“Tư vấn pháp luật phải giữ vững bản lĩnh của người luật gia”
Gian nan đưa pháp luật vào cuộc sống
Từ bỏ công việc tại cơ quan Nhà nước sau nhiều năm gắn bó, năm 1995, ông Phan Văn Tân quyết định chuyển tới công tác tại Hội Luật gia Việt Nam để gắn liền với đam mê tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân.
Đến nay, đã gần 80 tuổi, ông vẫn công tác với cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật (Hội Luật gia Tp.Hà Nội). Thường ngày, ông Tân vẫn nhận trợ giúp pháp lý miễn phí cho người yếu thế, đối tượng chính sách.
Ông Tân chia sẻ trong hàng chục năm hành nghề, những luật gia như ông luôn đau đáu việc đưa pháp luật vào vào cuộc sống. Tuy nhiên, điều này khó khăn, phần vì lối sống “duy tình hơn duy lý” trong tư duy tồn tại đã lâu của người dân.
“Nguyên nhân sâu xa là do ý thức pháp luật, thái độ của người có liên quan đến pháp luật còn hạn chế. Do đó, mấy chục năm hành nghề tôi nhận thấy pháp luật chỉ đến với người hành nghề liên quan đến pháp luật chứ ít đi vào cuộc sống”, ông Tân tâm sự.
Luật gia Tân cho hay, chẳng cần nói đến vùng sâu, vùng xa mà ngay tại Thủ đô cũng vẫn tồn tại tình trạng đó. Đó là vào thời điểm triển khai dự án Vành đai 2, hàng loạt hộ dân cư trú tại đường Bưởi(phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) thuộc dự án nên phải giải phóng mặt bằng.
Thời điểm đó, xuất hiện một người đã cho “tay chân” đưa hợp đồng đến từng nhà vào buổi tối để dụ dỗ ký hợp đồng ủy quyền cho họ đứng ra đảm nhận toàn bộ công việc liên quan. Đó thực chất là hợp đồng ủy quyền với mục đích chiếm đoạt các quyền lợi, hỗ trợ và các khoản tiền phát sinh từ mảnh đất và ngôi nhà trên đất bị thu hồi của các hộ dân.
Theo hợp đồng, người được ủy quyền được thay mặt các hộ dân nhận toàn bộ các khoản tiền bồi thường, hỗ trợ phát sinh từ mảnh đất bị thu hồi. Thậm chí còn được thay mặt bên ủy quyền ký nhận phương án và quyết định của UBND quận về bổ sung và hỗ trợ các khoản tiền liên quan đến việc giải phóng mặt bằng (bao gồm cả việc nhận giấy mời đi lĩnh tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng).
Do người dân không được ký trước mặt công chứng viên theo đúng quy định của pháp luật và trong nội dung có một số điều có tính áp đặt và trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Rất may sau đó, một số người hoài nghi nên đã tìm đến Trung tâm. Sau khi được tư vấn viên pháp luật phân tích, họ mới biết tính chất nguy hiểm và mặt trái của hợp đồng. Sau đó, mọi người bảo nhau thực hiện quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào theo quy định tại khoản 1 Điều 588 của Bộ luật Dân sự.
Giữ vững bản lĩnh của người luật gia
“Tư vấn pháp luật là một “nghề” rất khó. Không giống như bác sĩ tư vấn bệnh nhân uống thuốc gì, điều trị theo phác đồ nào, ăn uống thế nào cho tốt. Hay, một thầy dạy toán sẽ chỉ bảo học sinh áp dụng công thức nào để giải được nhanh nhất, chính xác nhất là xong”, Luật gia Phan Văn Tân nói thêm.
Luật gia Tân cho rằng, nghề tư vấn pháp luật ngoài kiến thức pháp luật, còn đòi hỏi vốn sống xã hội, nắm bắt tâm lý của người dân để “kê đơn” một cách thấu tình đạt lý. Do vậy người tư vấn pháp luật cần nhất không chỉ là chuyên môn mà còn là sự tận tâm, hết lòng, hết sức để tư vấn cho người dân, khách hàng những gì tốt nhất trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Luôn giữ được bản lĩnh và cái tâm với nghề, không để lợi ích vật chất che mắt.
Nhớ lại một sự việc cách đây rất nhiều năm, khi đó còn công tác tại địa bàn Tp.HCM, Luật gia Phan Văn Tân nhận được yêu cầu của một vị Giám đốc muốn mua lại Ngân hàng TMCP Vũng Tàu. Người này đang rất sốt ruột và chỉ muốn ông tư vấn giúp thủ tục để nhanh chóng mua lại ngân hàng đó.
Trước sự nóng lòng của khách hàng, vị luật gia vẫn giữ thái độ bình tĩnh, ông yêu cầu thực hiện đầy đủ thủ tục và đặc biệt xin được tiếp cận hồ sơ để nghiên cứu kỹ về ngân hàng.
Nghiên cứu hồ sơ ông Tân nhận thấy, có sự chênh lệch rất lớn về tài sản giữa bảng cân đối kế toán với kết luận của của cơ quan điều tra. Ông tiếp tục được kiểm tra những lô đất được kê biên là tài sản của ngân hàng.
Hầu hết đó là những lô đất do người vay thế chấp, không còn khả năng trả nợ nên bị ngân hàng kê biên. Điều đáng nói, nhiều lô đất chưa được chuyển nhượng mục đích sử dụng hay chỉ là giấy viết tay của chủ cũ. Như vậy, khối bất động sản có giá trị rất mong manh.
Ông Tân quyết định ra Hà Nội để tìm thêm thông tin về tình hình thực thi pháp luật về ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Luật gia Phan Văn Tân nắm được chủ trương tạm dừng cho ra đời thêm các ngân hàng mới, mà tập trung củng cố, nâng cấp các ngân hàng hiện tại. Trong đó, đáng lưu ý là chủ trương kiên quyết buộc các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ đến mức cần thiết để bảo đảm an toàn của cả hệ thống.
“Sau đó tôi cố gắng thuyết minh việc mua lại Ngân hàng TMCP Vũng Tàu là “nguy hiểm” và điều đó dường như đã làm “chướng tai” vị Giám đốc và phản ứng với câu nói gay gắt: “Anh cứ yên tâm đi, tôi nhấc điện thoại giải quyết được hết””, ông Tân nhớ lại.
Tiếp tục giữ thái độ, chân tình, vị luật gia đã phân tích lại những rủi ro rất lớn khi mua lại ngân hàng đó và đưa ra “kế sách” tìm một ngân hàng hiện có vốn điều lệ nhỏ, không đạt tiêu chí mà buộc tăng vốn điều lệ nên họ kêu gọi nhà đầu tư để đầu tư vào đó. Đến khi mức đầu tư đủ chiếm cổ phần chi phối thì có một ngân hàng riêng “mạnh khỏe”.
Trước những lý lẽ và sự kiên trì của người luật gia, vị Giám đốc cũng đã lắng nghe và quyết định tiếp tục nhờ ông tư vấn, tìm hiểu để mua lại một ngân hàng khác.
Luật gia Tân chia sẻ, nếu bản thân vì sợ phật ý khách hàng mà sẵn sàng tư vấn theo mong muốn của họ, thì rất dễ dàng “chốt được đơn”. Tuy nhiên, cái mất đi là uy tín, danh dự, lương tâm của một người luật gia chân chính.
Nguồn: Người đưa tin