Tết này chọn vui trong bếp hay hạnh phúc với những chuyến đi?

 Tết này chọn vui trong bếp hay hạnh phúc với những chuyến đi?

Chọn vui trong gian bếp ấm cúng hay hạnh phúc cùng những chuyến đi, miễn là chị em phụ nữ luôn biết yêu thương bản thân để đón một cái Tết an vui – Ảnh minh họa: NGUYỄN HIỀN

Đường về quê chẳng còn xa xôi cách trở mà như được xích lại gần hơn, khi vợ chồng biết sẻ chia cùng nhau nỗi niềm dịp Tết đến xuân về.

Quan niệm “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ” đã sớm ăn sâu vào trong văn hóa truyền thống của người Việt. Là dâu cả nên ngày đầu năm mới, chị Hạnh (34 tuổi, ở Vũng Tàu) luôn có mặt ở nhà nội để mừng tuổi bố mẹ chồng và cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm.

Nhiều năm liền, khi pháo hoa tưng bừng sáng rực đêm giao thừa là chị trốn vào một góc, nước mắt lặng lẽ rơi. Chị nhớ mẹ, nhớ các em ở quê nhà Hà Tĩnh, cách quê chồng hơn 1.300km.

Tết này đã khác Tết xưa

Nhưng Tết này, vợ chồng chị Hạnh cùng hai con trai đã lên kế hoạch về ăn Tết nhà ngoại. Chồng chị quyết định “nhanh, gọn, lẹ” đăng ký chuyến xe khách từ Vũng Tàu về quê Hà Tĩnh vào ngày 26 Tết, niềm hạnh phúc tràn ngập căn nhà nhỏ.

Những ngày qua, chị Hạnh sắm sửa quà bánh đủ đầy cho gia đình chồng và chu đáo dặn dò các em nhớ đến nhà chúc Tết ông bà ngày đầu năm mới.

Quảng cáo

Với người phụ nữ lấy chồng xa quê, chị nói chẳng còn hạnh phúc nào hơn vì được gia đình chồng thấu hiểu và sẻ chia với con dâu dịp Tết.

“Tết này đã khác Tết xưa, bố mẹ chồng vui lây khi thấy niềm hạnh phúc của con dâu. Mẹ chồng còn thủ thỉ với tôi là lâu lắm rồi mới về quê nên nhớ mua nhiều quà bánh hơn để tặng mẹ và các em” – chị giãi bày.

Vừa mới kết hôn, năm nay chị Kiều Phương (29 tuổi, ở Nghệ An) sẽ đón Tết cùng gia đình nhà chồng ở Hà Nội.

Những ngày cuối năm thấy bạn bè chộn rộn sắm sửa rồi “canh me” giờ đặt xe về quê, lòng chị Phương cũng thoáng chút buồn vì nhớ bố mẹ, nhưng may mắn được chồng động viên nên chị cũng tự tin hơn để đảm nhận vai trò của một nàng dâu mới.

Dù không được khéo tay hay làm nhưng đổi lại người phụ nữ xứ Nghệ luôn chịu khó học hỏi từ mẹ chồng “bí kíp” nấu ăn. Bởi lẽ từ trước đến nay hễ ngày lễ Tết hay gia đình có tiệc thì mẹ chồng luôn tự tay chuẩn bị mâm cơm.

Ngày 23 tháng chạp vừa qua, chị được mẹ chồng hướng dẫn làm mâm cúng mặn cúng ông Công ông Táo, cũng là lần đầu tiên chị Phương biết đến sự vất vả của mẹ chồng khi một mình lo toan mọi thứ đâu ra đấy.

Dịp Tết này, chị bàn với mẹ chồng sẽ chuẩn bị mâm cơm giản đơn hơn một chút để mẹ đỡ vất vả. Mẹ chồng cũng ủng hộ quan điểm của “con dâu 9X” bởi Tết là để sum vầy yêu thương chứ không phải đầu tắt mặt tối vùi mình trong bếp núc.

Bánh chưng, chả lụa, dưa kiệu, hành muối sẽ “alo ship”, còn lại hai mẹ con sẽ cùng xắn tay vào bếp chuẩn bị canh nóng, nem rán hay món xào…

Không cần chuẩn bị các món ăn cầu kỳ, miễn là thành tâm cùng nhau chuẩn bị và bày biện đẹp mắt sẽ có một mâm cơm ngày Tết ấm cúng.

“Làm dâu rồi mới thấy mình còn nhiều điều cần phải học hỏi từ mẹ chồng. Lần đầu tiên đón Tết nhà chồng sẽ có nhiều trải nghiệm mới mẻ, mong rằng mọi điều may mắn sẽ đến với gia đình chúng tôi” – chị Phương mong ước.

Hạnh phúc là những chuyến đi cùng nhau

Khắp nơi người người mua sắm, kẹt xe mọi ngả đường, chị Thu Lan (35 tuổi, ở Hà Nội) chọn đứng ngoài guồng quay đó.

Không ép mình vào khuôn khổ phải giỏi tề gia nội trợ, phụ nữ phải biết chuẩn bị mâm cỗ Tết như ngày trước, năm nay vợ chồng chị quyết định sẽ cùng nhau tận hưởng không khí Tết ở những nơi xa.

Hoàn thành xong “deadline” công việc, vợ chồng chị đã đặt vé máy bay vào miền Nam tận hưởng cái nắng ngọt ở vùng biển Nha Trang và trải nghiệm khoảnh khắc đón giao thừa ở vùng đất mới.

“Thích xê dịch nên vợ chồng tôi thường lên kế hoạch đi du lịch ngay đầu năm mới. Những giây phút ngọt ngào có nhau, cùng nhau trải nghiệm những cảm xúc mới mẻ sẽ mang đến một năm mới ngập tràn hạnh phúc” – chị Lan chia sẻ.

Không lựa chọn vui trong gian bếp ấm cúng, nhiều chị em đã lên lịch “xê dịch” trên các nẻo đường, có người đơn giản là đặt mục tiêu cho bản thân sẽ ngủ nướng và vùi mình trong trọn vẹn một tuần nghỉ Tết.

Chẳng cần phải tranh cãi nảy lửa hay trốn vào một góc riêng “gặm nhấm” nỗi buồn tủi, cô đơn mỗi dịp Tết về. Điều quan trọng nhất là chị em chúng ta phải biết thương mình, từ đó mới có thể yêu thương những người xung quanh ta.

Nếu thấy việc chuẩn bị “mâm cao cỗ đầy” trong bếp núc cực nhọc quá, hãy tận dụng thời đại 4.0 cứ “alo ship là có liền”.

Nếu thấy việc sửa soạn trang trí nhà cửa chiếm nhiều thời gian quá, hãy để chồng và các con cùng xắn tay áo vào giúp đỡ, hoặc nếu không hãy “alo” là có liền đội thợ chuyên nghiệp đến dọn dẹp nhà cửa.

Cùng nhau chọn việc nhẹ nhàng, thảnh thơi đi làm tóc, làm bộ nail thật đẹp, tặng cho mình chiếc váy thật xinh xắn và cùng nhau đón một cái Tết thật tươi vui, ấm áp bên gia đình và những người thân yêu nhất.

Tết và cách chúng ta gọi tên hạnh phúcTết và cách chúng ta gọi tên hạnh phúc

‘Thế nào là một cái Tết đong đầy hạnh phúc?’. Trả lời câu hỏi này, mỗi người có đáp án khác nhau. Gia đình bạn sẽ đón Tết thế nào để dung hòa tất cả những mong muốn ấy?

Xem bài gốc ở đây

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan