Thuyết minh viên – người thổi hồn cho điểm đến

Bên cạnh bảo tồn, trùng tu di tích, ngành văn hóa tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di tích lịch sử văn hóa. Với sự am hiểu về di sản cùng giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, đội ngũ này làm tăng sự hấp dẫn, sống động cho di sản và tạo được ấn tượng đối với du khách.

Thuyết minh viên Đoàn Thị Phương Bình, Trung tâm Thông tin-Thể thao-Văn hóa huyện Châu Đức giới thiệu  ý nghĩa của Tượng đài Chiến thắng Bình Giã.
Thuyết minh viên Đoàn Thị Phương Bình, Trung tâm Thông tin-Thể thao-Văn hóa huyện Châu Đức giới thiệu ý nghĩa của Tượng đài Chiến thắng Bình Giã.

Lôi cuốn từ lời dẫn

Ngày 20/11 vừa qua, các em HS Trường THPT Nguyễn Du đã được tham quan di tích quốc gia Tượng đài Chiến thắng Bình Giã (huyện Châu Đức). Buổi tham quan được dẫn dắt bởi thuyết minh viên Đoàn Thị Phương Bình, Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Châu Đức. Giọng nói truyền cảm, cùng lời dẫn sống động của cô thuyết minh viên đã lôi cuốn các em đến với những trang sử hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; đặc biệt là ý nghĩa sâu sắc của tượng đài. 

“Hình ảnh 3 bàn tay nắm chặt đốc lê, phía trên là 3 lưỡi lê vươn lên nền trời xanh tượng trưng cho 3 thứ quân và 3 mũi giáp công trong chiến thắng Bình Giã. Hai bên tượng đài là 2 bức phù điêu (dài 7m, cao 3m) được ghép từ hàng ngàn mảnh gốm màu Bát Tràng, tượng trưng cho nghệ thuật quân sự, phối hợp chiến đấu và chiến thắng trong Chiến dịch Bình Giã…”, chị Bình giới thiệu. 

Em Lê Hương Quỳnh Như, HS Trường THPT Nguyễn Du bày tỏ: “Được cô thuyết minh viên giới thiệu về di tích lịch sử tượng đài, chúng em hiểu hơn về ý nghĩa của di tích lịch sử ngay tại quê hương mình”.

Quảng cáo

Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo là khu di tích nhà tù lớn nhất và lâu đời nhất nước ta, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Bà Phạm Thị Tám, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo cho hay, 20 thuyết minh viên tại đây là những người gắn bó lâu dài với đơn vị, tâm huyết, yêu nghề, nỗ lực phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, họ truyền tải tình cảm, những thông điệp về giá trị lịch sử đến người dân địa phương và du khách để mỗi người dân, du khách khi đến đây hiểu được giá trị di tích đặc biệt đối với mảnh đất thiêng liêng Côn Đảo. Qua đó, phát huy giá trị di tích, phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, tham quan của người dân cũng như du khách trong nước và quốc tế.

Chị Nguyễn Thị Giang, du khách tham quan di tích Nhà tù Côn Đảo cho hay, từ sự giới thiệu của thuyết minh viên, mọi người có thể tìm hiểu về quá trình đấu tranh bất khuất của các thế hệ đi trước trong thời kỳ chiến tranh.

Theo thống kê của Sở VH-TT, toàn tỉnh có 45 thuyết minh viên có nghiệp vụ thuyết minh tại Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo, Ban Quản lý di tích huyện Đất Đỏ, Bảo tàng vũ khí cổ và khoảng 30 người thuyết minh kiêm nhiệm là những người trực tiếp quản lý, chủ sở hữu các di tích. Đội ngũ này thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiếp cận công nghệ thông tin mới, ngoại ngữ, phong cách giao tiếp ứng xử văn minh, lịch sự và thân thiện. 

Quảng bá di sản văn hóa

Để phát huy nguồn tài nguyên, các di sản văn hóa-những di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh, năm 2019, Sở VH-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1999/QĐ-UBND ngày 6/8/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt nội dung thuyết minh di tích và danh thắng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là cơ sở để đội ngũ thuyết minh viên giới thiệu về di tích, danh thắng trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, 4 năm nay, dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Sở VH-TT duy trì tổ chức hội thi thuyết minh viên giỏi, nhằm tăng cường việc trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên. Từ đó cũng góp phần đẩy mạnh hoạt động quảng bá về di sản văn hóa, thu hút khách tham quan du lịch đến các di tích, bảo tàng.

Theo ông Trần Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT, mỗi di tích và danh thắng cần thiết phải có những cách thức thuyết minh và giới thiệu phù hợp, có chiều sâu để có thể kết nối tri thức, giải mã “tàng thư” cho mọi người đến tham quan những hiểu biết nhất định về giá trị văn hóa-lịch sử của di sản ấy. Thuyết minh viên cũng phải kết nối được các điểm đến di tích và danh thắng. Hơn thế, thuyết minh phải toát lên được “hồn” của từng loại di sản để có thể lý giải tại sao, điều gì khiến du khách vẫn trở lại tham quan.

Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan