Tỉnh táo trước thông tin sai lệch về sáp nhập - Tin tức Vũng Tàu

Tỉnh táo trước thông tin sai lệch về sáp nhập

 Tỉnh táo trước thông tin sai lệch về sáp nhập

Chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh tại Việt Nam được xác định trong các văn bản quan trọng như: Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Trung ương Đảng và Kết luận 126-KL/TW ngày 14-2-2025 của Bộ Chính trị. Đây là một bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Không gian phát triển mới

Một số ý kiến cho rằng việc sáp nhập tỉnh, thành sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa, lịch sử và truyền thống của các địa phương, thậm chí “đồng hóa” những giá trị đặc thù của từng địa phương; rằng “sáp nhập tỉnh là mất quê”, “xóa tên tỉnh là xóa lịch sử”…

Thực tế, chủ trương sáp nhập hoàn toàn không xóa bỏ bản sắc văn hóa hay lịch sử địa phương mà ngược lại, tạo điều kiện để phát huy các giá trị này trên một quy mô lớn hơn. Theo Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12-4-2025 của Trung ương Đảng, việc sáp nhập được thực hiện dựa trên các tiêu chí như: diện tích, dân số, kinh tế, văn hóa và quốc phòng, bảo đảm hài hòa lợi ích của các địa phương.

Như vậy, sáp nhập tỉnh, thành giúp tập trung nguồn lực để đầu tư vào việc bảo tồn di sản, quảng bá văn hóa và phát triển du lịch; đồng thời nâng tầm địa phương, tạo không gian phát triển mới.

Cũng có ý kiến lo ngại khi sáp nhập tỉnh, thành sẽ dẫn đến mất cân bằng giữa các địa phương, đặc biệt khi một tỉnh phát triển mạnh sáp nhập với tỉnh kém phát triển hơn hoặc địa phương “giàu” sẽ phải “chia sẻ” tài nguyên, gây thiệt hại cho địa phương đó.

Tuy nhiên, chủ trương sáp nhập tỉnh, thành được thiết kế để thúc đẩy phát triển đồng đều, tránh tình trạng manh mún và phân tán nguồn lực; tạo ra các vùng kinh tế quy mô lớn, tăng khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư. Không hề gây bất bình đẳng, việc sáp nhập sẽ giúp các địa phương yếu hơn tận dụng nguồn lực từ các địa phương mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ công, hướng tới sự phát triển bền vững.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì làm việc với Thành ủy TP HCM và Tỉnh ủy 2 tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác sáp nhập, ngày 18-6-2025. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhân dân và chính quyền các cấp đồng thuận

Một số luận điệu xuyên tạc cho rằng việc sáp nhập tỉnh, thành là nhằm củng cố quyền lực của một số nhóm, gây bất ổn xã hội, tạo ra tâm lý hoang mang rằng chỉ phục vụ lợi ích của “thượng tầng” mà không vì người dân!

Trong khi đó, chủ trương sáp nhập được triển khai dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với xu thế quốc tế và nhu cầu phát triển của Việt Nam. Bởi lẽ, việc này giúp giảm chi phí quản lý, tinh gọn bộ máy và tăng hiệu quả điều hành, từ đó tiết kiệm ngân sách để đầu tư phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội.

Ước tính, quá trình sắp xếp này giúp giảm gần 250.000 biên chế, tiết kiệm 190.500 tỉ đồng chi tiền lương và chi hành chính giai đoạn 2026 – 2030. Bên cạnh đó, hơn 4.200 trụ sở công dôi dư sẽ được ưu tiên chuyển thành trường học, bệnh viện và cơ sở văn hóa, thể thao phục vụ người dân. Như vậy, lợi ích kinh tế – xã hội là rất lớn.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc sáp nhập tỉnh, thành đã mang lại hiệu quả rõ rệt về quản lý và phát triển kinh tế. Ở Việt Nam, việc sáp nhập được thực hiện minh bạch, với sự đồng thuận của người dân và các cấp chính quyền. Những luận điệu về “củng cố quyền lực” là không có cơ sở, chỉ nhằm chia rẽ sự đồng thuận xã hội.

Một số ý kiến lo ngại việc sáp nhập tỉnh, thành sẽ gây khó khăn trong quản lý hành chính, làm xa cách giữa chính quyền và người dân hoặc ảnh hưởng đến các thủ tục hành chính. Song, việc sáp nhập được thực hiện với lộ trình rõ ràng, minh bạch và có cơ chế hỗ trợ chuyển tiếp. Chính phủ đã đề xuất tiếp tục áp dụng các cơ chế đặc thù cho một số địa phương sau sáp nhập, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý. Việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng tính minh bạch. Hơn nữa, việc bỏ mô hình cấp huyện, tăng quyền cho cấp xã giúp chính quyền gần dân hơn, giảm khâu trung gian và nâng cao hiệu quả quản lý.

Như vậy, chủ trương sáp nhập tỉnh, thành là một bước đi chiến lược, phù hợp xu thế phát triển và nhu cầu cải cách hành chính của Việt Nam. Những luận điệu sai trái chủ yếu nhằm kích động và phá hoại sự đồng thuận xã hội.

Bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền, minh bạch hóa lộ trình và lắng nghe ý kiến người dân, Đảng và Nhà nước đang bảo đảm rằng sáp nhập tỉnh, thành không chỉ là việc tinh gọn bộ máy mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững. Mỗi người dân cần tỉnh táo trước các thông tin sai lệch, góp phần ủng hộ chủ trương đúng đắn này để xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường. 

Không phân biệt vùng miền hay sắc tộc

Các thế lực thù địch lợi dụng chủ trương sáp nhập để kích động chia rẽ vùng miền, khơi dậy tâm lý kỳ thị, gây bất đồng trong cộng đồng. Đó là âm mưu nhằm phá hoại sự đồng thuận xã hội.

Thực tế, chủ trương sáp nhập tỉnh, thành được xây dựng dựa trên nguyên tắc đoàn kết dân tộc, không phân biệt vùng miền hay sắc tộc. Bộ Chính trị nhấn mạnh: Việc sáp nhập được xem xét dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm văn hóa, lịch sử và đặc điểm dân tộc, bảo đảm giữ vững sự thống nhất và đa dạng văn hóa.


Xem bài gốc ở đây

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan