Tin tức sáng 3-3: Sốt vé bay đi Côn Đảo, khách đi tàu cao tốc sẽ rẻ hơn
‘Sốt’ vé máy bay đi Côn Đảo, khách đi tàu cao tốc giá rẻ hơn
Hành trình bay từ Hà Nội, TP.HCM đến Côn Đảo bất ngờ “sốt” vé. Theo khảo sát, nhiều chặng bay Hà Nội – Côn Đảo khởi hành từ nay đến cuối tháng 3 của Bamboo Airways, giá cao từ 4,2 – 7 triệu đồng/chiều nhưng lượng vé hết nhanh.
Thậm chí đến tận ngày 31-3, cũng chỉ còn 4 vé hạng phổ thông với giá 4,2 triệu đồng/vé.
Tương tự, khảo sát chặng bay TP.HCM – Côn Đảo cũng cho thấy trong nhiều ngày vé máy bay đã được mua gần hết.
Nguyên nhân có thể do đường bay từ Hà Nội, TP.HCM – Côn Đảo “sốt” vé vì khách tranh thủ bay trước khi Bamboo Airways dừng chặng này từ 1-4.
Bamboo Airways hiện là hãng bay duy nhất khai thác đường bay thẳng Hà Nội – Côn Đảo.
Sau 1-4, nếu không có gì thay đổi, khách ở miền Bắc đến Côn Đảo sẽ phải bay transit nội địa, tức bay từ Hà Nội – TP.HCM, sau đó nối chuyến TP.HCM đến Côn Đảo, tốn thời gian và chi phí hơn.
Còn đường bay TP.HCM – Côn Đảo sắp tới chỉ còn VASCO, công ty con của Vietnam Airlines, khai thác bằng máy bay ATR72. Hiện VASCO khai thác TP.HCM – Côn Đảo tần suất 10 – 22 chuyến bay/ngày.
Nhưng ngoài máy bay, du khách hiện có thể chọn đi bằng tàu biển từ Sóc Trăng, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu… ra Côn Đảo với mức giá vé 280.000 – 1,2 triệu đồng/vé/chiều (tùy thuộc vào hạng tàu, điểm xuất phát…).
Nếu xuất phát tại TP.HCM – Côn Đảo với tuyến tàu cao tốc khoảng 5 tiếng có giá thấp nhất 615.000 đồng/ghế, ghế thường 880.000 đồng, ghế VIP 1,1 triệu đồng.
Trung Quốc tăng nhập khẩu mây, tre, cói Việt đến 214% trong tháng đầu năm
Tin tức từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói và thảm của Việt Nam trong tháng 1-2024 đạt hơn 79 triệu USD, tăng 11,8% so với tháng trước đó và tăng 74,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, Trung Quốc – một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới mặt hàng mây tre cói, thảm – đã tăng nhập khẩu từ Việt Nam tới 214% trong tháng 1-2024.
Nếu như cuối năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này sụt giảm đáng kể thì hiện tại kim ngạch xuất khẩu đã có sự phục hồi và tăng trưởng.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Riêng trong tháng 1, mặt hàng này qua Mỹ thu về 31,3 triệu USD, tăng trưởng tới 107,2% so với tháng cùng kỳ năm 2023.
Đứng thứ 2 là thị trường Anh, xuất khẩu thu về gần 5,3 triệu USD. Thứ 3 là Nhật Bản, xuất khẩu kim ngạch 5,2 triệu USD.
Ngoài top 3 thị trường lớn nhất, nhiều thị trường khác cũng đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như Thụy Điển, Canada, Ý.
Theo các chuyên gia, hiện nay trên thế giới, sản phẩm mây, tre, cói Việt chiếm lĩnh 10 – 15% thị phần và quy mô toàn cầu sẽ tiếp tục tăng.
Việt Nam có 1,5 triệu ha tre, phân bố ở hầu hết các tỉnh trên cả nước, trong đó có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000ha.
Cả nước có khoảng 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề trong cả nước. Trong đó khu vực phía Bắc và miền Trung tập trung nhiều về các sản phẩm mây tre lá và cói, còn khu vực Tây Nam Bộ tập trung nhiều các sản phẩm về bèo tây, lá buông.
Nhiều doanh nghiệp gỗ và chế biến gỗ phục hồi 80-90% đơn hàng
Tin tức từ Hiệp hội Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), thị trường gỗ Việt Nam đang phục hồi khi tháng đầu năm 2024 xuất khẩu đồ gỗ đạt 1,5 tỉ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện đơn hàng tại nhiều doanh nghiệp đã phục hồi tới 90%. Tuy nhiên, xu hướng cho thấy yêu cầu của khách hàng ngày càng khắt khe hơn về các tiêu chuẩn, mẫu mã phải liên tục thay đổi, giá cả phải cạnh tranh hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn tìm kiếm thêm đơn hàng.
Vì thế, Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất (HawaExpo) 2024 được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 9-3 tới đây tại TP.HCM, sẽ đem đến ba cơ hội đáng chú ý cho các doanh nghiệp.
Gồm: Mở rộng giao thương trực tiếp tại hội chợ, giao thương trực tuyến qua môi trường sàn triển lãm online Hopefairs và mở rộng kênh bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên quốc gia, với sự hỗ trợ của hai đơn vị hàng đầu thế giới Amazon, Wayfair.
Dự kiến hội chợ có 500 doanh nghiệp tham gia, trong đó 80% là doanh nghiệp trong nước, quy mô lớn gấp 3 lần so với năm 2023.
Bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, tại hội chợ này doanh nghiệp cũng quan tâm nhóm khách từ khu vực Trung Đông, Úc, Canada và Ấn Độ.
Tăng cường thí điểm chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ tại TP.HCM
Chiều 2-3, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cùng Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết chương trình phối hợp công tác tăng cường hợp tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại TP.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chủ trì hội nghị.
Việc ký kết chương trình phối hợp nhằm cụ thể hóa thực hiện nghị quyết 31 và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết 98.
Theo đó, Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Thường vụ Thành ủy TP thống nhất ký kết chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thí điểm, thử nghiệm một số cơ chế, chính sách về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP, giai đoạn 2024 – 2028.
Phối hợp nghiên cứu xây dựng và thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Áp dụng chính sách thu hút, trọng dụng người tài thông qua ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách khác với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập…
Áp dụng thí điểm chính sách đặc thù của TP về cơ chế tuyển chọn chương trình, dự án khoa học và công nghệ; cơ chế tài chính các chương trình, dự án khoa học và công nghệ cho công tác lập dự toán, phê duyệt dự toán, quyết toán, mua sắm công… đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Ngoài ra, áp dụng thí điểm chính sách đặc thù của TP về hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên ngân sách thành phố chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên.
Chương trình hợp tác còn xây dựng đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh và nhiều cơ chế chính sách khác.
Xem bài gốc ở đây