Níu chân du khách bằng sản phẩm nông nghiệp
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Đức lần thứ VI đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2020-2025 đã mở ra nhiều triển vọng cho vùng đất giàu tiềm năng của huyện Châu Đức.
Ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh tham quan điểm trưng bày các sản phẩm OCOP tại Trung tâm VHTT-TT huyện Châu Đức. |
Điểm đến “hút”khách
Với 2.991ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, chiếm tỷ lệ khoảng 80% diện tích đất tự nhiên toàn xã; cùng với lợi thế giao thông thuận lợi, hệ thống kênh mương thủy lợi, đồi núi và sông hồ bao quanh, Suối Rao đã và đang dần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây ăn trái, nuôi cá nước ngọt.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Suối Rao, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Hướng đi này không chỉ khai thác tốt hơn hiệu quả các mô hình sản xuất mà còn thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để khai thác tốt và hiệu quả hướng phát triển này đòi hỏi cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn vốn…
Thời điểm này, các nhà vườn trồng cam, bưởi trên địa bàn xã Suối Rao đang tất bật chăm sóc để chuẩn bị thu hoạch. Với diện tích hơn 7 sào, vườn cam sành và bưởi da xanh của nông dân Nguyễn Văn Công (thôn 2) ước tính thu hoạch từ 35-40 tấn quả. Ông Công cũng đã dọn dẹp cỏ, cây tạp, chỉnh trang đường vào, tạo thông thoáng cho thương lái vào thu mua và du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Do thời tiết thuận lợi nên vụ cam năm nay của nông dân Nguyễn Văn Công (thôn 2, xã Suối Rao) cho trái đẹp, đạt chất lượng. |
“Vườn cam từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhờ chăm sóc vườn trái cây theo hướng hữu cơ, nên các điểm du lịch trên địa bàn xã như Suối Rao Ecolodge, Đất Rồng Đinh Gia Trang thường đưa khách đến đây tham quan, mua trái cây về làm quà, vừa quảng bá nông sản địa phương, vừa tăng thêm thu nhập cho nông dân”, ông Công chia sẻ.
Ngoài các vườn cây ăn trái trĩu quả, Suối Rao còn có các mô hình nuôi cá nước ngọt kết hợp trồng dừa xiêm, các trang trại rau, dưa lưới… “Màu xanh của các loại rau ăn lá, trái cây và khí hậu mát mẻ của hồ Suối Giàu nằm ven khu rừng sao cả ngàn héc ta làm tôi vô cùng thích thú. Nông nghiệp hữu cơ làm con người gần gũi với tự nhiên, sạch sẽ và an toàn hơn”, chị Trần Lệ Quyên, du khách đến từ TP.Vũng Tàu nói.
Có thể thấy, vài năm trở lại đây, không chỉ bán nông sản, các mô hình sản xuất nông nghiệp đang dần trở thành những điểm du lịch, rất được ưa chuộng ở Suối Rao. Đây là một hướng đi mới, giúp phát triển song song cả nông nghiệp và du lịch mà chính quyền địa phương đang tập trung và khuyến khích thực hiện.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Châu Đức là huyện có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch bởi nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng của các loại hình nông nghiệp, từ những vườn cây ăn quả đến các khu vực nuôi trồng thủy sản…
Với hơn 10ha diện tích ao nuôi cá chình, cá lóc bông, HTX Nông nghiệp-Thủy sản Suối Giàu (Suối Rao) là một trong những điểm thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức các món ăn đồng quê. |
Ngoài việc thành lập các tổ, hội nghề nghiệp, HTX, hỗ trợ vốn vay từ nguồn Quỹ Hội các cấp, Hội Nông dân huyện còn tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các tour du lịch nông dân; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân phát triển du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, OCOP được bày bán tại các điểm du lịch đã tạo thêm sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến Châu Đức và níu chân du khách lưu trú lâu hơn.
Theo Hội Nông dân huyện Châu Đức, hiện trên địa bàn huyện có 18 mô hình sản xuất nông nghiệp có thể xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn như: Mô hình trồng nấm ăn các loại và nấm dược liệu tại xã Xà Bang; mô hình nuôi cá chình của HTX Nông nghiệp-Thủy sàn Suối Giàu (Suối Rao); mô hình liên kết phát triển sản xuất và chế biến các sản phẩm từ hạt ca cao của Công ty TNHH TM-DV-SX Ca Cao Thành Đạt; các vườn sầu riêng trên địa bàn các xã Láng Lớn, Xà Bang… |
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, mặc dù địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch hiện nay chủ yếu với quy mô nhỏ. Muốn duy trì mô hình lâu dài thì cần nguồn vốn đầu tư, xây dựng sản phẩm từ nông nghiệp phục vụ du khách. Bên cạnh đó, để mô hình phát triển bền vững, các ngành chức năng và địa phương cần định hướng quy hoạch, có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Trong đó, chú trọng các hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ; nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách…
“Sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái không chỉ mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho nông dân mà còn là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện đại. Đây là mô hình mở ra hướng đi mới rất khả quan cho nông dân. Ngày nay nông dân không chỉ trông chờ vào vụ mùa thu hoạch, mà còn biết cách làm tăng thêm giá trị nông sản từ nhiều mô hình nông nghiệp du lịch ngay trên diện tích canh tác của mình”, ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức bày tỏ.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG – PHAN THỦY
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu