Vận hội mới của thể thao TP HCM

 Vận hội mới của thể thao TP HCM

Thể thao TP HCM từ lâu đã giữ vai trò đầu tàu, không chỉ bởi sự đa dạng về đầu tư phát triển các bộ môn, thành tích thi đấu vượt trội mà còn bởi sự đóng góp tích cực cho thể thao nước nhà trên nhiều phương diện.

Giải pháp cho tương lai

Theo tiến trình phát triển chung của đất nước, TP HCM tuy vẫn giữ vị thế tiên phong nhưng thể thao lại xuất hiện nhiều điểm nghẽn. Dân số ngày một đông, quỹ đất theo đó càng eo hẹp và nhiều công trình thiết yếu phục vụ thể thao xuống cấp theo thời gian.

Hệ thống phát hiện, đào tạo tài năng thể thao tại TP HCM gặp khó do thiếu hụt nguồn lực kế cận. Hệ thống cơ sở vật chất của ngành thể thao vừa thiếu lại vừa yếu, không đáp ứng được nhu cầu tập luyện của người dân chứ chưa nói đến việc phục vụ yêu cầu nâng cao trình độ cho lực lượng vận động viên đỉnh cao.

Giải pháp cho tương lai thể thao của “siêu đô thị” TP HCM được gợi mở hết sức tích cực sau quá trình sáp nhập đơn vị hành chính, đặc biệt từ kết luận của Hội nghị thảo luận dự thảo đề án sắp xếp Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM và Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch 2 tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Không xuất hiện tình trạng lắp ghép cơ học đơn vị này vào đơn vị kia như mường tượng của không ít người, lãnh đạo ngành văn hóa – thể thao 3 địa phương thống nhất quan điểm: Hợp nhất để phát huy thế mạnh của từng địa phương, bổ sung và bổ khuyết cho nhau, hình thành một siêu trung tâm văn hóa – thể thao hàng đầu quốc gia.

Việc hợp nhất các đơn vị thể thao được xác định không chỉ là sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, mà còn là một bước tiến lớn trong chiến lược phát triển thể thao ở “siêu đô thị” TP HCM, bảo đảm bộ máy vận hành hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Tháo gỡ các điểm nghẽn

Từng xuất hiện những ý kiến trái chiều về việc TP HCM trình đề án đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần X – năm 2026 với sự góp mặt của 63 tỉnh, thành, nay các địa phương sau hợp nhất thì tổ chức ra sao, tính toán thành tích thế nào… Đó là chưa kể từ bệ phóng này, thể thao đỉnh cao Việt Nam liệu sẽ thu mình hay bung sức ở đấu trường quốc tế?

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM Nguyễn Nam Nhân, khi nhận đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần X, TP HCM đối mặt rất nhiều thách thức do cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều công trình không được tu bổ. TP HCM cũng không có công trình mới nào quy mô sau hàng chục năm.

Vận hội mới của thể thao TP HCM- Ảnh 1.

Nhà Thi đấu TDTT Phú Thọ sẽ là một địa điểm đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc 2026. Ảnh: NGUYÊN VÂN

Đại hội Thể thao toàn quốc lần X dự kiến khai mạc vào tháng 10 -2026. Thế nhưng, mãi đến tháng 4-2025, nhiều công trình trọng điểm như Trung tâm TDTT Hoa Lư, CLB bơi lặn Phú Thọ, Nhà Thi đấu TDTT Phú Thọ, Nhà Tập luyện thể thao Phú Thọ mới được khởi công cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Riêng dự án xây mới Trung tâm Đào tạo VĐV năng khiếu Hoa Lư và dự án cải tạo sân vận động Thống Nhất chỉ dự kiến được triển khai vào cuối năm nay.

Việc tháo gỡ các điểm nghẽn cho thể thao TP HCM được tiếp sức sau khi sáp nhập địa phương, thể thao Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đều quyết tâm chung tay cho một vận hội mới. Trước mắt, các khu vực ở Bà Rịa – Vũng Tàu trước đây, với thế mạnh về bãi biển và hệ thống khách sạn lưu trú, sẽ nhận đăng cai 10 môn thể thao, chủ yếu liên quan đến biển, tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2026.

Trong khi đó, Bình Dương (cũ) sẽ tổ chức 5 môn thi đấu chính thức tại đại hội, gồm: quyền Anh, Jujitsu, bi sắt, khiêu vũ thể thao và xe đạp. Xe đạp đường trường sẽ được tổ chức tranh tài trên những cung đường đẹp, chất lượng đi qua Bàu Bàng, Bến Cát, Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Thuận An, còn nhà thi đấu môn bi sắt sẽ sớm được hoàn thiện vào cuối năm 2025. 

Ngành thể thao TP HCM được kỳ vọng sẽ giải quyết trọn vẹn các khúc mắc, dốc sức cho một vận hội mới với thời cơ, thách thức rất rõ ràng. Chỉ khi đồng lòng, tất cả mới có thể đưa thể thao ở thành phố mang tên Bác lên một tầm cao mới.

 


Xem bài gốc ở đây

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan