Như chưa hề có cuộc chia ly: Chờ ba hoài không được, má mất đi thân xác rồi
Tập phát sóng 173 của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly có đến hai cuộc đoàn tụ được giới thiệu đến khán giả. Điều này khiến cho niềm vui đoàn tụ những ngày giáp Tết như được nhân đôi lên.
Lời xin lỗi của cha trong Như chưa hề có cuộc chia ly
Trường hợp đầu tiên Như chưa hề có cuộc chia ly kể là câu chuyện của ông Chang Kyu Dae năm nay đã 93 tuổi.
Năm 1966 ông từ Hàn Quốc sang Việt Nam làm công việc nghiên cứu trong quân đội Đại Hàn. Tại Cần Thơ, ông gặp và yêu cô gái Việt Nam tên Lưu Say. Đến năm 1968, họ kết hôn và có với nhau hai người con, con gái Chang Mi Bong (sinh năm 1969) và con trai Chang Wi Myung (sinh năm 1971).
Trailer tập 173 Như chưa hề có cuộc chia ly
Năm 1971, do visa hết hạn nên ông Chang Kyu Dae về lại Hàn Quốc. Từ đó ông mất liên lạc với vợ con.
Cuộc đoàn tụ của ông và hai người con có công lớn từ chị Lê Ngân – tình nguyện viên từng làm việc tại Văn phòng hành chính Hàn – Việt.
Chị là người mà ông Chang Kyu Dae nhờ dịch lá thư gửi về địa chỉ Cần Thơ, Việt Nam để tìm vợ và hai con.
Chị Ngân đã gửi bức thư này thêm một địa chỉ email nữa. Đó là email của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly.
Bức thư đã được tiếp nhận xử lý. Thông tin đến nước Mỹ xa xôi, nơi có hai người con cũng đang trông ngóng về người cha người Hàn Quốc của mình.
Con gái Chang Mi Bong kể rằng khi đọc thông tin một ông cụ Hàn Quốc năm nay 93 tuổi đi tìm con. Kết hợp tên của hai chị em giống nên họ cố gắng liên lạc với chương trình hy vọng tìm được cha mình.
Khi hai cha con gặp gỡ online, họ nhìn thôi đã “giống nhau từ cái mặt đến cái mũi” (lời ông Chang Kyu Dae). Ông cũng đưa ra lời xin lỗi đến hai con vì không ở bên cạnh họ.
Chị Chang Mi Bong – con gái ông – kể với chương trình: “Hồi đó má tôi còn sống lúc nào cũng nhớ thương ba hết. Má chắc chắn ba sẽ qua Việt Nam tìm tụi chị. Chờ ba hoài không được, má mất đi thân xác rồi”.
Rồi chị nhớ lại: “Hồi nhỏ ba dạy tôi kêu ba bằng papa. Ba hay để chị lên bụng của papa nằm xuống rồi chị nhún trên bụng của ba nữa”.
Chị xúc động nói: “Cảm ơn chương trình đã tìm ba cho chị. Chị không ngờ rằng trong cuộc đời chị lại gặp lại ba.
Chị cầu chúc ba khỏe mạnh để có ngày nào đó chị và em chị đến thăm ba. Chỉ một lần thôi để được ba ôm, ba thương giống như hồi còn nhỏ vậy đó”.
Và không thể chờ lâu, hai chị em đã có chuyến máy bay đến Hàn Quốc gặp lại ba mình.
Họ đã quỳ lạy ba theo nghi thức phong tục Hàn Quốc và ôm chầm trực tiếp với ba mình, chứ không phải thông qua màn hình máy tính nữa.
Sao thằng Đoàn già vậy!
Cuộc đoàn tụ thứ hai cũng nhiều nỗi bi thương bởi câu chuyện hậu chiến tranh.
Ông Trần Đoàn và bà An là chị em ruột trong gia đình có bốn anh chị em. Cha họ là ông Trần Xuân đi lính và mẹ là Nguyễn Thị Hoa, nội trợ.
Năm 1967, ông Trần Xuân tử nạn trong chuyến bay quân sự làm 81 lính dù thiệt mạng.
Kể từ lúc đó, mẹ của họ đã làm đủ việc để kiếm tiền nuôi con. Bà vất vả đến mức lâm bệnh nặng rồi qua đời năm 1974. Từ đó, bốn anh em mồ côi đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.
Người chị tên Nguyễn Thị Hoa được cho làm con nuôi đến nay chưa tìm được.
Ông Đoàn đến tận tỉnh Quảng Trị làm con nuôi cho một gia đình không có con trai lúc chỉ mới 11 tuổi.
Cha nuôi Trương Lâm đặt tên ông là Trương Cầm. Năm sinh được khai tăng lên, không phải 1962, mà 1967 với mục đích để giảm tuổi, phòng ngày bị bắt lính.
Hòa bình tới, ông Đoàn đã hỏi về anh chị mình nhưng không có thông tin gì.
Nhưng sự thật là suốt 50 năm qua, chị Trần Thị An và anh Trần Mẫn vẫn sống gần nơi ở cũ. Sau đó, ông Trần Mẫn tới Vũng Tàu sinh sống rồi cưới vợ.
Ông Mẫn cũng đã viết thư đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly để tìm hai em của mình. Thế nhưng chưa kịp gặp em, ông mất vì bệnh.
Khi nhìn tấm hình của em Đoàn, chị An đã thốt lên: “Ủa hình như ông này có cái thẹo phải không, dưới mí mắt.
Không lẽ thằng Đoàn mà nó già dữ vậy trời. Thấy có nét giống ông anh tôi đó. Nếu là nó thì năm nay 61 tuổi rồi đó”.
Khán giả nghe đến câu nói này không khỏi cảm thán: “Xa nhau ngót nghét 50 năm rồi, chú từ cậu nhóc 11 tuổi mà nay gặp lại đã 61 rồi… Xót xa quá!”.
Ở những phút đoàn tụ, họ nhìn nhau, mặt đối mặt. Bà An hỏi ông Đoàn “có nhận ra chị không?” và người em trả lời ngay “vẫn còn nhớ lắm”.
Xa nhau đằng đẵng 50 năm nhưng khi đã là người thân thì dù gương mặt có thay đổi sau mấy chục năm họ cũng phát hiện ra được sự quen thuộc, phảng phất một chút của mẹ của cha, của anh chị em, họ hàng, dòng họ hiện diện trên gương mặt người thân ấy.
Tháng 1-2024 có 7 cuộc tìm ra.
897 đầu thông tin được xử lý.
86 hồ sơ tìm kiếm mới được lập.
Trong năm 2023, có 79 cuộc tìm ra, 50 cuộc đoàn tụ được tổ chức.
Xem bài gốc ở đây