Chứng khoán giảm tuần thứ 4 liên tiếp, cổ phiếu nào ngược thị trường chung?
Nhóm cổ phiếu giảm điểm mạnh
Vn-Index đóng cửa tuần đầu tiên tháng 10-2023 (từ ngày 2 đến ngày 6-10) ở mức 1.128,54 điểm, giảm 35,61 điểm so với tuần trước và là tuần điều chỉnh thứ 4 liên tiếp với mức giảm lũy kế gần 9,1%.
Thanh khoản tiếp tục suy yếu, bình quân cả 3 sàn chỉ hơn 17.000 tỉ đồng. Trong khi giai đoạn trước đó (từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9) thường duy trì trên 20.000 tỉ đồng/phiên, có lúc chạm 42.000 tỉ đồng.
Thống kê từ chứng khoán SHS, nhóm bất động sản tiếp tục có diễn biến kém tích cực khi đa số vẫn chịu áp lực giảm điểm mạnh, thanh khoản ở mức trung bình tuần qua.
Các cổ phiếu giảm mạnh nhất phải kể tới QCG của Quốc Cường Gia Lai (-14,29%), CEO của CEO Group (-13,15%), DXG (-11,64%), DIG của Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (-11,16%), NVL của Novaland (-10,9%)…
Dòng cổ phiếu bất động sản cũng có sự phân hóa nhất định khi xuất hiện một số mã phục hồi nhẹ như TCH của Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (+2,16%), VHM của Vinhomes (+1,21%), HDC của Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (+0,65%)…
Ngoài bất động sản, tuần qua đa số cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến tiêu cực, chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản trên mức trung bình.
Chẳng hạn như CTS của Chứng khoán Ngân hàng Công Thương (-9,34%), WSS của Chứng khoán Phố Wall (-5,8%), VCI của Chứng khoán Vietcap (-5,45%), BSI của Chứng khoán BIDV (-4,88%)…
Ngược lại có một số mã nhóm chứng khoán tăng giá khi có thông tin chia cổ tức hay dự báo tích cực về kết quả kinh doanh quý 3-2023 như BVS của Chứng khoán Bảo Việt (+3,91%), SSI (+3,62%), PSI của Chứng khoán Dầu khí (+2,08%)…
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, nhiều mã giảm mạnh ảnh hưởng tiêu cực lên điểm số thị trường. Trong đó có NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (-9,92%), TPB của TPBank (-5,88%), EIB của Eximbank (-5,01%), BID của BIDV (-4,85%), TCB của Techcombank (-4,75%)…
Điểm sáng là nhóm các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su với diễn biến khá tích cực so với thị trường chung.
Nhiều mã tăng điểm, thanh khoản cải thiện như DTD của Đầu tư phát triển Thành Đạt (+13,36%), VGC của Viglacera (+9,91%), TIP của Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (+7,53%), GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (+3,59%)…
Các ngành hút dòng tiền là nhóm có quy mô vốn hóa nhỏ
Thống kê thị trường chung từ Fiintrade cho thấy các ngành chủ chốt tiếp tục ghi nhận dòng tiền rút mạnh. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân phiên tuần qua giảm 26,4% (hơn 1.000 tỉ đồng) ở ngành bất động sản.
Trong khi ngành ngân hàng giảm 15,2% (696 tỉ đồng), và giảm hơn 15% (609 tỉ đồng) ở ngành chứng khoán. Ngành thép cùng xu hướng với mức giảm 23,1% (265 tỉ đồng).
Ngược lại, các ngành hút dòng tiền tiếp tục là nhóm có quy mô vốn hóa nhỏ và không có nhiều cổ phiếu có thanh khoản cao. Trong đó đáng chú ý là nhóm hóa chất với chỉ số giá đi ngược thị trường chung, tăng 1,4%.
Về hành vi, các nhóm nhà đầu tư, cá nhân và tổ chức trong nước mua ròng, trong khi khối ngoại và tự doanh vẫn bán ròng.
Đáng chú ý, quy mô giao dịch của nhà đầu tư cá nhân giảm khá mạnh trong tuần vừa qua, chạm mức thấp nhất kể từ tuần cuối tháng 5-2023.
Chuyên gia Fiintrade cho rằng thị trường chưa tìm thấy điểm cân bằng trong tuần vừa qua khi áp lực bán ra xuất hiện và cầu duy trì ở mức thấp.
Mức tăng gần 15 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 6-10) đến từ lực mua chủ động diện rộng, nhưng thanh khoản duy trì ở mức thấp và chỉ vừa bù đắp cho phần điểm bị mất đi trong ngày giao dịch trước đó, theo chuyên gia.
Xem bài gốc ở đây