Nắn tuyến vành đai 4 TP.HCM: Tiết kiệm ngân sách, hàng trăm hộ dân an cư
Phương án này cũng mở ra triển vọng khai thác quỹ đất gần 590ha, tạo thêm nguồn thu. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến chuyên gia xung quanh sự điều chỉnh này.
* KTS Khương Văn Mười (nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM):
Giảm chi phí, tăng hiệu quả
Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án nắn tuyến vành đai 4 đi vào khu đất trống để tránh khu dân cư, tránh đường hiện hữu. Quy hoạch chỉ định hướng chung, khi triển khai nghiên cứu cụ thể tư vấn và Sở Giao thông vận tải đã tính toán kỹ phương án làm sao giảm ảnh hưởng nhất đến cuộc sống người dân.
Hơn nữa, theo báo cáo nghiên cứu, phương án nắn tuyến đi vào vùng đất trống giúp tiết kiệm ngân sách tới 4.000 tỉ đồng và mở ra quỹ đất rộng lớn để khai thác, đấu giá tạo nguồn thu góp phần phát triển kinh tế. Như vậy, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc nghiên cứu nắn chỉnh tuyến để giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư, có quỹ đất khai thác là rất cần thiết.
* Chuyên gia giao thông Nguyễn Ân:
Giúp an cư hàng trăm hộ dân
Ngoài giúp tiết kiệm ngân sách, còn giúp cho hơn 600 gia đình không phải di dời vì giải tỏa. Đây là một điều rất tốt cho xã hội, góp phần an cư cuộc sống của người dân. Hạn chế thấp nhất di dời nhà cũng sẽ giúp cho việc giải tỏa mặt bằng của dự án được thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng quá trình triển khai nắn tuyến cần phải thực hiện ngay việc cắm mốc, quản lý đô thị chặt chẽ. Khu vực tuyến mới là vườn cây, đất trống, nếu không quản lý chặt thì nhà cửa lại mọc lên.
Cần phải sớm tiến hành giải phóng mặt bằng, đồng thời quy hoạch quỹ đất dọc tuyến theo mô hình TOD để đấu giá theo tinh thần của nghị quyết 98. Giải pháp này giúp TP vừa có tiền vừa phát triển đô thị một cách bền vững, trật tự, tránh chuyện mạnh ai nấy xây sau này rất khó quản lý.
* Ông Nguyễn Thanh Phong (phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi):
Địa phương rất thuận lợi
Việc điều chỉnh hướng tuyến Sở Giao thông vận tải đã làm việc với địa phương và đi đến thống nhất. Địa phương hoàn toàn ủng hộ phương án điều chỉnh này. Ở góc độ địa phương sẽ rất thuận tiện trong việc thu hồi mặt bằng để bàn giao khi thi công dự án. Không đi qua khu dân cư cũng giúp cho người dân địa phương ổn định cuộc sống với nơi gắn bó lâu đời.
Hoàn thiện hồ sơ vành đai dài 200km
Vành đai 4 TP.HCM dài gần 200km đi qua năm địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ở giai đoạn 1, dự án đầu tư 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên. Đồng thời, các địa phương sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch (8 làn). Dự án sẽ thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Hiện các địa phương đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với mục tiêu sẽ khởi công năm 2024 và thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào năm 2027.
Đối với đoạn qua TP.HCM dài khoảng 17km, Sở Giao thông vận tải TP cũng nghiên cứu cả phương án đi trên cao và đi bằng. Phương án đi bằng giai đoạn 1 có mức vốn khoảng 13.893 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 7.156 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 6.736 tỉ đồng. Phương án đi trên cao giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 25.951 tỉ đồng, bao gồm chi phí xây dựng là 19.540 tỉ đồng, mặt bằng 6.411 tỉ đồng.
* Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM:
Lưu ý kết nối giao thông
Theo quy hoạch, hướng tuyến vành đai 4 TP.HCM sẽ đi trùng với các tuyến đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành, Trung Viết, Cao Thị Bèo… qua huyện Củ Chi. Nếu triển khai theo hướng tuyến này sẽ ảnh hưởng đến đời sống cư dân hai bên.
Phương án điều chỉnh hướng tuyến vành đai 4 TP.HCM tránh đường hiện hữu và nơi đông dân khi lấy ý kiến các sở ngành, đơn vị liên quan đã nhận được sự đồng thuận cao. Hướng tuyến điều chỉnh đoạn từ điểm đầu tuyến đến đoạn giao với quốc lộ 22 (phạm vi dự án nằm ngoài ranh khu quy hoạch Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2); đoạn từ vị trí cách nút giao vành đai 4 với quốc lộ 22 khoảng 1.600m đến cuối tuyến, hướng tuyến theo quy hoạch được duyệt.
Hướng tuyến điều chỉnh phần lớn đi qua đất đồng ruộng, đất trồng cây nên sẽ hạn chế tối đa qua các tuyến đường hiện hữu, các khu dân cư hiện hữu. Vì vậy, khối lượng giải phóng mặt bằng và chi phí bồi thường thấp, rút ngắn thời gian thực hiện đầu tư. Với phương án điều chỉnh hướng tuyến, chỉ khoảng 486 trường hợp di dời (theo hướng tuyến quy hoạch có khoảng 1.150 trường hợp bị ảnh hưởng).
Ngoài ra, khi điều chỉnh hướng tuyến còn tạo điều kiện để khai thác các quỹ đất tạo nguồn thu cho ngân sách (dự kiến khoảng 590ha), góp phần mở rộng và phát triển khu công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị mới dọc hai bên tuyến.
Xem bài gốc ở đây