Pháp, Đức, Ba Lan lên kế hoạch thể hiện sự đoàn kết của châu Âu trên đất Mỹ
Ngoại trưởng của 3 quốc gia hàng đầu châu Âu là Pháp, Đức và Ba Lan đã lên kế hoạch cho một chuyến đi chung với nhau tới bên kia bờ Đại Tây Dương diễn ra sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, trang Politico EU đưa tin hôm 8/1, dẫn lời 3 nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU).
Ý tưởng về việc các Bộ trưởng Ngoại giao từ 3 quốc gia thành viên EU lớn cùng nhau tới thủ đô Washington, DC của Mỹ là nhằm để “thể hiện sự đoàn kết của châu Âu”, một trong 3 nhà ngoại giao nói trên cho biết.
Chuyến đi vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch và vẫn chưa có ngày cụ thể nào được đưa ra. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, sau khi được Quốc hội Mỹ xác nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử trước đó vào ngày 6/1, sẽ nhậm chức vào ngày 20/1.
Theo 2 nhà ngoại giao châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot và Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski có thể đi cùng với Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas.
Các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ mong muốn hợp tác với chính quyền Trump, nhưng cũng cảnh giác với các động thái như thuế quan thương mại hoặc lời đe dọa sáp nhập Greenland, một lãnh thổ tự trị của Vương quốc Đan Mạch, một thành viên EU và cũng đồng thời là thành viên NATO.
Phản ứng trước các bình luận mới nhất của ông Trump liên quan đến đề xuất mua Greenland của vị chính trị gia tỷ phú Mỹ này, Ngoại trưởng Pháp Barrot hôm 8/1 đã ra tuyên bố cứng rắn.
“Rõ ràng là không bao giờ có chuyện EU sẽ để các quốc gia khác trên thế giới tấn công biên giới có chủ quyền của mình, bất kể họ là ai”, ông Barrot nói với đài phát thanh France Inter. “Chúng ta là một lục địa hùng mạnh”.
Hôm 7/1, ông Trump đã từ chối loại trừ hành động quân sự hoặc kinh tế như một phần trong mong muốn công khai của ông là để Mỹ kiểm soát Greenland, cũng như Kênh đào Panama.
Bộ trưởng Barrot cho biết, ông không tin Mỹ sẽ đánh chiếm hòn đảo Bắc Cực rộng lớn vốn là một phần của Đan Mạch trong hơn 600 năm. Nhà ngoại giao Pháp cho rằng EU không nên để mình bị đe dọa hoặc quá lo lắng, mà nên thức tỉnh và mạnh mẽ hơn.
Về phía Berlin, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit hôm 8/1 cho biết, “như thường lệ, nguyên tắc cứng rắn vẫn được áp dụng… rằng biên giới không được di chuyển bằng vũ lực”, nhấn mạnh các thỏa thuận quốc tế như Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Ông Hebestreit từ chối trả lời câu hỏi liệu Berlin có coi trọng lời đe dọa của ông Trump đối với Đan Mạch hay không.
“Tôi không muốn đánh giá” những bình luận này, ông Hebestreit nói trong một cuộc họp báo thường kỳ, chỉ nói thêm rằng chính phủ Đức đã “lưu ý” đến các tuyên bố của ông Trump liên quan đến Greenland.
Minh Đức (Theo Politico EU, Asia One, DW)
Nguồn: Người đưa tin