Phiên chợ độc đáo giữa cánh đồng xanh mướt
4h chiều, chợ quê họp bên bờ ruộng xã An Nhứt (huyện Long Điền). Chợ nổi bật giữa cánh đồng lúa với những cối xay gió trang trí nhiều màu sắc. Ở chợ, xe được giữ miễn phí, người bán niêm yết giá thực phẩm công khai, niềm nở chào đón khách. Thực khách vừa thưởng thức ẩm thực vừa ngắm cảnh đồng quê về chiều mát rượi…
Chợ quê ẩm thực trên bờ cánh đồng lúa An Nhứt, huyện Long Điền. |
Nét đẹp chợ quê
Khi nắng chiều đã dịu, bên bờ ruộng lúa cạnh con kênh dẫn nước trong lành, nhiều thực khách đã có mặt ở chợ để thưởng thức những món ẩm thực dân dã. Chợ nằm trên con đường thăm ruộng đã được thảm nhựa, ngay tuyến Quốc lộ 55 khi vừa qua cầu An Nhứt (xã An Nhứt).
Chợ quê là “thiên đường ăn uống” với nhiều món ngon. Nét xưa của chợ quê truyền thống được tái hiện với những món bình dân như bún riêu, gỏi cuốn, các loại bánh truyền thống (bánh khọt, bánh hỏi, bánh chuối nướng, bánh tiêu, bánh mì chả cá), bắp nướng, chả giò cá… đến các món ăn ưa thích của giới trẻ là bánh tráng trộn, ốc luộc, trứng nướng, trứng cút lộn…
Tiểu thương tại đây là người dân địa phương, hàng quán là những căn chòi nhỏ đơn sơ mái lợp lá, quầy sạp làm từ tre, trúc, gỗ. Mỗi hàng quán bán các món không trùng lặp nên không cạnh tranh, giá bán công khai, người mua không cần hỏi giá. Người đến chợ dạo một lượt từ đầu đến cuối ngắm nghía rồi mới chọn món.
Em Mai Yến My (TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) cùng bạn đến chợ, sà vào gian hàng thưởng thức món trứng cút lộn. Từ trước Tết, khi chợ bắt đầu hoạt động đến nay, My và bạn đã trở thành khách quen. My chia sẻ: “Ăn món quà vặt ưa thích, nhìn ngắm đồng lúa xanh mởn giữa cánh đồng quê, cảm giác thật yên ả, thú vị”.
Chị Dương Thị Thanh Ngân (TT.Đất Đỏ) làm việc tại TT.Long Điền, giờ tan tầm về nhà cũng ghé vào chợ quê chọn vài món ăn ưa thích, hàn huyên cùng đồng nghiệp. “Đây là lần thứ hai tôi cùng bạn bè đến chợ. Các món ăn ở đây được chế biến sạch sẽ, giá bình dân. Không gian thoáng đẹp cạnh bên là kênh dẫn nước trong mát, còn bên kia là cánh đồng lúa xanh là trải nghiệm tuyệt vời”, chị Ngân nói.
“Chất quê” là một trong những lý do khiến khu chợ ẩm thực mới mở ngày càng được nhiều người yêu thích. Món ăn, hàng bán ở đây được lấy từ những nhà vườn uy tín hoặc của nhà trồng được, chế biến bảo đảm vệ sinh. Bà Nguyễn Thị Vui, 59 tuổi, bán bánh khọt bày tỏ: “Tôi thích không khí rôm rả ở chợ quê này, vừa bán vừa giao lưu với bạn hàng và khách, không như trước đây lẻ loi trên đường phố”…
Bà Nguyễn Thị Tấm, 50 tuổi, lúi húi nhóm bếp than hồng, nướng vỉ bắp dậy mùi thơm. Bà Tấm tâm sự: “Tôi là hộ khó khăn, được chính quyền cho bán bắp nướng ở chợ. Chợ khai trương từ trước Tết Nguyên đán và bà con đều bán xuyên Tết, đông vui lại có thu nhập ổn định”.
Ông Nguyễn Tường Thành, Chủ tịch UBND xã An Nhứt, huyện Long Điền thăm hòi bà con bán hàng tại chợ. |
Bản sắc riêng của chợ quê
Nói về ý tưởng hình thành chợ quê, Chủ tịch UBND xã An Nhứt Nguyễn Tường Thành cho biết, chợ này là lời giải bài toán giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho những hộ dân vừa thoát nghèo, công nhân là người địa phương bị mất việc làm ngay những ngày đầu năm 2024.
Theo ông Nguyễn Tường Thành, đầu năm 2024, một DN đóng trên địa bàn xã giải thể nên nhiều công nhân thất nghiệp. Có gia đình 3 người cùng làm công nhân tại DN này. Chính quyền xã và huyện cùng các đơn vị đã thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ và liên hệ các DN khác có tuyển dụng lao động để tiếp nhận công nhân địa phương đến làm việc nếu có nhu cầu.
“Tuy nhiên, lãnh đạo xã và huyện rất trăn trở trong việc tìm nguồn thu nhập mới cho người dân cũng như những hộ nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn. Làm cách nào vừa tạo thu nhập cho bà con, vừa thêm điểm nhấn cho đồng quê xã An Nhứt là bài toán khó”.
Cùng lúc đó, các tuyến đường nội đồng đã được huyện đầu tư xây dựng, nâng cấp thảm nhựa bê tông. Hàng ngày, ông thấy tiểu thương buôn bán món ăn ở các tuyến đường gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhớ đến hình ảnh chợ quê trong ký ức nên ông đã ấp ủ ý tưởng mở khu chợ ẩm thực này, tạo điều kiện buôn bán cho bà con.
Chợ quê đã hoạt động phiên đầu tiên vào tháng 1/2024 với 22 hộ dân tham gia, bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Họ là hộ nghèo, công nhân vừa bị mất việc làm. Người trông giữ xe miễn phí cũng là hộ vừa thoát nghèo. Chợ ngày một đông, hoạt động quy củ hơn. Người dân buôn bán có thêm thu nhập bảo đảm cuộc sống.
Anh Bạch Thanh Tuấn, một trong hai người được UBND xã bố trí và trả công trông giữ xe luân phiên tại chợ chia sẻ: “Tôi làm nhiệm vụ giữ xe từ 16-20h. Công việc không nặng nhọc, mỗi tháng có thêm 5 triệu đồng trang trải”.
Chủ tịch UBND xã An Nhứt cho biết, chợ quê hoạt động từ 16-20h vào các ngày trong tuần. Mỗi buổi chợ thu hút khoảng 600 thực khách đến thưởng thức. Thời điểm Tết Nguyên đán lên tới 1.000 lượt/khách/ngày.
Đưa chúng tôi dạo một vòng chợ quê, ông Nguyễn Tường Thành chia sẻ thêm: Bà con bán những món ăn bình dân, nguyên liệu có sẵn trong vườn hoặc cũng có khi “thu hoạch” quanh xóm làng. Ví như món gỏi đu đủ, bà con An Nhứt trồng nhiều lắm nên không phải bỏ nhiều vốn.
“Hình ảnh chợ quê rất đỗi quen thuộc với cuộc sống thường nhật của nhiều người dân nông thôn. Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay, những phiên chợ quê gần gũi ngày càng ít đi. Mô hình chợ quê này đã giúp lưu giữ giá trị văn hóa xưa, vừa là loại hình du lịch cộng đồng mang đến nhiều điều thú vị, mới mẻ; bước đầu có hiệu quả, thu hút khách gần xa…”, Chủ tịch UBND xã An Nhứt bày tỏ.
UBND xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người kinh doanh các mặt hàng ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường; thường xuyên kiểm tra, giám sát và hỗ trợ bà con. Chính quyền xã cũng yêu cầu các hộ cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn vệ sinh, trật tự và hỗ trợ lẫn nhau, trang trí quầy hàng để thu hút khách, bán không trùng món. Ai vi phạm sẽ không được tiếp tục bán hàng.
Chủ tịch UBND xã An Nhứt cho hay: “Về lâu dài, chúng tôi cũng sẽ tính tới việc kéo điện, nước riêng, cũng như những giải pháp khi mùa mưa, thời tiết xấu để duy trì hoạt động của chợ…”.
Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu