Chuyên gia lo khi Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục sinh ít con
Tại hội thảo vừa được tổ chức ở Hà Nội, ông Mai Trung Sơn, phó vụ trưởng Vụ Quy mô dân số – kế hoạch hóa gia đình, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, cho biết tỉ lệ gia tăng dân số tại Việt Nam đã giảm từ 3,93% năm 1960 xuống 0,97% năm 2022, quy mô dân số hiện đã vượt 100 triệu người.
Tương tự, mức sinh chung cũng đã giảm từ 6,4 con/bà mẹ năm 1960 xuống 2,01 con/bà mẹ năm 2022, tuy nhiên mức sinh này không đều và đã có khu vực xuống thấp đến mức lo ngại.
Đẻ nhiều – đẻ ít đều khó sửa?
Theo ông Sơn, 9 tỉnh có mức sinh thay thế có tổng dân số dưới 20 triệu người, trong khi khu vực có mức sinh thấp có dân số xấp xỉ 40 triệu. Qua 4 lần tổng điều tra dân số thì mức sinh ở các tỉnh này đều giảm và hiện đã giảm sâu, như Đông Nam Bộ hiện còn 1,56 con, nếu xuống tiếp đến mức dưới 1,3 con/bà mẹ thì rất khó khôi phục.
Đồng bằng sông Cứu Long cũng là khu vực có mức sinh thấp, năm 1990 ở đây bình quân 1 bà mẹ tuổi sinh đẻ có 4 con, hiện con số này là 1,8. Tuy nhiên bức tranh trái ngược là ở vùng/nhóm dân cư có đời sống khó khăn hơn lại sinh nhiều hơn, như Tây Nguyên trước bình quân 6 con/bà mẹ nay ở mức 2,4; Tây Bắc trước gần 5 con/bà mẹ nay 2,4.
Khu vực Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Hồng trước đây đã giảm nhưng hiện tăng trở lại, nhiều gia đình 3 con hoặc hơn nữa. Qua rà soát các nhóm dân cư cho thấy nhóm nghèo nhất và trình độ tiểu học hoặc thấp hơn là đẻ nhiều nhất.
Mặc dù mức sinh đã giảm về mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì hơn 10 năm nay, nhưng dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, theo phương án trung bình đến năm 2069 dân số Việt Nam là 117 triệu người, tuy nhiên số người tăng thêm mỗi năm sẽ giảm dần và từ năm 2059 có thể là số âm, tức là quy mô dân số không tăng thêm.
Nhóm trẻ dưới 14 tuổi dần sẽ ít hơn so với nhóm người cao tuổi, năm 2019 cứ 2 trẻ em thì có 1 người già, đến năm 2062 bình quân cứ 2 trẻ em có 3 người cao tuổi.
Vì sao vùng sinh ít cứ không chịu sinh thêm?
Việt Nam đã có chính sách khuyến sinh hay chưa và đã cần chính sách này? Thực tế các chuyên gia đã lo ngại mức sinh thấp và có xu hướng giảm thêm ở một số vùng như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh Nam Trung Bộ.
Từ đó đề xuất trong chính sách dân số thì có cách làm riêng với từng khu vực sinh nhiều – sinh ít, ở khu vực mức sinh thấp cần chính sách khuyến sinh.
Hện nay vùng mức sinh thấp gồm 21 tỉnh, thành: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Từ năm 2019, trong chiến lược dân số đến năm 2030 đã có những quy định hoặc đề xuất nhằm khuyến sinh tại các vùng có mức sinh thấp/khi mức sinh giảm thấp. Trong đó có cả chính sách hỗ trợ khi mua nhà, trường học, chăm sóc sức khỏe… với các gia đình sinh đủ 2 con.
Tại hội thảo vừa diễn ra, Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết dự luật dân số đề xuất thưởng tiền (một lần) cho phụ nữ sinh con thứ 2.
Tuy nhiên các chính sách, dự thảo này đều chưa đưa vào thực tế, trong khi chi phí chăm sóc trẻ lại tăng cao, nhà trẻ, trường mẫu giáo chưa đủ theo nhu cầu trong khi mức lương thấp, cả cha và mẹ đều phải đi làm mới lo được cuộc sống, sinh thêm con thì thêm vất vả và không đủ tài chính chăm lo cho trẻ.
Đây là những lý do được nói đến nhiều nhất trong tình hình vùng nghèo, đẻ nhiều thì khó kéo giảm, vùng kinh tế khá hơn và đẻ ít quá thì lại khó nâng tỉ lệ sinh. Vòng luẩn quẩn này nếu không có những chính sách rõ ràng và thực chất hơn sẽ tiếp tục kéo dài.
Việt Nam có nguy cơ mức sinh xuống thấp như Hàn Quốc, Nhật Bản hay không? Nhiều chuyên gia đánh giá chưa đến mức độ như vậy trên phạm vi cả nước, nhưng ở một số vùng thì hoàn toàn có thể xảy ra.
Xem bài gốc ở đây