiệt (TP.HCM)
Mong xử lý đúng lỗi, đúng người
Điều quan trọng nhất là xử lý “đúng lỗi, đúng người”. Phạt nguội chỉ hiệu quả đối với phương tiện giao thông chính chủ, có địa chỉ cụ thể, đúng địa giới hành chính.
Nhiều phương tiện được mua đi bán lại, không sang tên đổi chủ khiến cho việc xử lý trở nên khó khăn, phức tạp. Do đó việc xác định đúng đối tượng nộp phạt cũng là một bài toán khó.
Ngoài ra, các hành vi xóa, làm biến dạng, sử dụng các thiết bị công nghệ đảo các số trên biển kiểm soát cũng là nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn trong quyết định xử phạt.
Chưa kể việc triển khai và áp dụng biện pháp xử phạt này vẫn còn hạn chế vì quy trình tốn nhiều thời gian.
Hồ Thị Hà Giang (Q.Cầu Giấy, Hà Nội)
Tăng cường năng lực xử lý vi phạm
Tôi nghĩ giải pháp người dân cung cấp thông tin vi phạm giao thông sẽ nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của dư luận xã hội trước các các hành vi hung hăng, nguy hiểm trên đường. Đồng thời tăng cường năng lực xử lý vi phạm và hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu số cho các ngành chức năng.
Nhưng giải pháp này cũng có những thách thức: dễ trở thành vi phạm pháp luật nếu không cẩn thận và nắm rõ quy định, như sử dụng điện thoại trong khi lái xe chẳng hạn.
Mức độ chính xác của thông tin cũng như ranh giới giữa cơ sở pháp lý và thông tin hữu ích cũng là chuyện cần phân định rõ.
Phạm Sanh
Yên tâm hơn trên đường
Tôi lái taxi hơn 10 năm nay, chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh chạy ẩu trên đường. Có những lần chở khách du lịch gặp lái xe chạy quá ẩu, chỉ biết lái xe chậm lại để né.
Có những kiểu vi phạm luật giao thông ảnh hưởng đến việc quảng bá du lịch của địa phương, mất điểm trong mắt du khách.
Từ lúc CSGT tiếp nhận xử lý vi phạm qua tin báo của người dân, tôi nhận thấy tại Phú Yên tình trạng này có giảm, tôi cảm thấy yên tâm hơn khi lái xe ra đường. Bản thân tôi cũng sẽ cung cấp hình ảnh sai phạm từ camera hành trình trên xe.
Huỳnh Tấn Hoàng (Tây Hòa, tỉnh Phú Yên)
Công khai đầu mối tiếp nhận
Việc người dân cung cấp hình ảnh cho lực lượng chức năng là việc thiết thực, đóng góp không nhỏ vào việc kéo giảm tai nạn giao thông.
Tuy nhiên cơ quan chức năng cần công khai các đầu mối tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm giao thông để tạo thuận lợi và có biện pháp bảo mật người gửi để người dân an tâm cung cấp thông tin.
Hứa Vĩnh Nhân (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng)
Xác minh chính xác thời điểm rất quan trọng
Cơ quan chức năng cần xác minh được thời điểm vi phạm để xử phạt. Bởi có những video, hình ảnh gây thu hút dư luận xã hội với hàng nghìn lượt xem, bình luận, nhưng sự việc vi phạm đã xảy ra nhiều năm về trước, cơ quan chức năng rất khó kiểm chứng, xử lý.
Nguyễn Thanh Tuấn (TP Pleiku, Gia Lai)
Mong thông tin được xử lý khách quan
Nếu như thông tin của người cung cấp bị lọt ra ngoài thì sẽ rất phiền phức, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc vì biết đâu những người vi phạm sẽ tìm cách trả thù.
Mong lực lượng chức năng nên có những cách làm chặt chẽ để bảo mật tuyệt đối thông tin người gửi.
Chúng tôi không mong muốn phải được trả công xứng đáng, chỉ mong thông tin gửi đến sẽ được xử lý khách quan, đúng người và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người cung cấp.
Phan Nhật Nam (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên)
Cục Cảnh sát giao thông: Khuyến khích cung cấp thông tin vi phạm
Qua theo dõi, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đánh giá một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai, Bắc Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã làm tốt việc vận động người dân phối hợp, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính cho lực lượng CSGT.
Năm 2023, Phòng CSGT Công an Hà Nội đã tiếp nhận tới 4.471 tin phản ánh thông qua kênh tương tác Zalo. Từ đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 287 trường hợp.
Về các thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm, cơ quan này khuyến nghị tập trung vào các hành vi chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; ô tô chở hàng quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; đi vào đường cấm, đi ngược chiều; vượt đèn đỏ; dừng, đỗ không đúng nơi quy định; đi vào làn dừng phương tiện khẩn cấp của đường cao tốc; điều khiển xe lạng lách, đánh võng…
Người dân có thể quay video, chụp ảnh thông qua máy ảnh, điện thoại, camera hành trình… Thông tin cần đảm bảo rõ ràng về thời gian (ngày, giờ) phát hiện vi phạm; tuyến đường, địa điểm xảy ra vi phạm; biển số phương tiện, đặc điểm của phương tiện; chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện (nếu xác định được) và các thông tin khác có liên quan.
Người dân có thể gửi thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm đến công an tỉnh, thành phố thông qua các kênh tương tác trực tuyến của phòng cảnh sát giao thông để được tiếp nhận, xử lý. “Tất cả các clip, hình ảnh này sẽ được lực lượng chức năng bảo mật thông tin về người cung cấp”, đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Có vi phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân?
Việc cung cấp thông tin, hình ảnh, video vi phạm an toàn giao thông được căn cứ vào nghị định 135/2021 ngày 31-12-2021 của Chính phủ có quy định về quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
Một số địa phương kêu gọi người dân cung cấp thông tin, hình ảnh, video vi phạm an toàn giao thông làm cơ sở xác minh, xử lý vi phạm (nếu có) là có cơ sở pháp lý, là cơ sở ban đầu để cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh và có biện pháp xử lý phù hợp. Việc này không vi phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân.
Luật sư Nguyễn Phong Phú (Đoàn luật sư TP.HCM)
Thượng tá VÕ HÙNG TƯỜNG (trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên):
Hiệu quả từ “tai mắt” nhân dân
Việc người dân phản ánh hành vi vi phạm là kênh thông tin rất hiệu quả vì vừa xử lý vi phạm, vừa cảnh tỉnh các trường hợp khác. Thời gian qua việc triển khai này rất hiệu quả, xử lý nhiều vi phạm diễn ra trên các tuyến đường ở Phú Yên.
Đối với các hình ảnh, clip phản ánh rõ hành vi, phương tiện, chúng tôi kiểm tra xử lý, không nhất thiết phải xác định đúng nhân thân, đúng thông tin của người cung cấp.
Những thông tin trên mạng xã hội, chúng tôi vẫn xác minh xử lý bình thường. Mục tiêu chúng tôi hướng đến là người tham gia giao thông phải ý thức tự giác chấp hành quy định bởi bất cứ lúc nào sai phạm cũng sẽ bị “tai mắt” của người dân ghi lại.
Xem bài gốc ở đây