Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu: 240 thửa đất đoạn Đồng Nai vắng chủ
Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng làm cao tốc Biên Hoa – Vũng Tàu, ngày 17-2, đại diện Ban quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai cho biết công tác kiểm đếm tại dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã hoàn thành trên 90% diện tích.
Cụ thể, tại dự án thành phần 1 (dài 16km), đã hoàn thành kiểm đếm gần 132ha trên tổng diện tích gần 138ha đất thu hồi.
Ở dự án thành phần 2 (dài 18,2km), đã hoàn thành kiểm đếm hơn 139ha trên tổng diện tích hơn 151ha đất cần thu hồi làm dự án.
Tuy nhiên, theo ban bồi thường, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn 240 thửa đất với diện tích hơn 18ha chưa xác định được chủ sử dụng đất để thực hiện việc kiểm đếm.
Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho công tác kiểm đếm, bồi thường tại dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu vẫn chưa hoàn thành.
Để giải quyết các trường hợp đất vắng chủ, Ban quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai cho hay đối với các thửa đất chưa xác định được chủ sử dụng đất, ban đang phối hợp với các địa phương niêm yết, thông báo liên hệ tìm chủ sử dụng đất để thực hiện theo trình tự kiểm đếm vắng chủ.
Liên quan đến dự án này, Bộ Giao thông vận tải cũng vừa có công văn đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu qua Đồng Nai.
Bộ cho biết dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 được triển khai theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, trong đó yêu cầu bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30-6-2023 và toàn bộ mặt bằng trước 31-12-2023 để dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.
Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã khởi công từ ngày 18-6-2023. Tuy nhiên đến nay diện tích đất bàn giao chủ yếu là đất giao thông, sông suối nằm rải rác nên chưa thể triển khai thi công đồng loạt. Tiến độ bàn giao mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu nghị quyết số 90 của Chính phủ.
Nguyên nhân chậm bàn giao mặt bằng chủ yếu là do thiếu nhân sự tại địa phương để xác nhận nguồn gốc đất, dẫn đến chậm áp giá đền bù và chậm chi trả bồi thường cho người dân; chậm triển khai các thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; tiến độ xây dựng các khu tái định cư chưa đáp ứng do chậm bàn giao mặt bằng…
Theo Bộ Giao thông vận tải, công tác giải phóng mặt bằng chỉ thực sự hiệu quả khi có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy các cấp của địa phương như Thủ tướng đã chỉ đạo.
Xem bài gốc ở đây