Sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội: quản lý nghiêm để tránh hậu họa
Cháy chung cư mini: Đau lòng quá!
Số người thiệt mạng quá lớn. Xin chia buồn cùng gia đình các nạn nhân đã mất trong thảm họa cháy chung cư mini.
Bây giờ không biết phải nói gì hơn, chỉ mong các trường hợp bị thương sớm được hồi phục. Cảm ơn các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cùng những người dân đã nỗ lực cứu giúp người bị nạn.
Mong rằng ngoài việc tăng cường quản lý công tác phòng cháy chữa cháy ở các chung cư, cơ sở kinh doanh thì kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố cháy nổ sẽ được đưa vào nhà trường, công sở, doanh nghiệp và từng hộ gia đình.
Bạn đọc XƯƠNG RỒNG
Trách nhiệm địa phương khi quản lý chung cư mini
Gần 150 người ở trong đó, vậy có đăng ký tạm trú không? Công tác kiểm tra phòng chống cháy nổ có không? Giấy phép xây dựng hay chuyển đổi công năng từ nhà ở cá nhân sang nhà ở tập thể có không?
Quy định số người ở trong một diện tích có đúng không? Trả lời mà đúng hết thì chung cư mini này không thể nào hoạt động được. Còn không đúng thì trách nhiệm rất lớn thuộc chính quyền địa phương.
Bạn đọc NGUYEN VIET TRUNG
Phải có thang thoát hiểm cho chung cư
Quá đau lòng, từ sáng giờ theo dõi tin tức chỉ cầu mong con số thật thấp, vậy mà… Qua sự việc này nên chăng quy định tất cả căn hộ chung cư (cao cấp, khá, trung bình hay nhà ở xã hội, nhà giải tỏa), nhà cao tầng của tư nhân buộc phải dành diện tích xây dựng cầu thang thoát hiểm ngoài trời từ mặt đất lên đến tầng cao nhất (để giảm thiểu khói độc).
Xin đừng nghĩ đến mỹ quan tòa nhà, mà hãy nghĩ đến những phận người trong đó. Một cầu thang sắt dùng cho thoát hiểm không chiếm nhiều diện tích, mà giỏi nghề thì đảm bảo vẫn có một công trình thoát hiểm đẹp.
Bạn đọc SG
Nhiều bất thường ở chung cư mini
Bởi vậy mới nói, cấp phép xây dựng, mọi thứ có trong quy định nhưng nếu quy định cũng sai thì sao? Nhà trong hẻm bé tẹo, xe hơi không vào được, chắc là nhỏ hơn 3m, mà giấy phép cho xây 6 tầng.
Dù là diện tích lớn, 200m2 đi chăng nữa mà xây 6 tầng thì với lối xây cất cầu thang chỉ có 1m, không có lối thoát hiểm; ban công thì đa số cố ý bịt bằng khung sắt… thì 6 tầng mà xảy ra cháy như vậy thì thiệt hại cũng không ít.
Huống chi xây đến 9 tầng mà thanh tra xây dựng không ý kiến, phòng cháy chữa cháy cũng không kiểm tra sát sao. Người dân vì cuộc mưu sinh chen nhau sống trong đó trong khi kiến thức phòng cháy chữa cháy của dân còn rất thấp.
Chỉ một động thái nhỏ là mua một thang dây không bao nhiêu tiền để sẵn trong nhà như một cư dân ở đây đã làm, cũng đã cứu được 6, 7 người. Vậy nên trang bị hay tự trang bị kiến thức cứu hỏa và phòng cháy chữa cháy tối thiểu cho dân là cần thiết.
Bạn đọc DOLPHINNGUYEN
Nguy hiểm khi để xe ở hầm chung cư
Phần lớn các chung cư, nhà cao tầng ở tầng hầm là để xe máy, ô tô, các thiết bị khác, nó không khác gì quả bom xăng khổng lồ nếu không may xảy ra sự cố. Ngôi nhà giống như một cái cũi nhốt người, thoát nạn thoát hiểm không tính đến.
Mặt khác, ai, cơ quan nào đã cấp giấy phép xây dựng cho chung cư này? Các vị ngồi trong phòng lạnh để vẽ ra các tiêu chuẩn này nọ có lường được tai họa này không. Mất bò mới lo làm chuồng…
Bạn đọc TRẦN VĂN THÀNH
Buông lỏng quản lý chung cư mini
Dù muộn còn hơn không. Chung cư mini gần như không có ai quan tâm. Xây dựng thì vượt tầng. Phòng cháy chữa cháy sơ sài. Lực lượng phòng cháy chữa cháy thì hằng năm may mắn có lần đến kiểm tra, có năm không, đến làm cốc nước chè rồi về, coi như không vì không có sự thay đổi.
Không có hầm để xe, đêm đến thì có bao nhiêu cái xe đạp điện thì bấy nhiêu cái sạc pin qua đêm. Tiền dịch vụ thu đều, có điện cầu thang bộ lối thoát cháy chung cư làm biên bản yêu cầu 5 lần 7 lượt không thấy mặt chủ đầu tư đâu.
Tóm lại kể ra thì chúng ta lâu nay quá buông lỏng các chung cư mini, để hậu quả đau xót như ngày hôm nay.
Bạn đọc MINH HÙNG
Hy vọng không còn những vụ cháy đáng tiếc
Qua vụ việc cho thấy không phải là không biết, không phải là không có luật, không phải là không thấy trước nguy hiểm, cũng như không phải là không làm. Chỉ có điều là có làm nhưng chưa cương quyết, chưa đồng bộ và quyết liệt cứng rắn, để khi có chuyện xảy ra thì lúc hối cũng muộn.
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Thủ tướng đã chỉ đạo và cần làm ngay làm đúng. Cứ giao cả nhiệm vụ kèm trách nhiệm cho người đứng đầu, cơ quan đứng đầu các tỉnh thành và từ đó đến cơ quan, cá nhân người đứng đầu các địa phương, làm sai làm thiếu, làm yếu và không cần phải đợi hậu quả, cứ phát hiện sai phạm là xử lý từ kỷ luật đến truy cứu. Hy vọng từ nay sẽ không còn những vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra.
Bạn đọc H.LE
Cần hậu kiểm việc vận hành chung cư
Có hiện tượng phổ biến là ở chung cư nói chung chủ đầu tư đều thu tiền dịch vụ của các hộ dân nhưng hầu hết không công khai minh bạch các khoản chi sử dụng cho các công việc cần làm để đảm bảo vệ sinh, an ninh… và an toàn phòng cháy chữa cháy.
Do đó ở các chung cư không thuộc phân khúc cao cấp thì chủ đầu tư chủ yếu chỉ làm vệ sinh và chi cho công tác bảo vệ và bộ máy nhân sự quản lý tòa nhà ở mức độ tối thiểu, còn lại bỏ túi làm lợi nhuận của mình.
Đây cũng là một nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới sự lơ là chủ quan không bảo dưỡng thường xuyên hệ thống phòng cháy chữa cháy của chung cư, nên khi có hỏa hoạn sẽ không phát huy được tác dụng cần phải có, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn ở các chung cư.
Qua vụ việc cháy chung cư mini đau lòng này, thiết nghĩ rất mong Bộ Xây dựng và cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc các chủ đầu tư các tòa nhà chung cư hằng tháng hoặc hằng quý phải công bố công khai các hoạt động và chi phí vận hành tòa nhà từ nguồn thu phí dịch vụ và quỹ bảo trì của người dân để các hộ dân giám sát.
Ngoài ra hằng năm phải có cơ quan quản lý nhà nước hậu kiểm công tác khai thác vận hành các tòa nhà chung cư, trong đó có hoạt động kiểm tra các thiết bị phòng cháy chữa cháy có đảm bảo hoạt động tốt hay không để chấn chỉnh kịp thời. Từ đó hạn chế tối đa các vụ cháy nổ đau lòng.
Bạn đọc TRẦN VINH