Nhập nhằng nguồn gốc 79 căn biệt thự xây trên đất công ở Phú Quốc

 Nhập nhằng nguồn gốc 79 căn biệt thự xây trên đất công ở Phú Quốc

Đến thời điểm này, UBND TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 60 trong số 79 căn biệt thự xây trên đất công tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ.

Trong số những trường hợp vi phạm, UBND TP Phú Quốc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 trường hợp. Trong đó, cưỡng chế 16 trường hợp, chuyển cơ quan điều tra 3 trường hợp và chuẩn bị cưỡng chế thêm 11 trường hợp.

Đối với những trường hợp đã bị cưỡng chế, 2 trường hợp tòa án tuyên hủy các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế của chủ tịch UBND TP Phú Quốc.

Đường vào khu 79 căn biệt thự xây trên đất công

Lần theo hồ sơ do một số hộ dân có nhà trong khu biệt thự 79 căn vừa bị cưỡng chế cung cấp, phóng viên Báo Người Lao Động phát hiện nhiều tình tiết nhập nhằng, phức tạp về quá trình hình thành khu biệt thự này.

Đơn cử, hồ sơ liên quan căn biệt thự của ông Nguyễn Văn Lâm (SN 1960; thường trú quận Tân Phú, TP HCM) – một trong 14 trường hợp bị cưỡng chế, phá dỡ ngày 18-9 – cho thấy vợ chồng ông mua lại thửa đất này từ ông Đào Văn Quy (ở TP HCM).

Quảng cáo

Cụ thể, ngày 6-11-2019, ông Quy chuyển nhượng cho ông Lâm phần đất 1.050 m2 với giá 1,1 tỉ đồng. Sau khi mua đất, ông Lâm tiến hành xây dựng biệt thự và vào ở từ tháng 4-2020. Đến cuối tháng 9-2022, ông Lâm bị lập biên bản vi phạm về hành vi chiếm đất nông nghiệp do nhà nước quản lý.

Nhập nhằng nguồn gốc 79 căn biệt thự xây trên đất công ở Phú Quốc - Ảnh 2.

Những căn biệt thự trong khu 79 căn bị cưỡng chế, phá dỡ

Thửa đất ông Quy bán cho ông Lâm xây biệt thự nói trên nằm trong khu đất 15.000 m2, do ông Lâm Hồng Sơn (SN 1956; thường trú xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc) ủy quyền cho ông Quy vào ngày 31-10-2019, tại Phòng công chứng số 2 tỉnh Kiên Giang ở Phú Quốc, do công chứng viên Trương Thanh Danh ký tên và đóng dấu.

Đi kèm với giấy ủy quyền này còn có đơn xin xác nhận nguồn gốc đất của ông Lâm Hùng Sơn. Đơn này được cho là ông Nguyễn Văn Thao – Trưởng ấp Đường Bào – đã ký và đóng dấu xác nhận ngày 8-4-2008, với nội dung: “Ông Lâm Hùng Sơn có mua của bà Mền với ông Chung thửa đất khoảng 15.000 m2 là đúng sự thật”. Dưới dòng xác nhận có ký tên Nguyễn Văn Thao và đóng dấu vuông in chữ Ban Nhân dân ấp Đường Bào.

Sau khi xem qua tờ đơn xin xác nhận nguồn gốc đất nói trên của ông Lâm Hùng Sơn, ông Nguyễn Văn Thao – cựu Trưởng ấp Đường Bào – khẳng định với phóng viên chữ ký của ông và con dấu đều là giả mạo!

“Chữ viết, chữ ký đó không phải của tôi. Cả con dấu cũng không phải của Ban Nhân dân ấp Đường Bào thời điểm đó. Con dấu thật to hơn nhiều” – ông Thao quả quyết.

Nhập nhằng nguồn gốc 79 căn biệt thự xây trên đất công ở Phú Quốc - Ảnh 3.

Hầu hết các chủ biệt thự trong khu 79 căn đã và sắp bị cưỡng chế đều xây dựng trên phần đất đã sang tay qua rất nhiều người

Ngày 18-10, tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lâm Hùng Sơn xác nhận chữ viết và chữ ký trong tờ đơn xin xác nhận nguồn gốc đất chính là của ông. Tuy nhiên, phần xác nhận của trưởng ấp thì ông không biết.

“Năm 2007, vợ chồng tôi sang nhượng lại 32 công đất (khoảng 32.000 m2) của vợ chồng ông Chu Mạnh Chung và bà Huỳnh Thị Mền tại tổ 8, ấp Đường Bào, xã Dương Tơ. Trên đất lúc đó trồng đào và tràm bông vàng, hai bên có đất của ông Quân, ông Xàn. Trên đất của họ có cất nhà tạm để giữ đất và canh tác. Các thửa xung quanh đều đào mương phân chia ranh giới. Đường vào khu đất lúc đó đi từ phía biển lên, qua phần đất mặt tiền biển của ông Chung, bà Mền. Từ khu đất cũng có con đường mòn đi ra đường Trần Hưng Đạo. Lúc đó, đường Trần Hưng Đạo còn đất đỏ, dân cư thưa thớt. Thời điểm ấy, tôi mua với giá 3,5 triệu đồng/công. Sau khi mua đất, tôi canh tác liên tục được 1 thời gian thì bị dự án lấy mất 17 công…” – ông Sơn kể.

Theo lời ông Sơn, ông không nhớ rõ dự án tên gì, cũng không nhận thông báo di dời, không bồi thường và cũng không khiếu nại vì đất không có giấy tờ và giá trị không đáng bao nhiêu. 

“Tôi nhớ lúc đó phần đất mặt tiền biển của ông Chung, bà Mền có tiền bồi thường, còn phía trong này thì không. Tôi tìm gặp ông Chung, bà Mền nói chuyện nhưng thấy họ không mặn mà gì nên thôi. Vợ chồng ông Chung, bà Mền sau khi nhận tiền bồi thường thì đi đâu tôi cũng không rõ, nghe nói đang làm công nhân công trình đô thị gì đó” – ông Sơn nhớ lại.

Về tờ đơn xin xác nhận nguồn gốc đất, ông Sơn trình bày là ông chỉ viết chứ không gặp trưởng ấp Đường Bào nhờ xác nhận. “Sau khi bị dự án lấy một phần, tôi còn lại 15 công đất, thỏa thuận bán lại cho bà L.T.C.N. với giá 25 triệu đồng/công. Bà N. sau đó sang tay cho ai kiếm lời tôi cũng không rõ. Bà N. bảo tôi viết đơn xin xác nhận nguồn gốc đất với nội dung trên, rồi đưa cho bà N.  Còn bà N. làm gì sau đó tôi không biết” – ông Sơn phân trần.

Về việc ra công chứng ký ủy quyền phần đất trên cho ông Quy, ông Sơn khẳng định là làm theo yêu cầu của bà N. Theo ông Sơn, bà N. đang bị tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


DUY NHÂN

Xem bài gốc ở đây

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan