TP HCM thúc đẩy du lịch xanh

Tại Ngày hội Du lịch TP HCM lần thứ 21 – năm 2025 diễn ra từ ngày 3 đến 6-4, rất nhiều sản phẩm du lịch xanh đã được giới thiệu, quảng bá.
Ưu tiên điểm đến xanh
Tại gian hàng của Công ty CP Lữ hành Vietluxtour, trong hàng trăm đường tour dịp hè này, các tour có điểm đến xanh – bao gồm tour kết nối tuyến metro số 1 – được nhiều du khách quan tâm tìm hiểu.
Tuyến metro số 1 kể từ khi đưa vào khai thác không chỉ đánh dấu bước ngoặt của hệ thống giao thông đô thị TP HCM mà còn góp phần thúc đẩy du lịch xanh. Hiện có rất nhiều sản phẩm du lịch được các công ty xây dựng có kết nối tuyến đường sắt đô thị này với các điểm đến, cơ sở du lịch dọc tuyến, quanh 14 nhà ga.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty CP Lữ hành Vietluxtour, cho biết trong thời gian diễn ra Ngày hội Du lịch TP HCM lần thứ 21, chùm tour với các điểm đến độc đáo, kết hợp trải nghiệm du lịch xanh như “Sài Gòn xưa và nay”, tham quan tuyến metro số 1; khám phá Côn Đảo – bảo vệ rùa biển; Quảng Bình – Hành trình hòa mình vào thiên nhiên; trải nghiệm Mê Kông xanh… được khách hỏi nhiều. Các sản phẩm du lịch được thiết kế dành cho thị phần khách đoàn, khách doanh nghiệp (DN), MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo…) từ cơ bản đến cao cấp… cũng được quan tâm.
Thực tế, không phải đến khi tuyến metro số 1 đưa vào khai thác, du lịch xanh ở TP HCM mới chuyển mình. TP HCM vốn là điểm đến có rất nhiều lợi thế để khai thác, phát triển loại hình du lịch này. Có thể kể đến mô hình điểm đến du lịch cộng đồng ấp đảo Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ), mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch ở huyện Củ Chi… hay tại Khu Du lịch Suối Tiên, mô hình du lịch nông nghiệp xanh với dự án Suối Tiên Farm với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng cũng đang được đẩy mạnh. Vận hành từ đầu năm 2023 đến nay, Suối Tiên Farm đã đón hàng triệu lượt khách.
Để triển khai du lịch xanh, ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Top Ten Travel, cho hay công ty đã thiết kế nhiều tour xanh như kết hợp đi bộ/xe đạp đến các khu du lịch sinh thái và vườn quốc gia. DN cũng chuyển từ các sản phẩm quà tặng chất liệu nhựa sang chất liệu tái chế như áo mưa dùng nhiều lần, bình giữ nhiệt, túi vải.
“Sau dịch COVID-19, nhu cầu tìm hiểu và mua các sản phẩm du lịch xanh tăng lên rõ rệt, buộc DN phải thay đổi sản phẩm để mang lại cho khách hàng nhiều lợi ích hơn sản phẩm truyền thống. Nhờ vậy, khách du lịch không chỉ xem mà còn tham gia sâu vào các hoạt động văn hóa, bảo vệ thiên nhiên gắn liền với trách nhiệm xã hội” – ông Toàn nói.
Một tour du lịch trải nghiệm trồng cây, dọn rác bảo vệ môi trườngẢnh: LAM GIANG
Chi phí cao nhưng giá tốt
Một trong những khó khăn của DN khi chuyển hướng sang du lịch xanh là vấn đề chi phí. Để xây dựng sản phẩm du lịch xanh, đưa điểm đến xanh vào lịch trình thì tốn thêm chi phí – bao gồm chi phí đầu tư vật dụng thân thiện với môi trường, khảo sát thiết kế sản phẩm, xây dựng hệ thống quản lý, đào tạo nhân sự, truyền thông…
Theo TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, sản phẩm du lịch xanh đạt chất lượng luôn có giá cao hơn sản phẩm bình thường. Chẳng hạn, sản phẩm du lịch xanh Cồn Chim – Trà Vinh có giá 600.000 đồng/khách bao gồm ăn trưa, còn giá một số tour đến các cồn khác ở ĐBSCL không triển khai du lịch xanh thì chỉ 120.000 đồng/người. Tuy nhiên, khách đến Cồn Chim nhiều lần vẫn muốn trở lại, còn với các điểm đến khác thì không.
“Du lịch xanh đón ít khách nhưng nguồn thu cao. Có tour du lịch xanh 2 ngày 1 đêm giá lên tới 6 triệu đồng/khách. Du lịch xanh là xu hướng, là đòi hỏi tất yếu trong tương lai nhưng để có được “trái ngọt” thì phải thật kiên nhẫn” – TS Minh phân tích.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng DN du lịch cần hợp tác với chính quyền địa phương, tổ chức bảo vệ môi trường và các đối tác để xây dựng hệ sinh thái du lịch bền vững. Đồng thời, tăng cường truyền thông về du lịch Net Zero (không phát thải); hướng dẫn du khách thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng xanh như sử dụng đồ tái chế, hạn chế rác thải nhựa, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
“Những tour du lịch xanh, tour Net Zero cần mang lại trải nghiệm độc đáo, chẳng hạn cho khách tham gia hoạt động tái tạo hệ sinh thái, khám phá địa phương theo cách bền vững, thử nghiệm ẩm thực hữu cơ hoặc ngủ tại khu lưu trú sinh thái. Cần xây dựng tour linh hoạt, cho phép khách lựa chọn mức độ cam kết giảm phát thải mà họ muốn tham gia – từ việc sử dụng phương tiện xanh, chọn khách sạn sinh thái đến đóng góp vào quỹ bù đắp carbon” – bà Khanh gợi ý.
Xanh trên mỗi hành trình
“Xanh trên mỗi hành trình” là thông điệp mà Sở Du lịch TP HCM và nhiều DN đưa ra, với mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững là xu hướng chung và là xu hướng tất yếu của thành phố bởi những điểm đến xanh đang là lựa chọn ưu tiên của du khách trong nước lẫn quốc tế. Ngành du lịch TP HCM đang phối hợp với các ngành liên quan để chung tay xây dựng, phát triển TP HCM trở thành thành phố du lịch bền vững.
Xem bài gốc ở đây