Xuôi dòng sông Tiền
Nằm ở hạ lưu sông Tiền, cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) như một điểm nhấn của chốn miệt vườn, sông nước miền Tây.
Khách du lịch ngồi xuồng ba lá tham quan cù lao Thới Sơn. |
Từ bến phà Rạch Miễu (tỉnh Bến Tre), chúng tôi được hướng dẫn viên dẫn lên chiếc ghe máy với sức chứa khoảng 50 khách hướng về phía cù lao Thới Sơn. Chị Hồ Thị Diệu Thúy, hướng dẫn viên Công ty TNHH TMDV du lịch Miền Quê cho biết, hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang cách nhau bởi con sông Tiền. Trong đó, thượng nguồn là Cồn Phụng thuộc tỉnh Bến Tre, hạ nguồn sông Tiền là Cồn Lân hay còn gọi là cù lao Thới Sơn (thuộc tỉnh Tiền Giang).
Từ sông Tiền nhìn xuống phía hạ nguồn, cù lao Thới Sơn được phủ một màu xanh của những vườn cây ăn trái. Sau 15 phút di chuyển bằng thuyền, chúng tôi đã đặt chân đến cù lao. Cù lao Thới Sơn hiện ra trước mắt chúng tôi với một không gian rất truyền thống. Người dân nơi đây vẫn duy trì sống trong những căn nhà cổ đậm chất Nam Bộ xưa. Nhà ba gian, hai chái, lợp ngói âm dương, sân nhà lát gạch đỏ, vườn tược rộng rãi nhiều cây kiểng bon sai và cây ăn quả. Bên trong nhà cũng được trang trí khá cầu kỳ: Giữa nhà đặt bộ tràng kỷ trạm khắc tinh xảo, tủ thờ trang nghiêm được khảm trai sáng bóng, đôi câu đối sơn son thếp vàng long trọng…
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi cũng là một ngôi nhà xưa. Tại đây, du khách có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về quá trình nuôi ong, thu hoạch mật ong và các công đoạn tạo nên những sản phẩm chất lượng từ ong như mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa… Chúng tôi tiếp tục di chuyển bằng xe ngựa đến nơi có vườn cây ăn trái xum xuê để thưởng thức mít, nhãn, thơm, hồng xiêm, bưởi, dưa hấu… Theo những những người dân địa phương, Cồn Thới Sơn, cây trái trên cù lao sai trĩu quanh năm, là nguồn cung cấp trái cây cho nhiều chợ đầu mối tỉnh Tiền Giang nên hoa quả ở cù lao phong phú vào loại bậc nhất.
Trong ngôi nhà cấp bốn xanh mát, những “nghệ sĩ miệt vườn” vừa đờn vừa ca những câu vọng cổ Dòng sông quê em, Dạ cổ hoài lang, Ba mùa mưa, Vọng Kim Lan, Không bao giờ quên anh… khiến du khách như đắm chìm trong không gian văn hoá của vùng đất phương Nam.
Rời bến Chương Dương, chúng tôi xuôi theo những con rạch êm đềm hai bên là những hàng dừa nước mát rượi. Theo lời hướng dẫn viên, trên cù lao Thới Sơn hiện có 300 chiếc xuồng ba lá, mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách tham quan từ bến Chương Dương đến các làng nghề truyền thống. Với chiều dài toàn tuyến khoảng 2km, trên xuồng ba lá du khách đủ trải nghiệm vẻ đẹp thanh bình đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Sau đó là những trải nghiệm thú vị tại các làng nghề truyền thống, như cơ sở làm kẹo thủ công, làm bánh tráng, nấu rượu, nuôi ong lấy mật… Tại đây, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến các quy trình thủ công tạo ra những món đặc sản của Tiền Giang, Bến Tre, và mua các sản phẩm về làm quà cho người thân và bạn bè.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu