Tin tức thế giới ngày 13-7: Triều Tiên ủng hộ Nga hết mình; EU, Mexico phản ứng với thuế của Mỹ

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 12-7 – Ảnh: REUTERS
Triều Tiên ủng hộ Nga hết mình
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên ngày 13-7 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong “bầu không khí tràn đầy sự tin tưởng nồng ấm của tình đồng chí”.
Ông Kim nói với ông Lavrov rằng Triều Tiên “sẵn sàng ủng hộ và khuyến khích vô điều kiện tất cả các biện pháp mà giới lãnh đạo Nga đã thực hiện liên quan đến việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Ngoài ra hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về “những vấn đề quan trọng để thực hiện một cách trung thực các thỏa thuận được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử Triều Tiên – Nga vào tháng 6-2024”, KCNA cho biết.
Trong khi đó, theo Hãng thông tấn Nga TASS, ông Lavrov nói với ông Kim rằng Tổng thống Vladimir Putin “hy vọng sẽ tiếp tục có những cuộc tiếp xúc trực tiếp trong tương lai rất gần”.
EU, Mexico phản ứng với thuế quan của Mỹ
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế 30% từ ngày 1-8, EU và Mexico đều cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm thỏa thuận với Washington.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 12-7 khẳng định khối này sẵn sàng tiếp tục nỗ lực hướng tới một thỏa thuận trước ngày 1-8, nhưng vẫn kiên định lập trường.
“Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo vệ lợi ích của EU, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp đối phó tương xứng nếu cần thiết”, bà nói về khả năng áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào châu Âu.
Lãnh đạo các nước EU ủng hộ lập trường của bà von der Leyen, kêu gọi một giải pháp “thực tế” trong thảo luận về thuế với Mỹ, tuy nhiên vẫn sẵn sàng bảo vệ lợi ích.
Tổng thống Pháp nói biện pháp trả đũa có thể cần bao gồm cái các công cụ chống cưỡng ép nếu ông Trump không nhượng bộ.
Trong khi đó, Mexico chỉ trích lời đe dọa của ông Trump là một “thỏa thuận không công bằng”. Bộ Kinh tế và Bộ Ngoại giao Mexico cho biết tnước này đang trong quá trình đàm phán tìm kiếm một giải pháp thay thế với hy vọng sẽ tránh được các mức thuế này.
“Chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ”, Tổng thống Claudia Sheinbaum nhấn mạnh.
Đàm phán bế tắc, Hamas và Israel đổ lỗi cho nhau
Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ngày 12-7 cáo buộc nhau cản trở nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, gần một tuần sau khi nối lại đàm phán ở Qatar.
Hãng tin AFP dẫn một nguồn tin Palestine nói rằng đề xuất của Israel về việc duy trì quân đội và muốn kiểm soát 40% vùng lãnh thổ này chính là rào cản cho một thỏa thuận tạm dừng xung đột trong 60 ngày được Mỹ đề xuất.
Tuy nhiên về phía Israel, một quan chức chính trị cấp cao đã cáo buộc Hamas cứng nhắc và cố tình phá hoại thỏa thuận. Các vấn đề viện trợ và bảo đảm để chấm dứt chiến tranh cũng đang đặt ra thách thức.
Trên thực địa, cơ quan phòng vệ dân sự Gaza cho biết ít nhất 38 người đã thiệt mạng trên khắp vùng lãnh thổ trong ngày 12-7, bao gồm cả trong một cuộc không kích vào khu vực đang trú ẩn của những người di tản.

Người Israel biểu tình ở Tel Aviv ngày 12-7 kêu gọi giải cứu các con tin ở Gaza – Ảnh: REUTERS
Ukraine chuẩn bị tiếp nhận hàng trăm tên lửa do Đức tài trợ sản xuất
Kênh tin tức ZDF dẫn lời thiếu tướng quân đội Đức Christian Freuding cuối tuần này xác nhận quân đội Ukraine sẽ được trang bị hàng loạt tên lửa tầm xa đầu tiên do chính nước này sản xuất từ nguồn tài trợ của Berlin vào cuối tháng 7-2025.
Theo tướng Freuding, số lượng tên lửa “sẽ lên tới 3 con số”. Các tên lửa này có thể tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga, “đánh vào các kho dự trữ, trung tâm chỉ huy, sân bay và máy bay”.
Trong khi đó, phía Kiev cho biết cũng sắp đạt được thỏa thuận để nhận thêm hệ thống phòng không Patriot.
Trên thực địa, Ukraine cho biết Nga đã phóng hơn 620 máy bay không người lái và tên lửa tầm xa trong đêm 12-7, khiến ít nhất sáu người thiệt mạng trong làn sóng tấn công mới nhất. Trong khi đó, Nga nói cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực giáp biên giới Belgorod làm chết 1 người, theo Hãng tin Reuters.
Ông Thaksin trở lại chính trường có vi phạm đạo đức?

Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra tái xuất chính trường trong tuần này – Ảnh: REUTERS
Các nhà hoạt động Thái Lan kêu gọi Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) điều tra Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira vì mời cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra tham gia cuộc thảo luận cấp cao với chính phủ về thuế quan của Mỹ.
Việc này bị cho là vi phạm tiêu chuẩn đạo đức quan chức vì ông Thaksin không giữ chức vụ gì trong chính phủ, và do đó không đủ điều kiện tham dự cuộc họp. Những người chỉ trích cũng cho rằng ông Thaksin can thiệp vào công việc của chính phủ.
Trước đó, ông Pichai giải thích rằng ông Thaksin được mời vì ông có kinh nghiệm và chuyên môn sâu rộng về các vấn đề kinh tế.
Công ty AI của ông Musk xin lỗi vì chatbot khen Hitler
Công ty khởi nghiệp xAI của tỉ phú Mỹ Elon Musk xin lỗi vì chatbot Grok của công ty này đăng bài khen trùm phát xít Adolf Hitler trên nền tảng X.
“Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì hành vi khủng khiếp mà nhiều người đã trải qua”, xAI tuyên bố và họ đã sửa đổi hệ thống “để ngăn chặn tình trạng lạm dụng tiếp diễn”.
Công ty giải thích vụ việc là do một phần mềm cập nhật nhằm giúp chatbot này hoạt động giống người hơn. Chatbot Grok được đào tạo một phần qua các bài đăng trên X, vốn có thể tràn lan thông tin sai lệch.
Tắm mát

Các thanh thiếu niên tắm trên dòng sông ở thành phố Najaf của Iraq trong đợt nắng nóng cao điểm gây mất điện ở quốc gia này – Ảnh: AFP
Xem bài gốc ở đây