Xe máy ‘bỏ quên’ ở sân bay Tân Sơn Nhất: Bạn đọc nêu nhiều giải pháp dễ xử
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, kể từ khi nhà giữ xe hoạt động vào tháng 5-2016, đã có nhiều người đến gửi xe máy tại nhà xe ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất rồi… “bỏ quên”.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – trưởng phòng vận hành Công ty CP đầu tư TCP (đơn vị quản lý giữ xe nhà xe quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất), đến nay số xe đó đã lên hơn 650 chiếc, nhiều xe trong tình trạng đóng đầy bụi bẩn, hoen gỉ.
“Tôi mong cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn để doanh nghiệp có hướng xử lý xe quá hạn theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, cũng mong các cơ quan báo chí thông tin đến người dân, hành khách gửi xe theo đúng quy định của nhà để xe, tránh để quá lâu” – ông Tuấn cho hay.
Ngay sau đó, Tuổi Trẻ Online mở cuộc thăm dò về hướng xử lý, tính đến đầu giờ chiều 11-9 đã nhận kết quả như sau: 1.115 bạn đọc chọn giải pháp đấu giá công khai, lấy tiền sung công quỹ (tỉ lệ 92,4%). Chỉ có 6,9% Không đồng ý và số còn lại 0,7% Ý kiến khác.
Đứng về số đông những người chọn giải pháp đấu giá công khai, lấy tiền sung công quỹ, bạn đọc Coc thắc mắc: “Dựa theo luật về tài sản nhặt được để xử lý, sao có luật mà lại để những chiếc xe ấy nằm bãi quá lâu như vậy?”.
Theo bạn đọc này, để tránh tình trạng khó xử như trên thì: “Trên thẻ xe cần ghi rõ thời hạn, nếu quá thời hạn sẽ xem như là vô chủ và đăng thông báo tại cơ quan hành chính, thông báo trên báo đài nếu không tới nhận sẽ xử lý tài sản vô chủ theo quy định của pháp luật là bán thanh lý hoặc tiêu hủy và tái chế sắt, thép phục vụ công nghiệp…”.
Đồng tình, bạn đọc Năm Sài Gòn hiến kế bằng 3 gợi ý: “1- Vé giữ xe cần có quy định thời hạn, chỉ có giá trị lấy xe 31 ngày. 2- Sau thời gian quy định, thông báo tìm chủ xe hoặc báo công an (có biển số xe chắc tìm được chủ!). Lẽ dĩ nhiên phải có giấy tờ xe và trả phí giữ xe, phí tìm chủ xe,… mới được nhận xe. 3- Nếu không có ai nhận thì làm thủ tục thanh lý (nếu chưa có thì bổ sung).
Ủng hộ quan điểm này, bạn đọc Hai Lúa bổ sung: “Nên ban hành luật nếu quá hạn không có người đến nhận thì đem ra hóa giá (sau khi trừ xong số tiền lưu bãi), còn lại sung vào công quỹ”.
Góp thêm một góc nhìn, bạn đọc địa chỉ mail hdng****@gmail.com đề xuất: “Lập danh sách rồi ra thông báo trên web của cảnh sát giao thông quận, quá thời hạn ép cục bán phế liệu”.
Cũng theo bạn đọc này: “Không nên bán theo kiện, theo lô vì những người giao hàng sẽ mua về, thế là đội quân xe mù, không đèn, không còi, lòi sườn, pô nổ như máy cày sẽ lại tung hoành khắp phố phường, và như vậy sẽ rất khó quản lý”.
Nhìn vụ việc ở góc độ nhân văn, bạn đọc mail vudu****@gmail.com đề nghị: “Xe này cần trao cho bà con nghèo vùng xa có phương tiện đi làm ăn và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo có phương tiện vận chuyển xa….”.
Và, thật bất ngờ, ý kiến này nhận được đến 107 nút “Like” của bạn đọc, dẫn đầu những bình luận được bạn đọc yêu thích.
Ủng hộ ý kiến trên, bạn đọc Người SG gợi mở: “Nên sung vào công quỹ nhà nước, quỹ phúc lợi xã hội hỗ trợ những người không có/thiếu phương tiện đi lại. Làm được như vậy, vừa giúp người nghèo khó có cơ hội có phương tiện đi làm, đi học,… vừa tránh lãng phí”.