TP.HCM: Xe dù, bến cóc dập dìu, các địa phương đang ở đâu?
Để xử lý “xe dù, bến cóc”, Thành ủy và UBND TP.HCM đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch. TP.HCM phân định trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị. Cụ thể, “xe dù” do công an, thanh tra giao thông xử lý. Còn “bến cóc” do các địa phương (quận, huyện) kiểm tra kỹ mục đích dùng các bến bãi và chấn chỉnh hoặc chấm dứt hoạt động ngay khi phát hiện vi phạm.
Vậy để xảy ra tình trạng ‘xe dù, bến cóc’, trách nhiệm các địa phương đang ở đâu?
“Bến cóc’ hoạt động rầm rộ
Là khu vực nóng về “xe dù, bến cóc“, quốc lộ 13 đoạn qua phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức (hướng từ bến xe Miền Đông cũ về ngã tư Bình Phước) thường xuyên có xe khách tấp vào lề đột ngột để đón trả khách sai quy định. Đồng thời, các “bến cóc” quanh khu vực này cũng “mọc” lên nhan nhản.
Điển hình như “bến cóc” ở đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh), xe khách đậu dọc hai bên đường để chất hàng hóa, đón khách… Cách đó khoảng 150m “đường chim bay”, một “bến cóc” của hãng Đệ Nhất (tuyến TP.HCM – Bình Định) hoạt động tấp nập giống hệt như một bến xe thứ thiệt.
Điều đáng nói, hai “bến cóc” nêu trên đã hoạt động thời gian dài và chưa có dấu hiệu của việc chấm dứt, hay chuyển vào các bến xe để hoạt động đàng hoàng, đúng quy định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh – xác nhận tại phường Hiệp Bình Chánh có hai vị trí giống như báo Tuổi Trẻ và người dân phản ánh.
Phường đã biết điều này và đề xuất các biện pháp phối hợp, xử lý.
Hai vị trí này được phường xác định là Công ty cổ phần xăng dầu Petro Bình Phước, “nhà xe petro Bình Phước” (địa chỉ số 96 Kha Vạn Cân, khu phố 3) và chi nhánh Công ty TNHH vận tải hành khách Đệ Nhất tại TP.HCM, còn gọi là bãi xe Đệ Nhất (địa chỉ số 19 quốc lộ 13, khu phố 3, cùng phường Hiệp Bình Chánh).
Ngoài ra, còn có một số nhà xe hoạt động kinh doanh vận tải và có dấu hiệu đón, trả khách không đúng nơi quy định chạy các tuyến như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Định, Bình Phước, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu…, đặc biệt là tuyến đường Kha Vạn Cân và giao lộ quốc lộ 13 – Phạm Văn Đồng.
Đẩy mạnh phạt nguội
Liên quan vấn đề “xe dù, bến cóc” tại TP.HCM, bà Phan Thị Thu Hiền – phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ – đánh giá đây là vấn đề rất nóng và đang diễn ra phức tạp.
Hiện nay, TP.HCM đang có hệ thống camera giám sát rất tốt nên phát huy cùng với lực lượng xử lý trực tiếp. Do đó, bà Hiền cho rằng phương án phạt nguội qua camera đối với xe khách nên được đẩy mạnh trong năm nay.
Bà Hiền cho biết thêm, có thể nhìn thấy rõ chính quyền địa phương, các quận huyện ở TP.HCM là đơn vị nắm rõ nhất về các hoạt động trên địa bàn mình đảm trách, vì vậy TP.HCM không nên chỉ giao phó hết cho lực lượng cảnh sát giao thông, mà phải tăng cường phối hợp xử lý từ các địa phương.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, địa phương đã biết tình trạng “xe dù, bến cóc” xảy ra nhưng chưa thể giải quyết triệt để do gặp khó.
Cụ thể, các nhà xe này luôn tìm cách đối phó, né tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, lợi dụng bãi giữ xe để đón, trả hành khách không đúng nơi quy định và giao nhận hàng hóa bên trong bãi giữ xe, gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra xử lý.
Việc xử lý đối với tài xế, nhà xe đón, trả khách không đúng nơi quy định cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ liên quan. Các nhà xe tìm cách hợp thức hóa xe chạy hợp đồng (có hợp đồng và danh sách hành khách theo quy định) nhằm qua mặt lực lượng kiểm tra.
Thời gian qua, UBND phường đã phối hợp Đội cảnh sát giao thông, trật tự – Công an TP Thủ Đức và Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ – Sở Giao thông vận tải TP.HCM họp để trao đổi và kiến nghị lắp đặt biển báo cấm đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ trên tuyến đường Kha Vạn Cân (hướng từ chùa Ưu Đàm đến quốc lộ 13 và ngược lại) để thuận lợi kiểm tra, xử lý vi phạm.
Năm qua, phường đã phát hiện, xử lý và lập biên bản vi phạm hành chính 39 xe ô tô khách. Yêu cầu các nhà xe di dời được 5 xe khách đậu thời gian dài trên đường Kha Vạn Cân đi nơi khác và tổ chức cho các nhà xe ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
“Để giải quyết căn cơ vấn đề này, UBND phường đã báo cáo đề xuất TP Thủ Đức lập tổ kiểm tra liên ngành phối hợp UBND phường để kiểm tra xử lý triệt để các vi phạm nêu trên”, ông Tuấn cho hay.
Còn đại diện Đội cảnh sát giao thông Hàng Xanh (thuộc Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM) cho biết đơn vị phụ trách quản lý đảm bảo an ninh trật tự giao thông ở đường Phạm Văn Đồng và quốc lộ 13 (đoạn qua TP Thủ Đức).
Tính riêng trong năm 2023, đơn vị đã phát hiện và xử lý, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 1.007 xe khách liên quan đến đậu đỗ và đón trả khách sai quy định.
Các địa phương cần làm đúng trách nhiệm
Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Hòa An cho biết trước nay Sở Giao thông vận tải TP.HCM vẫn phối hợp với Công an TP Thủ Đức và các quận huyện, các đơn vị liên quan nhưng vấn nạn “xe dù, bến cóc” diễn ra trên cả nước.
Lý do chính là vì những quy định về dừng trả, đỗ xe còn chưa chi tiết, do đó các doanh nghiệp lập nên “bến cóc”. Sở Giao thông vận tải mong muốn các đơn vị, cơ quan và địa phương làm đúng vai trò, trách nhiệm của mình ở trong chỉ thị và kế hoạch của Thành ủy TP.HCM để tình hình chuyển biến tốt hơn.
Cần có một “tham mưu trưởng” để xử lý xe dù, bến cóc
Trước đó, ngày 29-1, đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã đến kiểm tra tại Trung tâm Quản lý giao thông đô thị TP.HCM, bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), buýt sông… về tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán 2024.
Tại buổi kiểm tra, ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch ủy ban, đề nghị trong thời gian tới, TP.HCM cần tiếp tục phát huy và chỉ đạo các quận, huyện, đơn vị liên quan xử lý quyết liệt hơn nữa vấn đề “xe dù, bến cóc”.
Ông Hùng cho rằng việc xử lý “xe dù, bến cóc” là một chuyên đề đặc biệt. Do đó, TP.HCM cần có một cơ quan chức năng đứng ra chủ trì vấn đề này, từ đó tham mưu xây dựng kế hoạch, tổng hợp kết quả xử lý của tất cả các đơn vị để đánh giá cụ thể.
Xem bài gốc ở đây