“Lá phổi xanh” Cần Giờ, Côn Đảo: Nơi khởi đầu cho chiến lược giao thông bền vững ở Tp.HCM

Đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, đơn vị này đang lấy ý kiến nhiều Sở ban ngành tại Tp.HCM và các đơn vị nghiệp vụ môi trường về phương án hạn chế phương tiện giao thông có mức phát thải cao.
Theo đó, với đề án “Kiểm soát lượng khí thải, phương tiện giao thông” được Sở Xây dựng Tp.HCM nghiên cứu và đề xuất một số khu vực trung tâm, khu vực Cần Giờ và Côn Đảo sẽ được chọn thí điểm khoanh vùng soát khí thải.
Hiện nay, Tp.HCM có lưu lượng phương tiện giao thông rất lớn, tập trung tại các khu vực trung tâm, khu công nghiệp dịch vụ… các phương tiện chủ yếu là xe xăng, dầu, hàng triệu chiếc xe mỗi ngày xả ra môi trường một lượng khí thải rất lớn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe về lâu dài của người dân và chính môi trường.


Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, Tp.HCM đang quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện, gồm hơn 1 triệu ô tô và khoảng 8,6 triệu xe máy. Số lượng ô tô và xe máy ngày càng tăng phản ánh xu hướng gia tăng phương tiện cá nhân tiếp tục gây áp lực lên hạ tầng giao thông và môi trường đô thị. Theo thông báo từ Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM (HIDS) – đơn vị tham gia xây dựng đề án, Cần Giờ và Côn Đảo là những địa bàn tương đối biệt lập, dễ áp dụng chính sách nên có thể thực hiện trước việc áp dụng mô hình các phương tiện không gây ô nhiễm, giao thông sạch.

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, khu vực đặc khu Côn Đảo nằm biệt lập giữa biển, trên đảo đều là những hộ dân sinh sống ở đây lâu đời. Đặc biệt, đây là nơi đón hàng nghìn lượt du khách tham quan mỗi năm. Tuy nhiên, trên đảo ngoài việc người dân sử dụng xe máy thì đã có sử dụng xe buýt điện.



Tại Côn Đảo, hệ thống giao thông bài bản, cây cối xanh tươi, không khí trong lành, nên việc lựa chọn đây là một trong những nơi thí điểm chuyển đổi mô hình giao thông xanh được đánh giá là rất hợp lý.

Côn Đảo – nơi có hệ sinh thái biển đảo phong phú, rừng nguyên sinh và các bãi biển hoang sơ, đồng thời mang giá trị lịch sử đặc biệt. Việc kiểm soát phương tiện và áp dụng mô hình giao thông phát thải thấp tại đây có thể triển khai tương đối thuận lợi, dễ theo dõi.


Trong khi đó, Cần Giờ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Tp.HCM nhờ hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng hơn 31.000 ha, đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, khu vực Cần Giờ đang được định hướng phát triển thành đô thị biển và điểm đến du lịch sinh thái.



Từ Phà Bình Khánh di chuyển đến Cần Giờ, người dân có thể cảm nhận ngay không khí vô cùng mát mẻ đi giữa Rừng Sác xanh mướt, phủ kín cả một khu vực rộng lớn. Hệ thống giao thông không quá phức tạp, 1 tuyến đường độc đạo băng qua Rừng Sác, đi qua khu dự trữ sinh quyển, đảo khỉ và sau đó tiến sâu tới trung tâm của Cần Giờ.

Nhiều năm qua, người dân Cần Giờ sống chính với nghề biển, kinh doanh dịch vụ du lịch.




Rừng Sác “khổng lồ” là nơi trú ngụ của nhiều loại động vật. Cần Giờ cũng là nơi nhiều khách du lịch tìm về tham quan, nghỉ dưỡng, tận hưởng bầu không khí trong lành.



Hiện nay, khu vực này đang được 1 tập đoàn lớn xây dựng công trình lấn biển để phát triển khu đại đô thị tầm cỡ, phát triển kinh tế khu vực, an sinh xã hội.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc khoanh vùng kiểm soát khí thải tại Tp.HCM được đánh giá là bước đi cấp bách nhằm cải thiện ô nhiễm môi trường, bởi đây là khu vực đô thị hóa cao nhất cả nước, nơi tập trung dày đặc hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ và dân cư. Mật độ phương tiện cao, tình trạng ùn tắc thường xuyên và nồng độ bụi mịn vượt chuẩn khiến khu vực này trở thành điểm nóng ô nhiễm khí thải.

Tại Cần Giờ và Côn Đảo, thách thức lớn nhất hiện nay là khả năng tài chính của người dân. Việc chuyển từ xe xăng sang xe điện đòi hỏi chi phí cao, nếu không có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, người dân có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận phương tiện mới. Việc xây dựng trạm sạc điện ở các khu vực trên được xem sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng cùng sự quyết tâm xây dựng phương tiện giao thông sạch thì đề án sẽ rất khả thi.
Phùng Sơn
Nguồn: Người đưa tin