Vì một Côn Đảo xanh, bền vững
Phát triển du lịch Côn Đảo theo hướng tăng trưởng xanh, hài hòa bảo vệ môi trường bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Các mục tiêu trên đang được cộng đồng du lịch trên địa bàn thực hành bằng nhiều hành động cụ thể.
Một mô hình tuyên truyền giảm nhựa và bảo vệ rùa biển tại Côn Đảo. |
Nhiều cách làm hay
Vào Chủ nhật hàng tuần, nhóm Trash2Art – keeping Côn Đảo Clean lại “hẹn hò” cùng đi nhặt rác. Khi thì Cầu tàu 914, lúc bãi Ông Câu, bãi Vông, bãi Giếng xưa, khu hải đăng Đá Trắng… Điểm nhặt rác không cố định. Theo mùa gió, các thành viên trong nhóm thấy ở đâu rác đại dương dạt vào nhiều thì điểm hẹn nằm ở đó. Ban đầu chủ yếu người dân địa phương và cộng đồng kinh doanh du lịch dịch vụ tham gia. Dần dà có du khách đăng ký, trong đó có nhiều khách nước ngoài.
“Nhóm duy trì nhặt rác hàng tuần nhằm truyền đi thông điệp hạn chế xả rác, bỏ rác đúng chỗ, giảm dần rác thải vì một Côn Đảo luôn xanh, bền vững”, Đan Vi Phương, trưởng nhóm Trash2Art – keeping Côn Đảo Clean cho hay.
Nhóm Trash2Art – keeping Côn Đảo Clean dọn rác tại bãi Ông Câu. |
Ngoài mô hình nhặt rác của nhóm Trash2Art – keeping Côn Đảo Clean, cộng đồng kinh doanh du lịch dịch vụ tại Côn Đảo đã có những cách làm tập trung cho mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, tiết kiệm và phục hồi tài nguyên, giảm nhựa… được thực hiện bền bỉ nhiều năm qua.
Trong đó, Six Senses Côn Đảo Resort được xem là hình mẫu tiên phong bền bỉ xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái gắn liền với bảo vệ môi trường, bảo tồn rùa biển Côn Đảo. Nước thải sinh hoạt được xử lý đạt chuẩn tái sử dụng cho tưới cây. Đồ thủy tinh được nghiền để làm cát. Six Senses Côn Đảo Resort thường xuyên tổ chức triển lãm về môi trường, thiết kế mô hình, tái chế vật dụng. Năm 2023, Six Senses Côn Đảo Resort đã hoàn thành 100% mục tiêu “Nói không với rác thải nhựa”.
Chạy bộ tuyên truyền bảo vệ môi trường và rùa biển tại Côn Đảo. |
Six Senses Côn Đảo Resort cũng là DN du lịch đầu tiên phối hợp với Vườn Quốc gia Côn Đảo thí điểm mô hình phục hồi và bảo tồn bãi đẻ của rùa biển tại bãi Đất Dốc từ năm 2018. Đề án được các tổ chức quốc tế, các khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam công nhận là sáng kiến tiêu biểu, hiệu quả trong xã hội hóa công tác bảo tồn rùa biển.
Chỉ tính riêng trong năm 2023 có 6 cá thể rùa mẹ lên bãi biển Đất Dốc làm tổ đẻ 653 quả trứng, tỷ lệ ấp nở và thả về biển thành công trên 90% với 598 cá thể rùa con. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng di dời 7.454 quả trứng rùa từ các khu vực khác về hồ ấp trứng tại Six Senses Côn Đảo Resort, cho ấp nở tại đây và thả 6.102 cá thể rùa con về biển.
Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú, ăn uống, mua sắm trên địa bàn huyện cũng đang tích cực sử dụng thùng rác, sọt chứa quần áo, hộp khăn giấy… từ tre trúc, lục bình. Các cơ sở còn khuyến khích và cho khách mượn túi vải khi cần đựng đồ; thay thế dầu gội, sữa tắm đóng gói tiện dụng 1 lần bằng các bình lớn cố định; tổ chức tour nhặt rác, tour trồng cây truyền thông thông điệp sống xanh.
Mưa dầm thấm lâu
Côn Đảo được xác định là khu du lịch quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh. Đồng thời, gắn kết với thị trường quốc tế và nâng cao tính cạnh tranh với du lịch các đảo khác ở trong nước, nước ngoài. Phát triển Côn Đảo tạo tiền đề và động lực thúc đẩy các ngành sản xuất và dịch vụ khác phát triển, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư trên đảo; gắn kết phát triển với các đô thị du lịch quan trọng của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với TP.Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với các lực lượng thường xuyên thu gom rác đại dương trong rừng ngập mặn. |
Theo bà Võ Thị Vân, Giám đốc Ban Quản lý KDL quốc gia Côn Đảo, thực hiện mục tiêu trên, Ban Quản lý phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) khởi động chiến dịch truyền thông giảm nhựa năm 2024. Mục tiêu của chiến dịch ngăn nhựa sử dụng một lần ngay từ đầu vào Côn Đảo, cụ thể là trên các phương tiện vận chuyển khách đến sân bay, bến cảng và điểm tham quan, bãi biển, trong cơ sở lưu trú, ăn uống, giải trí…
Chiến dịch chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 và 2 (từ tháng 4 đến tháng 7) tập trung truyền tải thông điệp về quy định giảm nhựa, nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã qua cuộc thi Giỏ đồ lễ xanh, Thử thách dấu tay xanh; lắp đặt thiết bị theo dõi chất lượng không khí; truyền thông trên nền tảng website, mạng xã hội quảng bá du lịch Côn Đảo và định hướng về du lịch giảm nhựa; hướng dẫn thực hành giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần; in ấn sản phẩm truyền thông sáng tạo như bộ huy hiệu Côn Đảo, vẽ tranh tường về du lịch giảm nhựa, post-card.
Giai đoạn 3 (từ tháng 9 đến tháng 11), tổ chức Tuần lễ ngưng nhựa/thu gom rác tái chế tại các điểm tham quan, điểm di tích lịch sử. Đồng thời, tiếp tục viết nội dung, thiết kế hình ảnh phục vụ truyền thông trên các trang mạng xã hội truyền tải thông điệp về quy định hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần tại các địa điểm du lịch năm 2025.
Đại diện Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng cho biết, ngoài nhiệm vụ liên tục thu gom, xử lý rác nhựa từ đại dương dạt vào các đảo nhỏ, còn xây dựng phương án thu gom, làm sạch lượng rác thải tích tụ sâu trong rừng ngập mặn, dưới các rạn san hô trong lòng biển không làm ảnh hưởng tiêu cực đến rạn san hô và các loài động, thực vật biển, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học rừng và biển, bảo vệ khu Ramsar Côn Đảo.
“Hy vọng những việc làm thiết thực trên sẽ “mưa dầm thấm lâu” giúp thay đổi dần hành vi, tiết kiệm và phục hồi tài nguyên, giữ mãi màu xanh, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái của Côn Đảo”, bà Võ Thị Vân chia sẻ.
Bài, ảnh: KIM VINH
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu