Số hóa điểm đến du lịch
Ứng dụng mã QR số hóa thông tin điểm đến du lịch là hoạt động thiết thực nhằm chuyển đổi số, quảng bá hình ảnh du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đến gần hơn với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Du khách quét mã QR tìm hiểu thông tin di tích An Sơn Miếu (Côn Đảo). |
Công cụ hữu ích quảng bá
Ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu có 48 di tích đã được xếp hạng, 171 di tích đã kiểm kê nhưng chưa xếp hạng và rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Tất cả các di tích, danh thắng trên đều là nguồn tài nguyên quý báu cho du lịch.
Tuy nhiên, để nguồn tài nguyên này phát huy được giá trị, trong điều kiện đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm rất thiếu, việc áp dụng các giải pháp công nghệ 4.0 nhằm truyền tải tính hấp dẫn về văn hóa, lịch sử, con người rất quan trọng. Mã QR với khả năng ghi hàng ngàn ký tự, giúp đơn giản hóa việc cung cấp thông tin, đang trở thành ứng dụng được nhiều nơi khai thác trong quảng bá, tiếp thị du lịch.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ năm 2020, trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát hạn chế tiếp xúc trực tiếp, Sở Du lịch đã năng động số hóa thông tin điểm đến đáp ứng trào lưu du lịch không chạm. Theo đó, trong năm 2020 có 48 danh thắng, di tích được gắn mã QR.
Quá trình hoạt động, hệ thống ghi nhận lượng truy cập nhiều, bước đầu giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự thuyết minh tại từng điểm đến. Một số tương tác còn góp ý nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, công tác quản lý tại điểm đến.
Di tích lịch sử văn hóa-Kiến trúc nghệ thuật Tổ đình Thiên Thai (huyện Long Điền) được số hóa hiển thị trên giao diện smartphone. |
Từ kết quả này, năm 2023, Sở Du lịch tiếp tục nâng cấp, chuẩn hóa nội dung 48 điểm đến của giai đoạn 1 và số hóa thêm 122 điểm đến, nâng tổng số điểm đến gắn mã QR lên 170. “Các bảng mã QR gắn tại điểm đến trong giai đoạn 1 đã bong tróc, cũ kỹ đều được thay mới. Về thông tin điểm đến, ngoài nâng cấp phần biên dịch có phụ đề, bổ sung thêm hình ảnh 3D, 360o, video clip sống động, phần thuyết minh tự động có thêm 6 ngoại ngữ thông dụng nhất gồm Anh, Nhật, Trung, Pháp, Nga, Hàn để du khách lựa chọn. Ở một số điểm đến do nhà nước quản lý, còn bố trí các bảng mã QR có chân đế, bảng mica trong khuôn viên thuận tiện cho du khách truy cập”, ông Đỗ Phước Trung cho biết thêm.
Trường THCS Văn Lương là một trong những địa điểm được gắn mã QR số hóa thông tin đầu tiên. Thầy Nguyễn Thanh Kiệt, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lương (thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) chia sẻ, tập thể nhà trường tự hào khi được ngành du lịch gắn QR đưa vào hệ thống quảng bá thông tin du lịch. “Ngoài nhiệm vụ đào tạo, thông qua du lịch giúp lan tỏa hơn nữa truyền thống vẻ vang của một di tích cách mạng, đồng thời nhắc nhở tập thể nhà trường ý thức chăm chút hình ảnh, gắn kết phát huy giá trị đóng góp cho thế mạnh kinh tế du lịch của địa phương”, thầy Nguyễn Thanh Kiệt nói.
Ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch gắn mã QR code tại Trường THCS Văn Lương. |
Hướng dẫn viên… QR
Chỉ cần một thiết bị di động thông minh quét mã QR truy cập điểm đến, du khách sẽ được cung cấp những thông tin cơ bản về vị trí, nguồn gốc, quá trình hình thành, đặc điểm, ý nghĩa… Tiện ích này giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và tham khảo được nhiều thông tin hơn so với phương thức truyền tải bằng sách báo, tờ rơi, tập gấp truyền thống, đặc biệt là đối với những du khách không có hướng dẫn viên đi cùng hoặc thích tự du lịch khám phá.
Thống kê của Sở Du lịch, trong tháng 9 và tháng 10 có hơn 8.300 lượt truy cập hệ thống mã QR trực tiếp tại vị trí gắn bảng mã QR và gián tiếp qua mạng xã hội (zalo, facebook), website Sở Du lịch (https://sodl.baria-vungtau.gov.vn/). Một số địa điểm có lượt truy cập cao như: Di tích lịch sử văn hóa An Sơn Miếu, Đức Mẹ Bãi Dâu, Công viên Tượng đài Võ Thị Sáu, Di tích lịch sử nhà lưu niệm Võ Thị Sáu, Di tích lịch sử danh thắng Chùa Núi Một, Mộ Cô, Di tích lịch sử Dinh Chúa đảo… |
Du lịch Côn Đảo cùng gia đình, chị Trần Thị Hiệp (Bắc Giang) thuê xe máy tham quan các địa danh, di tích trên đảo. Chị khá bất ngờ vì các di tích, danh thắng đều có mã QR code gắn phía trước. Chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR, ngay lập tức thông tin về công trình hiện ra gồm cả bản tóm tắt và thuyết minh đầy đủ.
“Tôi rất ấn tượng về sự thay đổi và tính chuyên nghiệp của du lịch Côn Đảo. 3 ngày lưu lại Côn Đảo, gia đình tôi tham quan gần hết hệ thống di tích trên đảo trung tâm, qua đó tìm hiểu, rộng mở thêm nhiều kiến thức hay về Côn Đảo. Tôi thấy chức năng quét mã QR truy cập thông tin điểm đến rất tiện ích”, chị Hiệp nói.
Ông Đỗ Phước Trung cho biết thêm, dự kiến đầu năm 2024, Sở Du lịch sẽ công bố vận hành chính thức giai đoạn 2 với 170 mã QR tương ứng 170 điểm đến. Hiện nay toàn bộ thông tin số hóa, mã QR đang chạy thử nghiệm trên cổng thông tin điện tử của Sở Du lịch (https://sodl.baria-vungtau.gov.vn/) để các tổ chức, cá nhân, địa phương quản lý trực tiếp điểm đến rà soát nội dung, hình ảnh…
“Danh sách điểm đến, nội dung điểm đến được số hóa sẽ có sự thay đổi tăng lên hoặc ít đi. Từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương rà soát loại bỏ những các điểm đến cũ không còn phù hợp để quảng bá du lịch. Song song đó, Sở sẽ tăng cường khảo sát, bổ sung thêm những điểm đến mới hình thành trên cơ sở chắt lọc những điểm đến thật sự hấp dẫn để tích hợp, bổ sung những câu chuyện kể thổi hồn cho điểm đến kèm hình ảnh, clip sinh động lôi cuốn người xem”, ông Đỗ Phước Trung cho hay.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu