Vào ‘điểm nóng’ sân bay, bến xe
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại ga Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất và các bến xe…, không khí trở nên chộn rộn hơn so với thường lệ, hình ảnh người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê đón Tết ngày một đông hơn.
Đi metro ra bến xe Miền Đông mới
Từ sớm 20-1 (tức 21 tháng chạp), bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) có hàng ngàn hành khách ngồi chờ. Càng về trưa, lượng khách càng tăng cao và tập trung chủ yếu tuyến từ TP.HCM đi miền Trung, Tây Nguyên…
Tại khu vực phòng chờ, khách đã ngồi kín những hàng ghế dài, ai nấy lỉnh kỉnh hành lý chờ đến giờ khởi hành. Đây là không khí rất mới ở bến xe này, bởi trước đó nhiều năm luôn trong tình trạng vắng khách.
Chúng tôi tiến vào khu vực quầy vé của các hãng xe. Thời điểm này vé xe thương hiệu đi các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên vào các ngày cao điểm 26, 27, 28 âm lịch đã “cháy” từ lâu.
Một nhân viên quầy vé lý giải nguyên nhân do có nhiều người về quê đón Tết sớm hoặc đặt vé từ rất sớm. “Nhưng bà con không cần quá lo lắng vì sẽ sớm có xe tăng cường phục vụ việc đi lại những ngày Tết”, nhân viên này trấn an.
Điều đặc biệt tại bến xe Miền Đông mới mà chúng tôi ghi nhận được là đa số hành khách đều bày tỏ hài lòng, bởi bến xe có bố trí người hỗ trợ khách đẩy hành lý từ sảnh trước vào phòng chờ, mọi khâu an ninh cũng đảm bảo rất tốt giúp khách yên tâm đi lại.
Chị Phạm Thị Thanh Huyền (quê ở Bình Định, đang chờ xe về quê) cho biết lý do chị đặt vé về quê sớm hơn là để tránh chen chúc những ngày cao điểm vất vả và bị “cháy” vé như mọi năm. “Đợt này tôi khá ấn tượng vì đi metro số 1 ra bến thuận tiện, chi phí rẻ mà không phải gặp tình trạng kẹt xe. Bến còn có nhân viên đẩy giúp đồ đạc cho tôi từ lối xuống metro vào, nói chung rất hài lòng”, chị Huyền chia sẻ.
Tại bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) càng về chiều tối, khách đổ về bến càng đông hơn, xe cộ đi lại quanh bến cũng tấp nập. Trong dòng người ấy, có nhiều vị khách đến tìm mua những tấm vé cuối cùng về Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk…
Còn tại bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), lượng khách cũng bắt đầu đông hơn ngày thường nhưng chưa đáng kể. Dự báo các tuyến đi miền Tây thường tập trung khách đi lại từ ngày 25 đến 27-1 (tức 26 – 28 tháng chạp).
“Năm nay, chúng tôi dự báo sản lượng khách tăng trên 5%, lượng xe tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ rất sớm, bến đã lên kế hoạch và sẵn sàng phục vụ tốt bà con đợt cao điểm Tết sắp tới”, đại diện bến xe Miền Tây nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Lâm Hải – phó giám đốc bến xe Miền Đông mới – cho hay đợt cao điểm phục vụ Tết là 20 ngày trước và sau Tết, dự báo có hơn 140.000 lượt khách qua lại bến xe.
Các chặng đường thuộc khu vực miền Trung như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Yên… đều hết vé xe giường nằm trong cao điểm (từ 23 đến 27 tháng chạp). Dù vậy, ông Hải khẳng định không có chuyện thiếu xe cho người dân về quê đón Tết.
Trong trường hợp cần thiết, bến xe sẽ phối hợp các đơn vị vận tải bố trí xe tăng cường. Hiện các chặng như Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang… vẫn còn vé xe giường nằm.
Trong khi đó, đại diện bến xe Miền Đông cũ cho biết các chuyến xe gần như kín chỗ với lượng vé bán ra trung bình từ 17.000 – 19.000 vé mỗi ngày. Để giải quyết nhu cầu vận chuyển tăng cao, bến xe đã bố trí thêm xe tăng cường để phục vụ hành khách.
Sân bay kích hoạt nhiều giải pháp giảm ùn tắc
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất luôn là “điểm nóng” đi lại, đặc biệt dịp Tết năm nay dự báo càng nóng hơn khi sẽ đón khoảng 4 triệu lượt khách và 26.000 chuyến bay.
Để đảm bảo hành khách di chuyển thuận lợi, sân bay đã kích hoạt các giải pháp tối ưu quy trình, bao gồm thu phí không dừng và các biện pháp giảm ùn tắc, giúp hành khách dễ dàng đón xuân trong mùa cao điểm.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại các quầy thủ tục của nhiều hãng hàng không (nhà ga quốc nội) đang chứng kiến cảnh chen chúc, trong khi khu vực ki ốt check-in tự động lại khá vắng vẻ.
Lúc 9h35 ngày 20-1, quầy thủ tục của Pacific Airlines tại sảnh A bất ngờ quá tải với dòng người xếp hàng dài chờ làm thủ tục. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại quầy của Vietnam Airlines và Vietjet, trong khi Bamboo Airways và Vietravel Airlines lại vắng vẻ hơn.
Theo đại diện một công ty dịch vụ mặt đất, lượng hành khách tăng đột biến trong dịp Tết, cộng với việc nhiều người mang theo hành lý ký gửi đã gây áp lực lớn cho các quầy làm thủ tục. Ngoài ra, các hãng hàng không cũng siết chặt việc kiểm tra quy định hành lý xách tay tại cổng ra máy bay, yêu cầu hành khách tuân thủ đúng để tránh các sự cố không đáng có.
Chúng tôi chứng kiến nhiều người sắp xếp về quê sớm để tránh cảnh quá tải ở sân bay song lại gặp khó khăn trong việc đặt các phương tiện di chuyển đến sân bay, gây ra tình trạng chậm chuyến. Chẳng hạn trường hợp của Huyền Trang (22 tuổi, TP.HCM) chọn bay từ TP.HCM về Đà Nẵng trên chuyến bay vào 11h ngày 20-1.
Quá trình di chuyển từ nhà ra sân bay, Trang tốn 45 – 50 phút để đón xe bởi xe công nghệ khan hiếm trong những ngày gần đây. Tới sân bay, Trang mất thêm khoảng 40 phút để hoàn tất các thủ tục. Khi lượng khách bắt đầu đổ về xếp hàng chật kín các quầy từ khoảng 13h, hãng bay đã linh động sắp xếp thêm hàng chờ để các thủ tục của cô được hoàn tất nhanh chóng.
“Tôi thấy gian nan nhất chính là gọi xe ra sân bay. Điều này có thể khiến nhiều người vô tình trễ chuyến nên cần cân nhắc, tính toán kỹ”, Huyền Trang nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, hãng taxi Vinasun, Mai Linh và Grab cho biết sẽ tiếp tục điều xe liên tục vào sân bay trước và sau dịp Tết. Taxi sẽ dùng bãi đậu, duy trì tối thiểu 150 – 200 xe khu vực sân bay, kịp ra vào chở khách không phải đợi lâu.
Grab cũng đánh giá tài xế “ngại” vào sân bay do có kẹt xe, chờ khách lâu hơn đón ở ngoài. Dù vậy, app sẽ tăng thêm chương trình thưởng chuyến xe cho tài xế điều hướng xe vào sân bay; nếu tài xế “né” cuốc xe, tỉ lệ phát cuốc sẽ giảm.
Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam Trần Doãn Mậu cho biết năm nay cũng xuất hiện tình trạng taxi không vào được sân bay đón khách giờ cao điểm do kẹt xe, dẫn đến thiếu xe, khách phải chờ đợi lâu. Ông Mậu cho rằng cần tính phương án giải phóng người dưới mặt đất. Đây là việc rất quan trọng, nếu ùn tắc trong sân bay sẽ dẫn đến chậm chuyến, hủy chuyến.
Trong khi đó, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để điều phối khai thác, điều chỉnh luồng giao thông, đồng thời tăng cường nhân lực phục vụ.
Các hãng taxi, xe công nghệ cũng cam kết tăng lượng xe phục vụ lên 25% để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Sẽ có xe buýt trung chuyển khách khỏi sân bay để dễ đón xe
Ông Uông Việt Dũng – cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – lưu ý phương án dùng xe buýt làm phương tiện trung chuyển chính. Xe buýt sẽ đưa hành khách từ nhà ga ra các điểm trung chuyển bên ngoài, nơi họ có thể dễ dàng đón taxi, xe ôm công nghệ hoặc người thân đón.
Cách làm này, theo ông, không chỉ góp phần giảm tải áp lực giao thông trong khu vực sân bay mà còn tạo sự thuận lợi, tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách. Các điểm dừng xe buýt trung chuyển sẽ được bố trí tại khu vực thuận tiện, kết nối linh hoạt với những tuyến đường chính, giúp hành khách dễ dàng tiếp tục hành trình.
Cục trưởng đề xuất hai vị trí cạnh sân bay Tân Sơn Nhất phù hợp kết nối là bến xe buýt Phổ Quang (đường Phổ Quang, quận Tân Bình) và công viên Gia Định.
Các xe buýt phải có phù hiệu nhận diện, được ưu tiên lưu thông để nhanh chóng đưa khách ra bên ngoài, giải quyết ùn tắc trong sân bay. “Đây sẽ là giải pháp hiệu quả nhất để giảm tải áp lực bên trong sân bay vào những ngày cao điểm”, ông Dũng nhấn mạnh.
Giải pháp từ các hãng bay
CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam cho biết đơn vị sẽ tăng tải trên nhiều đường bay nội địa. Trong khi đó, Vietnam Airlines sẽ bay hàng nghìn chuyến bay đêm, giải tỏa căng thẳng các chuyến bay khung giờ ban ngày, với giá vé hợp lý hơn.
Ngoài ra, các giải pháp của hãng bay đưa ra là tăng cường thêm hàng chục máy bay thuê ướt (thuê máy bay lẫn tổ bay nước ngoài) để khai thác trong giai đoạn cao điểm.
Ông Ngô Hải Đường (trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM):
Gần 300 xe sẵn sàng tăng cường
Dịp Tết, dự báo các bến xe tại TP.HCM sẽ phục vụ trung bình 93.529 hành khách mỗi ngày, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) được dự đoán là nơi có lưu lượng cao nhất với hơn 2.000 chuyến xe và 62.000 hành khách mỗi ngày vào các ngày cao điểm.
Hiện có nhiều chặng đã hết sạch vé giường nằm ngày cao điểm, phần lớn vé còn lại là ghế ngồi hoặc rơi vào các ngày thấp điểm nên không được hành khách ưu tiên lựa chọn.
Sở đã chủ động phối hợp các đơn vị điều tiết đi lại, đảm bảo đủ phương tiện cho người dân về quê đón Tết. Gần 300 phương tiện đã được bố trí sẵn sàng tăng cường tại các bến xe, nhằm giải tỏa hành khách khi cần thiết.
Thu phí không dừng ở sân bay
Tại Hà Nội và TP.HCM, trạm thu phí xe vào sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã triển khai hệ thống thu phí không dừng tại tất cả các làn thu phí góp phần gia tăng năng lực thông qua của xe, giảm thiểu tình trạng ùn ứ trong các khung giờ cao điểm.
Theo báo cáo thống kê, mỗi ngày có trên 78% lượt xe ra vào cảng sử dụng dịch vụ thu phí không tiền mặt, tỉ lệ này tăng dần theo từng tháng và đang cải thiện tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất.
“Đến sớm, thà mình chờ tàu…”
Sáng 20-1, bước vào sảnh tầng trệt của ga Sài Gòn, chúng tôi chứng kiến có rất đông hành khách, đa phần là sinh viên; ai nấy cũng đều lỉnh kỉnh vali, ba lô cùng những túi quà về quê ăn Tết. Nhiều hành khách chia sẻ do sợ kẹt xe, trễ tàu nên tranh thủ đến ga sớm nhất có thể.
Có mặt từ sớm tại ga Sài Gòn, bà Hoàng Thị Ngoan (73 tuổi) cho biết mình đi xe ôm từ huyện Hóc Môn tới đây, ngồi đợi thêm hai tiếng mới đến giờ tàu chạy. Chật vật di chuyển quãng đường hơn 20km, bà Ngoan kể trên đường đi xe đông đúc, ở một số giao lộ phải nhích từng chút một.
Cũng vì thấy gần đây luôn kẹt xe nên bà đi sớm, bởi “thà mình chờ tàu, chứ tàu không chờ mình được”. Cùng chuyến tàu SE10 với bà Ngoan, một gia đình khác cũng đến ga Sài Gòn đợi tàu từ sớm, dù 13h45 tàu mới chạy.
Để đảm bảo quyền lợi của hành khách khi đi tàu, tránh những trường hợp trễ tàu đáng tiếc, ngành đường sắt khuyến cáo hành khách khi đi tàu sắp xếp thời gian có mặt ở ga trước giờ tàu chạy từ 30 phút đến 1 tiếng. Khi nhà ga thông báo mở cửa, hành khách vào ga và lên đúng chuyến tàu, số toa, số chỗ của mình để tránh nhỡ tàu.
Quan sát camera giải tỏa “điểm nóng”
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM, dự báo TP.HCM đang bắt đầu vào đợt cao điểm đi lại cuối năm, do đó Công an TP.HCM cũng đã triển khai kế hoạch cho tất cả các đơn vị trực thuộc về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Trong đó, cảnh sát giao thông tăng cường bố trí lực lượng tại các giao lộ, khu vực phức tạp về tình hình giao thông như nhà ga, bến xe, sân bay, các tuyến đường vành đai, quốc lộ… để điều tiết giao thông, giải quyết nhanh các vụ va chạm, tránh ùn ứ kéo dài.
Đặc biệt, PC08 sẽ sử dụng hiệu quả phương tiện thiết bị kỹ thuật như quan sát camera tại các “điểm nóng” dễ xảy ra ùn ứ như sân bay, bến xe, nhà ga nhằm phân công cán bộ phản ứng kịp thời, điều tiết giao thông.
Hà Nội: hãng bay, nhà xe đều tăng chuyến
Và lúc này, các đơn vị đang chuẩn bị nhiều kịch bản để đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Sân bay đảm bảo 100.000 lượt khách/ngày
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết theo tổng hợp số liệu khai thác từ các hãng tuần trước và sau Tết Nguyên đán 2025, trung bình mỗi ngày có khoảng 90.000 khách và 550 chuyến bay tại sân bay Nội Bài.
Trong đó, ngày cao điểm nhất trước Tết dự kiến là 24-1 (tức 25 tháng chạp) và ngày cao điểm sau Tết Nguyên đán là 2-2 (tức mùng 5 Tết) với lượng khách xấp xỉ 100.000 lượt khách với 590 chuyến bay/ngày.
Theo đánh giá, dù khách đi máy bay qua Nội Bài tăng nhưng lượng khách ngày cao điểm nhất vẫn chưa bằng dịp hè, và khả năng ùn ứ khách tại nhà ga khó xảy ra. Thêm một thuận lợi trong khai thác là năm 2024 sân đỗ máy bay được mở rộng từ 115 lên 132 vị trí đỗ nhằm tăng năng lực khai thác.
Dù vậy, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vẫn chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo cung cấp dịch vụ thuận lợi nhất cho hành khách. Theo đó, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam để điều phối slot (giờ cất, hạ cánh) hiệu quả, tối ưu khai thác hạ tầng khi số slot trong khung giờ 6h – 23h55 tăng lên 42 slot/giờ, từ 0h – 5h55 là 32 slot/giờ.
Ngoài ra, cảng cũng phối hợp cùng các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ ăn uống, đi lại tại sân bay. Các hãng xe đảm bảo đủ xe phục vụ khách khi cao điểm, sáng sớm hay đêm muộn. Cảng cũng bố trí khu vực đón khách của xe công nghệ tại sân đỗ ô tô, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách.
Các bến xe Hà Nội tăng hơn 2.500 lượt xe
Theo dự báo của Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, trong kỳ nghỉ Tết 2025 lượng khách qua bến xe sẽ tăng khoảng 250 – 350% so với ngày thường, một số tuyến có thể xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ vào từng thời điểm. Do vậy, công ty đã có kế hoạch tăng cường 2.486 lượt xe phục vụ Tết tại 3 bến xe lớn gồm: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm.
Tại bến xe Giáp Bát, theo dự báo, lượt khách trong các ngày cao điểm khoảng 20.000 lượt/ngày, tăng 350% so với ngày thường, tập trung chủ yếu ở các tuyến từ Hà Nội đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… Do đó lượt xe dự kiến khai thác 850 – 900 lượt/ngày.
Tại bến xe Gia Lâm, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 5.000 lượt/ngày, tăng khoảng 250% so với ngày thường, tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang… Lượt xe dự kiến khai thác là 400 lượt/ngày.
Tại bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 22.000 lượt/ngày, tăng lên hơn 350% so với ngày thường, tập trung các tuyến Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng… Lượng xe dự kiến khai thác hơn 950 lượt/ngày.
Tương tự, bến xe Nước Ngầm cũng có kế hoạch tăng cường 100 xe khách đi các tỉnh thành Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh… khi dự báo lượng hành khách có thể tăng 140 – 150% so với ngày thường.
Dựa theo lịch nghỉ Tết và quy luật hằng năm, lãnh đạo các bến xe tại Hà Nội dự báo hành khách qua bến sẽ tập trung đông từ chiều 24 và ngày 25-1; đợt cao điểm thứ hai là chiều 2 và sáng 3-2.
Dù sẵn sàng bố trí xe tăng cường nhưng lãnh đạo các bến xe nhận định sẽ không quá áp lực hay quá khả năng cung ứng bởi những năm gần đây, ngoài xe tự lái, nhiều người thuê xe dịch vụ về quê.
Ông Trần Hoàng – phó giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội – cho biết đến ngày 20-1 lượng khách đến bến xe tăng dần nhưng chưa quá đông. “Do hành khách đi lại dịp Tết chủ yếu một chiều, nên cũng như các năm trước, một số nhà xe đã thông báo tăng giá vé trong các ngày từ 29-1 đến 11-2 với mức tăng không quá 60%. Trong đó, mức tăng cao nhất (60%) được các nhà xe chạy tuyến dài từ Hà Nội đi Đà Nẵng, Gia Lai áp dụng”, ông Hoàng nói.
Tại Hà Nội, theo dự báo của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, những ngày trước – trong – sau Tết Nguyên đán nhu cầu đi lại tăng vọt.
Cạn vé tàu ngày cao điểm
Với đường sắt, trong những ngày cao điểm nghỉ Tết như 24-1 (25 tháng chạp), vé tàu từ Hà Nội về Vinh (chặng đông khách nhất) chỉ còn khoảng 220 vé trên tất cả các đoàn tàu (tính đến chiều 20-1). Sáng 25-1 (tức 26 tháng chạp, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết), chặng Hà Nội – Vinh chỉ còn 1 – 5 vé trống trên mỗi đoàn tàu. Tuy nhiên từ ngày 26-1, số vé chặng Hà Nội – Vinh còn trên các đoàn tàu tăng lên, có đoàn gần 150 vé.
Xem bài gốc ở đây