Cùng thanh niên nông thôn lập nghiệp

 Cùng thanh niên nông thôn lập nghiệp

Trăn trở với nguồn tài nguyên địa phương, khao khát làm giàu trên mảnh đất quê hương, cùng với vốn kiến thức và tư duy đổi mới, nhiều thanh niên đã mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp thành công. Họ trở thành những ông-bà chủ trẻ với nguồn thu nhập cao và đóng góp tích cực vào quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc HTX bưởi da xanh Hắc Dịch, chủ “Dự án thuê lại các vườn bưởi” (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn bưởi cho ĐVTN phường Hắc Dịch.

Đi lên từ đặc sản địa phương

Tham gia cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức và được chọn vào vòng chung kết dự kiến diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng trong tháng 10 sắp tới, chị Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc HTX Bưởi da xanh Hắc dịch (phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) chia sẻ, khoảng năm 2021, trước những tác động của đại dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ bưởi da xanh tại địa phương yếu dần, người nông dân gặp khó khăn trăm bề nên không mấy mặn mà với loại cây đặc sản này. Từ thực tế sản lượng bưởi da xanh chất lượng cung không đủ cầu, nhiều nhà vườn lại bỏ phế hoặc chăm sóc cầm chừng, không bảo đảm kỹ thuật, HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch quyết định thực hiện “Dự án thuê lại các vườn bưởi” nhằm giúp nông dân trồng bưởi da xanh giữ nghề, mang lại thu nhập cao hơn và thúc đẩy phát triển bền vững từ bưởi địa phương.

Những năm qua, HTX bao tiêu bưởi cho các thành viên và tạo việc làm cho người dân địa phương, bảo đảm bưởi da xanh có nguồn gốc xuất xứ, an toàn từ khâu sản xuất đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Thực hiện dự án, thành viên nòng cốt của HTX đi đến từng nhà vườn, trao đổi trực tiếp với từng nông dân, ký hợp đồng thỏa thuận thuê lại vườn bưởi da xanh thời gian từ 3-15 năm với mức giá từ 80-150 triệu đồng/ha/năm. Trong quá trình thuê lại, HTX có sự đồng hành của đội ngũ kỹ sư, vựa phân bón và nông dân có kinh nghiệm trên 10 năm tại địa phương.

Đến nay, dự án đã thuê lại được 5 vườn bưởi với tổng diện tích 8ha. Trong đó 6ha đang cho thu hoạch ổn định với lãi suất hơn 1 tỷ đồng/năm. Dự kiến dự án sẽ mở rộng diện tích lên 15-20ha trong thời gian tới.

Quảng cáo

“Với các sản phẩn bưởi da xanh đạt chuẩn, HTX xuất bán cho các siêu thị, các đầu mối lớn tại TP.Hồ Chí Minh… Những sản phẩm màu không đẹp, trái nhỏ không đạt chuẩn được HTX linh động bán cho các mối khác nhằm chế biến thành tinh dầu bưởi, nước ép, mứt, chè bưởi… Hiện HTX đang trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và đang làm mã vùng trồng để nhắm đến thị trường xuất khẩu”, chị Dung cho biết.

Còn anh Nguyễn Hoài Hận (huyện Côn Đảo) tham gia với dự án “Bánh quy hạt bàng” chia sẻ, anh có kinh nghiệm nhiều năm làm đầu bếp tại huyện Côn Đảo. Với khát khao tạo nên sự mới mẻ cho khách du lịch khi đến với huyện đảo, tạo lập lối đi riêng từ đặc sản hạt bàng của quê hương, anh đã tìm tòi nghiên cứu và cho ra đời dòng bánh quy làm từ nguyên liệu hạt bàng. Tháng 9/2020, sản phẩm bánh quy hạt bàng ra đời. Đến năm 2021, sản phẩm được bày bán tại cửa hàng bánh của anh và nhận về nhiều phản hồi tích cực từ khách du lịch. Với giá bán rất phải chăng, từ 100-150 ngàn đồng/sản phẩm, bánh quy hạt bàng Côn Đảo nhanh chóng được khách du lịch chọn lựa khi đến tham quan huyện đảo.

Trên đà thành công này, năm 2022, anh Hoài Hận mở chi nhánh thứ 2, chia khuôn viên tiệm thành 2 gian, bên ngoài bày bán, ngăn cách bằng 1 lớp kính trong suốt để du khách tận mắt nhìn thấy quy trình, các bước làm bánh bên trong. Đến nay, bình quân mỗi tháng, bánh quy hạt bàng mang về cho gia đình anh thu nhập khoảng 90 triệu đồng.

“Trong suốt hành trình tham gia cuộc thi, dự án “Bánh quy hạt bàng” của tôi được Ban Giám khảo đánh giá cao và vượt qua hơn 400 hồ sơ dự án trên cả nước để vào vòng chung kết. Với tôi đây là sự ghi nhận tích cực cho những nỗ lực không ngừng nghỉ suốt thời gian qua. Tôi sẽ tiếp tục hoàn chỉnh phần trình bày của mình để sẵn sàng cho vòng chung kết trong tháng 10 tới”, anh Hoài Hận tâm sự.

Để thanh niên khẳng định vai trò của bản thân

Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh nhận định, với tính sáng tạo, thiết thực và mang lại hiệu quả kinh tế cao, 3 dự án của thanh niên tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xuất sắc vượt qua những thí sinh khác ở khu vực miền Nam bước vào vòng chung kết dự kiến tổ chức vào tháng 10 tại tỉnh Sóc Trăng. Các dự án được chọn gồm: “Sake Toàn Cầu-Sake Việt” của tác giả Phạm Đông Huy, “Bánh quy hạt bàng” của tác giả Nguyễn Hoài Hận và “Dự án thuê lại các vườn bưởi” của tác giả Nguyễn Thị Thùy Dung. Điều đáng mừng là trong 12 dự án khởi nghiệp của thanh niên khu vực miền Nam lọt vào vòng chung kết thì Bà Rịa-Vũng Tàu có đến 3 dự án.

Theo báo cáo từ Trung ương Đoàn, từ khi triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc nhiệm kỳ 2017-2022, các cơ sở Đoàn đã tổ chức tổng cộng hơn 1.450 cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, thu hút hơn 223.000 lượt thanh niên tham gia. Các cuộc thi đã góp phần sàng lọc ra những dự án, ý tưởng khởi nghiệp có chất lượng, phù hợp triển khai trong thực tiễn.

Các cấp Đoàn đã linh động phối hợp, kịp thời thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội duy trì 217 tổ tiết kiệm vay vốn cho ĐVTN, với tổng số tiền dư nợ 449,515 tỷ đồng với những mục đích, dự án đầu tư khởi nghiệp khác nhau. Năm 2022, chương trình Nhà Đầu tư Thiên Thần của Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã vận động nguồn vốn nhàn rỗi của các DN hỗ trợ 4 dự án, với tổng giá trị 200 triệu đồng và đầu tư 2 tỷ đồng cho 1 dự án khởi nghiệp của thanh niên.

Tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, Hội LHTN Việt Nam tỉnh tập trung kết nối thanh niên với các chuyên gia, tổ chức nhiều sân chơi để thanh niên có thêm kinh nghiệm; tạo môi trường hỗ trợ ĐVTN mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đăng ký, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản sạch, công nghệ cao; tham gia tuyên truyền, giới thiệu, hỗ trợ và hướng dẫn 12 sản phẩm thuộc dự án khởi nghiệp của thanh niên tham gia, kết quả có 3 sản phẩm đạt 3 sao- 4 sao trên chuẩn 5 sao trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” năm 2022 của UBND tỉnh. Đặc biệt, Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức nhiều chương trình kết nối, giúp quảng bá, nâng tầm chất lượng sản phẩm khởi nghiệp của tuổi trẻ tỉnh theo hướng 4.0.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan