Trị An – Lặng nghe nước reo…
Buổi tối cắm trại nơi ven hồ Trị An, tôi ngồi ngắm mặt hồ mênh mang lấp lánh ánh vàng.
Âm vang qua thác dữ
Trăng hôm nay thật đẹp sóng sánh, vỡ lấp lánh trên mặt nước.
Đêm! Tĩnh lặng. Nằm nghe gió rì rào từ rừng Mã Đà huyền bí như muốn kể lại chuyện xa xưa. Nghe tiếng thác nước ở xa vọng lại róc rách, nghe lúc gần lúc xa, như tiếng hờn trách của người đàn bà đang nỉ non bao nỗi lòng chất chứa. Trong tôi lại nổi trôi muôn vàn mộng mị.
Đập xả lũ hồ Trị An
Tôi đã check in thật nhiều ở nơi này nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho chính những thắc mắc trong tâm trí.
Khởi nguồn từ câu hỏi sông Đồng Nai bắt đầu từ đâu? Tôi đã lặn lội bằng chuyến đi ngược dòng từ hồ Trị An, phượt 3 ngày ngược lên miền thượng nguồn – nơi dòng sông sinh ra từ độ cao 1.500 m so với mặt nước biển Hà Tiên.
Lòng hồ Trị An
Đây là nơi hai dòng nhỏ hiền hòa Đa Nhim và Đa Dung phải lòng nhau, quyện thành một dòng chảy. Đó cũng chính là điểm khởi nguồn của dòng sông nội sinh dài nhất cả nước.
Nơi thượng nguồn của dòng sông ấy được ví như cô thôn nữ hồn nhiên, căng tràn sức xuân thì. Nàng mơ mộng, nên khi rời cao nguyên về miền đồng bằng thì dòng chảy đã tung tăng qua bao thác ghềnh, qua bao thung sâu, qua bao núi đồi mấp mô.
Nàng âm vang núi rừng qua những con thác dữ. Nhưng khi đến với bình nguyên mênh mông đi qua “Mã Đà sơn cước huyền bí” – nơi chốn “rừng thiêng nước độc”, “đi dễ khó về”, nàng bỗng trở nên hiền hòa và bao dung.
Dòng sông cũng như đời người. Tuổi trẻ luôn dữ dội, khát khao lao mình về phía trước, nhưng qua chặng đường dài gian lao, qua bao bão giông, đến lúc nào đó chúng ta trưởng thành hơn, chín chắn hơn, bỗng trở nên bình lặng và dịu dàng.
Nhớ một thời khó nhọc
Có một lần, tôi đến thăm nhà người bạn hiện đang công tác huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Biết tôi đang lần tìm nguồn gốc về thác Trị An, anh dẫn tôi đến gặp bác Học ở xã Phú Lý – là người sinh ra và lớn lên gắn bó với vùng đất này. Bác Học là một trong những nhân chứng sống trong thời “Hào khí miền Đông” sục sôi của những năm đầu đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.
Trong tâm trí của một người đã ở tuổi xưa nay hiếm, bác Học vẫn rất minh mẫn khi nhớ lại hồi ức xanh xao của thời tuổi trẻ. Lúc ấy là năm 1979, có khoảng 6 triệu công nhân từ khắp đất nước về đây thực hiện nhiệm vụ phải dọn trắng 32.000 ha cây cối ở khu vực lòng hồ, rồi hơn 19.000 người đã sinh sống ở khu vực lòng hồ đã đến với mảnh đất mới là xã Phú Lý ngày nay.
Nơi ấy dù “sơn lam chướng khí” nhưng có nhiều anh hùng hy sinh trong cuộc chiến tranh tàn khốc, là nơi sinh sống của người đồng bào Châu Mạ, Chơ Ro, Stiêng… rồi cả những người Kinh đến đây xây dựng kinh tế mới.
Cuối năm 1978, đầu năm 1979, chính quyền thông báo các hộ dân phải chấp hành lệnh giải tỏa. Cả nhà bác Học bịn rịn, không nỡ rời xa căn nhà nhỏ đơn sơ. Ngôi nhà nhỏ ấy là một nếp nhà tranh dưới bóng rừng núi chập chùng những cổ thụ, nhỏ thì nhỏ thật nhưng đã vắt kiệt sức lực của cha, mẹ.
Giữa sự dùng dằng níu kéo, cuối cùng cư dân nơi này cũng bỏ lại hết tất cả vì mục đích cao cả: Xây dựng công trình thủy điện Trị An. Nhà bác Học cũng tự nguyện rời đi sau khi nhận số tiền đủ cho gia đình đong gạo trong hai tháng. Ký ức một thời khó nhọc vọng lại trong tâm trí bác.
Hai bác cháu nói chuyện thật lâu. Như sực nhớ ra điều gì đó đã bị bỏ quên, bác Học khó nhọc đứng lên, tay run run mở chiếc tủ, lấy cuốn sổ cũ nhuốm màu thời gian. Gáy cuốn sổ đã sờn. Bác cẩn thận mở ra một trang rồi chỉ tay vào bức hình cũ – nơi có thác nước rộng đang cuồn cuộn chảy.
Vườn tràm bên cạnh lòng hồ Trị An
Cảnh thác hùng vĩ. Những bọt nước từ trên cao lao xuống bãi đá lô nhô, tung lên trắng xóa. Xung quanh thác là cây rừng rậm rạp, hoang sơ. Bầu trời xanh ngắt những đám mây.
Bầu trời, dòng thác và cảnh vật gợi lên sự huyền bí. Bác Học chỉ tay vào bức ảnh: Thác Trị An đó cháu.
Nhấp chén trà thơm, bác kể cho tôi nghe đó là tấm hình duy nhất mà người bạn thời ấy mê nhiếp ảnh đã chụp và lên tận Biên Hòa để rửa, sau đó mang đến tặng bác làm kỷ niệm. Bởi dòng thác hùng vĩ ấy là nơi cả tuổi trẻ bác đã cùng gia đình, bạn bè ra đó tắm, kiếm rau rừng. Rất nhiều người đã từng đến đây để thỏa thích khám phá.
Bác chỉ cho tôi một hòn đá nằm ngang dòng thác, rồi nói: “Cô nhìn xem. Có giống hình người đàn bà hóa đá không?”.
Rồi giọng bác run run: Ngày xưa có một chàng trai nơi miền hạ nguồn sông. Vì đam mê khám phá mà chàng đã không sợ hiểm nguy, không ngại gian khó, ngược dòng sông Đồng Nai trên con thuyền độc mộc. Đến một ngày kia, chàng lạc vào lãnh thổ của người vùng thượng nguồn. Chàng bị nghi là kẻ thăm dò thám thính, đe dọa, nên bị người trong bộ tộc bắt lại. Nhưng sau vài ngày tra khảo mới phát hiện chàng vô hại. Thấy chàng trai khôi ngô tuấn tú, lại khôn ngoan, gan dạ nên con gái vị trưởng làng đã mê chàng say đắm và hai người kết duyên vợ chồng.
Cầu Mã Đà trên sông Đồng Nai
Nhưng sống lâu ngày ở nơi đây, chàng trai luôn đau đáu nỗi niềm nhớ thương quê nhà. Thế nên, chàng đã tìm mọi cách để ra khỏi buôn làng. Một ngày nọ, chàng phát hiện cây cầu độc đạo. Nhân lúc không có người, chàng đã đi qua để tìm cách xuôi về hạ nguồn. Nhưng cây cầu ấy chính là nơi thiêng liêng mà buôn làng không cho phép ai được đến gần. Nên lúc chàng qua cây cầu thì biết bao cung tên đã bắn về phía chàng.
Chàng trai đã phải trầm mình xuống dòng nước dữ. Người con gái quá yêu thương chồng mà ngày đêm than khóc. Nàng đã hóa thân nơi chính tầng thác thứ chín này. Nước mắt của người con gái luôn réo rắt ở nơi thượng nguồn. Dẫu cho bao năm tháng qua đi, bãi đá nơi dưới chân con thác cứ trơ trơ ở đó như minh chứng cho một tình yêu mãnh liệt.
Câu chuyện dân gian thú vị, khiến cho nơi này trở nên thiêng liêng trong mắt những hậu bối như tôi.
Âm vang hiện tại và quá khứ
Một lần khác, tôi quay lại hồ Trị An tìm lại chút dấu tích xưa, để kiểm chứng xem nơi này có còn hòn đá vọng phu thương chồng nữa không? Chợt thấy si mê cảnh lao động trên cánh đồng tràm, bên cạnh lòng hồ. Tôi lân la hỏi thăm những phụ nữ đang đội nắng cắt những lá tràm. Các cô chỉ cho tôi biết cách để đến thác Trị An – nơi đã bị lãng quên nhiều năm.
Rồi tôi quay lại chỗ bờ kè. Thủy điện Trị An đang xả lũ ở 8 cửa đập. Dòng nước tung bọt trắng xóa, lao mình thật nhanh, bất chấp dưới chân là những tảng đá vững chãi đang nhấp nhô cản đường. Ầm ầm như thác đổ. Âm vang của hiện tại và quá khứ đan xen khúc ca hào hùng và bi tráng.
Từ địa điểm đó, tôi men theo con suối cạn. Không thể di chuyển bằng xe máy. Chỉ có thể lội bộ để bước chân hằn in trên đất đỏ bazan. Đi chừng khoảng 2 km về phía hạ lưu, thấy con thác giờ chỉ trơ đáy. Bãi đá lô nhô đen sì, khô cằn, chẳng khác nào khu khai thác đá đang bị bỏ hoang.
Tôi bỗng thốt lên trong tiếc nuối. Thác nước hùng vĩ, âm vang một thời, nay chỉ còn lại sự hoang tàn vắng vẻ, tĩnh mịch cô liêu. Tôi cố gắng tìm dấu vết của tảng đá là “Hòn Vọng Phu” trong câu chuyện hư hư thực thực của bác Học. Chợt lòng không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối.
Chiều buông, bóng tối dần xâm chiếm khoảng không bao la. Những ánh sáng của đèn lung linh thắp sáng trên đường. Thác Trị An âm vang một thời nay chỉ còn là dĩ vãng. Nhưng bù lại đó, trải ra trước mắt tôi là mặt nước mênh mông, lấp lánh muôn vàn vảy bạc. Từ đây, dòng điện sẽ sáng lên, tiếp nối qua muôn làng quê trù mật, những phố xá sầm uất của miền Đông Nam Bộ.
Bỗng trong tôi vọng lên giai điệu lôi cuốn của bản “Trị An âm vang mùa xuân” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập: “… Về lại chiến khu/ ghé qua Thường Lang hãy qua Lạc An/ Một trời nước non, Tân Uyên chờ ai sương bay Mã Đà/ Dòng điện sáng lên cháy trong lòng ta xóa bao nhọc nhằn/ Lặng nghe nước reo âm vang mùa xuân ước mơ rực sáng/ Dòng điện thắp lên, sáng cho tình em, sáng cho ngày mai”.
Xem bài gốc ở đây