Nhiều địa phương một điểm đến

Đó là khẳng định của đại diện 6 tỉnh, thành Đông Nam Bộ tại hội nghị sơ kết Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2023. Hội nghị do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trì tổ chức, diễn ra chiều 22/12, tại khách sạn Angsana & Dhawa Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc.

Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham quan gian trưng bày đặc sản tỉnh Tây Ninh trong khuôn khổ hội nghị.
Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tham quan gian trưng bày đặc sản tỉnh Tây Ninh trong khuôn khổ hội nghị.

Những nét son

Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 – 2025 được lãnh đạo 6 tỉnh, thành Đông Nam Bộ ký kết vào năm 2020. Các tỉnh, thành luân phiên chủ trì sơ kết thực hiện thỏa thuận theo từng năm. Năm 2023, Bà Rịa-Vũng Tàu được giao nhiệm vụ chủ trì sơ kết và Trưởng Ban điều phối vùng năm 2024.

Năm 2023, với sự đồng lòng của các tỉnh, thành, du lịch Đông Nam Bộ có nhiều khởi sắc. TP.Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm đầu mối liên kết của cả vùng, đã tổ chức nhiều sự kiện du lịch gắn kết. Hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch hiệu quả. Nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao hình thành, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng Đông Nam Bộ.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ thắt chặt vòng tay kết nối.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ thắt chặt vòng tay kết nối.

Các tỉnh thành trong vùng đã duy trì trao đổi thông tin lẫn nhau trong công tác quản lý nhà nước, đào tạo nhân lực. Thông qua hoạt động famtrip, những sản phẩm du lịch riêng lẻ ở từng địa phương được đánh thức, kết nối hình thành tour tuyến, trở thành tài nguyên du lịch cho toàn vùng khai thác.

Quảng cáo

Nhiều điểm đến mới trong vùng được du khách đón nhận như: Làng sơn mài Tương Bình Hiệp và trang trại ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bình Dương; khu du lịch sinh thái Sơn Tiên, bãi biển nhân tạo trong KDL suối Mơ – khách sạn 3 sao Bcon của tỉnh Đồng Nai; khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao Ixora Hồ Tràm, resort 5 sao Angsana & Dhawa Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu). Các tour Hồ Tràm, Tây Ninh, Vũng Tàu và Côn Đảo được nhiều khách du lịch quan tâm.

Tiếp tục gắn kết

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai thỏa thuận liên kết du lịch vùng, như: Công tác quảng bá du lịch vùng trên các kênh truyền thông của từng địa phương chưa thường xuyên; chưa có chương trình cụ thể liên kết, hỗ trợ, ưu đãi cho du khách giữa các địa phương trong vùng; chưa có chiến lược quảng bá cho toàn vùng; thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch chưa hiệu quả.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ thắt chặt vòng tay kết nối.

Một hoạt động tìm hiểu dịch vụ tại Minera Hot Springs Bình Châu nhằm thực hiện

thỏa thuận liên kết du lịch vùng, tháng 6/2023.

Với tiềm năng, lợi thế vượt trội nhất cả nước, tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành xác định nội vùng Đông Nam Bộ phải lớn mạnh vững chắc, tiến tới mở rộng ra các vùng kinh tế khác trên cả nước. Để đạt được mục tiêu trên, phải khai thác hiệu quả hơn sản phẩm đặc thù ở từng địa phương, đa dạng các loại hình du lịch, giúp DN du lịch mở rộng thị trường, tiếp tục khảo sát, hình thành, phát triển sản phẩm du lịch, hình thành và đưa các tour, tuyến du lịch trở thành bản đồ chung cho vùng.

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, cần xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch vùng trên kênh truyền thông quốc tế. Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông kết nối tạo điều kiện tốt nhất cho việc triển khai các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm liên kết thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong năm 2023, vùng Đông Nam Bộ đón và phục vụ hơn 65 triệu lượt khách, tăng 18,55% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của năm đạt 180.566 tỷ đồng, tăng 22,13%. Lượng khách chiếm 54,2% tổng số khách du lịch của cả nước, tuy nhiên doanh thu của khu vực Đông Nam Bộ chỉ chiếm 26,9% tổng doanh thu du lịch của cả nước.

Trong vai trò “anh cả” của vùng, TP.Hồ Chí Minh đề xuất cần nghiên cứu thị trường để hiểu được thị hiếu của khách nhằm xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch và xúc tiến, quảng bá điểm đến hiệu quả.

Nghi thức trao cờ luân phiên sơ kết thỏa thuận du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2024 từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho đại diện tỉnh Đồng Nai.
Nghi thức trao cờ luân phiên sơ kết thỏa thuận du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2024 từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho đại diện tỉnh Đồng Nai.

Đối với thị trường khách quốc tế, Ấn Độ, Trung Đông và Bắc Âu được xem là các thị trường mới, tiềm năng để khai thác thay thế sự sụt giảm của khách Trung Quốc. Cần tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch đối với các thị trường nguồn và trọng điểm như Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc); Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan, Malaysia…); Bắc Mỹ, châu Úc và Tây Âu (Đức, Anh, Pháp….) thông qua các hội chợ du lịch quốc tế.

“Hợp tác và liên kết là tất yếu để duy trì và mở rộng thị trường khách du lịch vùng Đông Nam Bộ. TP.Hồ Chí Minh mong nhận được sự phối hợp của các tỉnh để 6 địa phương là 1 điểm đến, gia tăng lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực”, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh nói.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan