TP HCM: Hợp nhất 3 tỉnh thành đặt ra yêu cầu bức thiết về nhân lực chất lượng cao - Tin tức Vũng Tàu

TP HCM: Hợp nhất 3 tỉnh thành đặt ra yêu cầu bức thiết về nhân lực chất lượng cao

 TP HCM: Hợp nhất 3 tỉnh thành đặt ra yêu cầu bức thiết về nhân lực chất lượng cao

Sở GD-ĐT TP HCM vừa có báo cáo về đánh giá tình hình thực hiện Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” tại Quyết định số 1446/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM cho biết trong giai đoạn 2021 – 2024, có tổng số hơn 1,1 triệu người được đào tạo nghề tại TP HCM với số lượng tăng dần qua các năm. Các lĩnh vực đào tạo gồm công nghệ thông tin, cơ khí, cơ điện tử, robot, kinh tế, tài chính, logistics, du lịch, điều dưỡng.

Trong 3 năm gần đây, người học tập trung nhiều vào kinh tế, công nghệ thông tin, du lịch và chăm sóc sức khỏe.

Số lao động qua đào tạo từ năm 2021 – 2024 tổng cộng là 530.908 người (tnăm 2021 đào tạo 122.783 người; năm 2022 đào tạo 177.402 người; năm 2023 đào tạo 112.224 người và năm 2024 đào tạo 118.499 người).

Trong giai đoạn 2021 – 2025, thực hiện chủ trương đầu tư đối với 3 dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, thực hiện chủ trương hợp nhất TP HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hình thành một trung tâm kinh tế công nghiệp – dịch vụ – logistics hàng đầu cả nước, với mạng lưới khu công nghiệp, cảng biển và chuỗi cung ứng năng động. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng số, kỹ năng công nghệ hiện đại.

Từ những bài học kinh nghiệm trong giai đoạn qua, TP HCM mới đặt ra nhiều giải pháp để thực hiện quyết định của Chính phủ.

Một chương trình khởi nghiệp cho học sinh tổ chức tại Trường THPT Hùng Vương- TP HCM

Cụ thể, sẽ căn cứ vào tiềm năng sẵn có, TP HCM có thế mạnh về dịch vụ, công nghệ cao và giáo dục đại học; Bình Dương là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo lớn và Bà Rịa – Vũng Tàu với thế mạnh về dầu khí, cảng biển, logistics và du lịch.

“Thời gian tới sẽ xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định số 1446 trong cơ cấu kinh tế, đào tạo và chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách cụ thể nhất cho từng năm” – báo cáo nêu rõ.

Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho người lao động. TP cũng cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Chú trọng hơn đến nguồn nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp công lập và xây dựng cơ chế thống kê đầy đủ về năng suất lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và y tế; có chiến lược dài hạn để duy trì nguồn nhân lực trẻ và chất lượng cao.

Bên cạnh đó, trong việc đào tạo nhân lực cho các ngành công nghệ tiên tiến như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), thành phố cần thiết lập cơ chế đặt hàng với các trường đại học để đào tạo chuyên sâu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ cao trong tương lai.

Tiếp tục nghiên cứu và triển khai các chính sách thu hút nhân tài Việt Nam từ nước ngoài và chuyên gia quốc tế, không chỉ qua việc tuyển dụng mà còn tạo cơ chế trọng dụng và môi trường thuận lợi để phát huy năng lực của họ….

Học sinh gặp nhiều khó khăn về chọn nghề

Nhận định về thực trạng đào tạo thời gian qua, Sở GD-ĐT TP HCM cho hay hiện tồn tại không ít những khó khăn, hạn chế, đó là công tác hướng nghiệp còn mang tính lý thuyết, thiếu gắn kết thực tế, khiến học sinh gặp khó khăn trong việc chọn nghề do thiếu thông tin về thị trường lao động và ngành nghề mới.

Nhiều cơ quan chức năng chưa xây dựng được một hệ thống thông tin đầy đủ và cập nhật về nhu cầu lao động theo từng ngành nghề. Lực lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp còn thiếu…

Nguyên nhân do sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, khiến chương trình đào tạo dễ bị lạc hậu nếu không được cập nhật kịp thời. Hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ thông tin chưa được đảm bảo, dẫn đến quá trình chuyển đổi số của trường chưa hoàn thiện. Các trang thiết bị máy móc phục vụ giảng dạy và học tập trong các ngành nghề kỹ thuật thường có giá trị lớn, nhưng nguồn ngân sách đầu tư còn hạn chế, do đó việc mua sắm trang thiết bị mới còn gặp nhiều khó khăn…


Xem bài gốc ở đây

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan