Mức sinh thấp, nhiều gia đình sẽ áp lực vì con một
Chị N.Q.L. – 34 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận, TP.HCM – có một bé gái 7 tuổi. Thật lòng chị cũng từng muốn sinh thêm một bé nữa cho có chị có em nhưng mới nghĩ đến cảnh có thêm con thì không biết sẽ xoay xở thế nào.
Áp lực sinh con ở thành thị
Chị L. nói mới có một bé đi học mà chị đã thấy gần như không có thời gian cho bản thân. Cứ hết việc trong công ty về đến nhà lại đầy ắp việc nhà đến tận tối khuya lên giường đi ngủ. Có hai bé thì chắc chị phải làm mẹ toàn thời gian, không thể đi làm được nên vợ chồng chị quyết định dừng lại ở một con.
Những năm gần đây, TP.HCM đều “báo động” về tình trạng phụ nữ sinh ít con. Năm 2024, TP.HCM đặt chỉ tiêu duy trì tổng tỉ suất sinh ở mức 1,36 con/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với cả nước.
Theo ông Phạm Chánh Trung – chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, với mức sinh 1,32 – 1,36 con/phụ nữ hiện nay của TP nghĩa là rất nhiều gia đình tại TP.HCM chỉ sinh một con.
Tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu về những áp lực của con một. Tuy nhiên tại một số nước châu Á, con một thường kèm theo sự kỳ vọng rất lớn từ gia đình về sự thành đạt cộng thêm áp lực của thế hệ con một trong việc nuôi dưỡng và phụng dưỡng cha mẹ trong truyền thống. Đây chính là một vấn đề rất thách thức của thế hệ con một trong xã hội ngày nay.
Ông Trung cũng nhắc lại mô hình nhân khẩu học đã được các chuyên gia nhận định từ câu chuyện thế hệ con một tại Trung Quốc. Đó chính là lo ngại của các chuyên gia: Hôm nay, “mỗi gia đình chỉ sinh một con” với công thức 4-2-1 (tức một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại).
Tương lai, đối mặt với vấn đề mới “thảm họa” theo công thức ngược lại 1-2-4 (tức một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại).
“Rất có thể những đứa trẻ ngày hôm nay được chăm sóc rất kỹ lưỡng bởi sáu người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại chính bản thân và sáu người cao tuổi trong tương lai”, ông nói.
Ông Nguyễn Trung Anh, giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, cũng cho rằng với xu hướng sinh ít con hiện nay trong tương lai sẽ là gánh nặng không chỉ với mỗi gia đình mà còn là gánh nặng cho xã hội.
“Theo nghiên cứu trước đó của Bệnh viện Lão khoa trung ương, người cao tuổi có 14 năm sống chung với bệnh tật. Bởi vậy, trong tương lai nếu một người phải chăm sóc cho hai người già, hoặc bốn người già thì sẽ là gánh nặng kinh tế rất lớn. Ngoài ra già hóa dân số còn đặt thách thức lên hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân”, ông Anh nhận định.
Vì vậy thay vì khẩu hiệu “chỉ sinh một hoặc hai con”, hiện nay các chuyên gia đồng tình với việc khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Việc sinh đủ hai con sẽ góp phần cải thiện mức sinh của TP, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.
Mức sinh chung cũng xuống thấp “kỷ lục”
Không chỉ TP.HCM, theo ông Lê Thanh Dũng – cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), Việt Nam đang đối mặt với xu thế mức sinh xuống thấp. Năm 2022 mức sinh đạt 2,01 con/phụ nữ; 2023 xuống chỉ còn 1,92 con/phụ nữ (mức sinh thay thế phải đạt 2,1 con/phụ nữ), đây là mức sinh thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Trước những thách thức về mức sinh thay thế thấp, đối diện với già hóa dân số trong tương lai, Bộ Y tế đang xây dựng dự án Luật Dân số và các văn bản hướng dẫn thi hành với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12-2024 và trình Quốc hội vào tháng 10-2025.
Trong dự thảo, một trong số chính sách cơ bản được Bộ Y tế đề xuất là “duy trì mức sinh thay thế”.
Mục tiêu là xây dựng các biện pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước; quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách dân số; góp phần khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng, tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số…
Nội dung chính sách cũng quy định các biện pháp linh hoạt để có thể bù trừ mức sinh giữa khu vực có mức sinh thấp (như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long) và khu vực có mức sinh cao như Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Tây Nguyên.
Chia sẻ về công tác dân số mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong khuyến khích tăng mức sinh ở vùng mức sinh thấp và thích ứng với già hóa dân số.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Viết Tiến – nguyên thứ trưởng Bộ Y tế – cũng cho rằng mỗi người dân có thể thể hiện lòng yêu nước bằng việc duy trì nguồn lao động phát triển đất nước trong tương lai, trong đó khuyến khích mỗi gia đình sinh đủ hai con.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách khuyến khích tăng mức sinh ở TP lớn như các chính sách an sinh, hỗ trợ về giáo dục, y tế đối với các gia đình sinh đủ con. Đồng thời hỗ trợ để các gia đình trẻ có thêm điều kiện nuôi dạy con, từ đó mới có thể khuyến sinh bền vững.
Tuổi thọ người Việt gia tăng nhanh, năm 2030 mục tiêu đạt 75 tuổi
Theo Cục Dân số, tuổi thọ người Việt đã cải thiện đáng kể và tuổi thọ bình quân đạt mốc 74,5 tuổi theo thống kê mới nhất.
Theo đánh giá này, năm 1960 tuổi thọ bình quân người Việt mới ở mức 40 tuổi, trong khi thế giới là 48 tuổi, nếu tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì cần khoảng 80 năm để tuổi thọ bình quân của Việt Nam tăng lên bằng mức chung của thế giới.
Tuy nhiên đến năm 2019 tuổi thọ bình quân người Việt đạt 73,6 tuổi, trong khi thế giới là 72 tuổi, 2020 con số này là 73,7 tuổi, năm 2023 Niên giám thống kê cho biết tuổi thọ bình quân người Việt đạt 74,5 tuổi, trong đó nam là 72,1 tuổi và nữ là 77,2 tuổi. Mục tiêu đến 2030 đạt mức 75 tuổi.
Số liệu cho thấy các khu vực có tuổi thọ bình quân cao có một số yếu tố thuận lợi hơn như mức sống khá hơn, điều kiện y tế, khoa học kỹ thuật, hiểu biết của người dân về chăm sóc sức khỏe… nhỉnh hơn các khu vực còn lại.
Chỉ số tuổi thọ bình quân của nữ giới cao hơn nam giới, theo các chuyên gia, cũng thể hiện yếu tố thực hành lối sống lành mạnh, không rượu bia, thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ… thì nữ thực hiện tốt hơn nam giới.
Một trong những yếu tố quan trọng nữa để giữ gìn sức khỏe và gia tăng tuổi thọ, theo GS.TS Lê Ngọc Thành – hiệu trưởng Trường đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) và là chuyên gia về mạch máu, người dân nên chú ý lịch thăm khám sức khỏe định kỳ, trong đó chú ý theo dõi về tim mạch, huyết áp, các cơ quan nội tạng, xét nghiệm máu, với nữ giới là các chỉ số liên quan đến phụ khoa…
■ Tuổi thọ trung bình tính theo khu vực hiện nay:
Đông Nam Bộ: 76,3
Đồng bằng sông Hồng: 75,7
Đồng bằng sông Cửu Long: 75,6
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: 74,1
Trung du miền núi phía Bắc: 72,6
Tây Nguyên: 72
■ Tuổi thọ trung bình tính theo địa phương hiện nay:
TP.HCM: 76,5
Bà Rịa – Vũng Tàu: 76,4
Đồng Nai, Đà Nẵng: 76,3
Hà Nội, Long An, Tiền Giang: 76
Xem bài gốc ở đây