'Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông', Tây Ninh có sáp nhập Long An để nối đường ra biển? - Tin tức Vũng Tàu

‘Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông’, Tây Ninh có sáp nhập Long An để nối đường ra biển?

 ‘Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông’, Tây Ninh có sáp nhập Long An để nối đường ra biển?
https://cdn2.tuoitre.vn/thumb_w/1200/471584752817336320/2025/4/1/48659343212334787982877896179922860162944199n-1743500373796979135383-10-0-741-1170-crop-1743500381937868540009.jpg

Long An và Tây Ninh với dòng Vàm Cỏ Đông liền mạch, hai tuyến đường ĐT838C, ĐT825 cùng cao tốc Đức Hòa – Chơn Thành sẽ là trục kết nối chính trong tương lai – Đồ họa: PHƯƠNG NHI

Tờ trình dự thảo tờ trình về nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính nêu: “Ưu tiên sắp xếp các đơn vị miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau”.

Tây Ninh và Long An nằm liền kề, Tây Ninh nằm sâu trong nội địa không có biển, trong khi Long An lại có đường ra biển. Và với tiêu chí trên thì theo phân tích của các chuyên gia, khả năng Long An và Tây Ninh “về một nhà” là có nhiều cơ sở, bổ trợ cho nhau phát triển.

Vàm Cỏ Đông từ Tây Ninh nối dòng ra biển

Như nhiều chuyên gia đã phân tích trên Tuổi Trẻ Online về phương án sáp nhập các tỉnh Đông Nam Bộ thì Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu nhập vào TP.HCM và Bình Phước nhập vào Đồng Nai là hai đề xuất đang được thảo luận và ủng hộ cao.

Như vậy khu vực Đông Nam Bộ chỉ còn lại Tây Ninh và theo tiêu chí: “Ưu tiên sắp xếp các đơn vị miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị có vị trí liền kề…” thì Long An sẽ là lựa chọn để sáp nhập cùng Tây Ninh hình thành một tỉnh mới có đồng bằng, có hướng ra biển, liền kề để hỗ trợ nhau.

Trong lịch sử, Tây Ninh và Long An từng “chung một nhà” khi cùng với Sài Gòn thuộc dinh Phiên Trấn vào thời Chúa Nguyễn. Trên bản đồ, Tây Ninh nằm sâu trong nội địa, Long An giáp biển, tuy nhiên cả hai đều chung lưu vực sông Vàm Cỏ Đông.

Đây là con sông bắt nguồn từ Campuchia chảy vào Việt Nam tại Châu Thành (Tây Ninh), qua các huyện, thị Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng (Tây Ninh) với thủy trình khoảng 98km.

Sau đó Vàm Cỏ Đông “dùng dằng” một đoạn khoảng 6km giữa ranh giới hai tỉnh, trước khi chảy sâu địa phận tỉnh Long An qua Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước khoảng 86km. Và cuối nguồn sẽ kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo nên sông Vàm Cỏ để đổ vào sông Soài Rạp và đi ra Biển Đông.

Như vậy, Vàm Cỏ Đông chính là sợi dây liền lạc, từ đầu nguồn biên giới ra Biển Đông đều chảy trọn vẹn trong lòng Tây Ninh và Long An với thủy trình 190km.

Sợi dây liền lạc Vàm Cỏ Đông cũng đã đi vào thơ ca với bài hát thân thuộc “Anh ở đầu sông em cuối sông” của nhà thơ Hoài Vũ, được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Trong đó có đoạn: “Anh ở đầu sông em cuối sông / Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông / Thương nhau đã chín ba mùa lúa / Chưa ngày gặp lại nhớ mênh mông / Ôi bát ngát chân trời miền Hạ /Tím tình yêu tím cả ước mong”.

“Đầu sông” Vàm Cỏ Đông chính là Tây Ninh. Còn “miền Hạ” theo nhà nghiên cứu lịch sử – TS Nguyễn Thị Hậu chủ yếu là hai huyện Cần Giuộc và Cần Đước của Long An, ở cuối nguồn dòng Vàm Cỏ Đông.

Giao thông Tây Ninh – Long An kết nối ra sao?

Để đi từ Long An sang Tây Ninh hiện tại có hai tuyến đường. Thứ nhất là đường tỉnh 838C, tách ra từ đường 838 đi từ trung tâm huyện Đức Huệ lên, qua cầu Đường Xuồng kết nối với đường tỉnh 786 phía Tây Ninh.

Long An - Ảnh 2.

Đường cao tốc Chơn Thành – Đức Hòa dự kiến thông xe trong năm nay – Ảnh: SƠN LÂM

Đường 838C đã được Long An nâng cấp, cải tạo, nhưng do đây là khu vực biên giới, nằm khá xa các trục giao thông chính nên hiện chỉ đóng vai trò chủ yếu là kết nối chính hai khu vực cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Long An) sang cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh).

Quy mô tuyến đường khi được cải tạo chỉ là đường cấp IV đồng bằng, vận tốc thiết kế 60km/h, tải trọng trục 10 tấn.

Tuyến thứ hai là đường tỉnh 825, nối từ trung tâm huyện Đức Hòa, qua xã Lộc Giang và kết nối vào Khu công nghiệp Thành Công phía Tây Ninh. Sau khi được cải tạo, nâng cấp đoạn từ trung tâm huyện Đức Hòa lên đến xã Lộc Giang, tuyến đường này đã được các tài xế xe tải nhẹ và người dân qua lại giữa hai tỉnh lựa chọn nhiều hơn.

Tuy nhiên thực tế việc cả hai tuyến đường kể trên chỉ mới được đầu tư, nâng cấp trong thời gian gần đây cho thấy vị trí khá “phụ” của chúng trong giao thông kết nối Long An và Tây Ninh.

Hầu hết xe vận chuyển hàng hóa lớn, xe đường dài giữa hai tỉnh thường chọn tuyến tỉnh lộ 7 hoặc tỉnh lộ 8 để đi từ huyện Đức Hòa sang quốc lộ 22. Tất nhiên đi trên 2 tuyến đường này thì phải “mượn đường TP.HCM”.

Kỳ vọng vào cao tốc Chơn Thành – Đức Hòa

Một lãnh đạo Sở Xây dựng Long An cho biết hiện tại tuyến đường cao tốc Chơn Thành – Đức Hòa sắp hoàn thành. Và đây sẽ là tuyến đường kết nối lớn nhất giữa Long An và Tây Ninh. Tuyến đường này nằm giữa hai đường tỉnh 838C và 825, còn gọi là cao tốc Bắc Nam phía Tây, dự kiến thông xe trong năm 2025.

Tuyến đường có chiều dài 72,75km, có điểm đầu tại xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng, Bình Dương) và điểm cuối tại nút giao với quốc lộ N2 ở xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa. Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.292 tỉ đồng.

Long An cũng đã đề xuất sớm nâng cấp, cải tạo quốc lộ N2 để kết nối được với cao tốc Chơn Thành – Đức Hòa xuống cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Khi có tuyến đường này, dòng phương tiện qua lại giữa Long An và Tây Ninh sẽ chuyển hướng sang đây nhiều hơn, giảm tải cho quốc lộ 22 và các tỉnh lộ 7, tỉnh lộ 8 vốn đang thường xuyên chịu áp lực giao thông lớn, di chuyển chậm.

Xem bài gốc ở đây

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan