Kỳ 2: An lạc và bao dung
NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Trên đường tới những thánh địa “Đại Hồng Phúc” còn có một điểm đến kỳ thú gắn với lịch sử Phật giáo, đó là thành Vương Xá, núi Linh Thứu. Đây là nơi Đức Phật đã truyền kinh Pháp Hoa, Trúc Lâm tịnh xá và trường Đại học Phật giáo Nalanda, nơi nhà sư Huyền Trang (nhà Đường-Trung Hoa) từng đến học và giảng dạy hơn 1.300 năm trước.
Tác giả bài viết (trái) và doanh nhân Hoàng Đức Thảo trước Tháp Đại Giác-Bồ Đề Đạo Tràng. |
Tới đất Phật càng thấy sự hùng vĩ, kỳ thú-ý nghĩa nhân gian của Đức Phật và đất nước Ấn Độ vĩ đại, sự phát triển rực rỡ của nền văn minh sông Ấn, sông Hằng. Phật giáo gắn với sự an lạc, bao dung của đời sống hiện đại hôm nay vốn rất xô bồ, tranh chấp, cuồng chiến. Đói nghèo, đại dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh và hòa bình – Theo Phật pháp, sinh tử đời người nơi cõi tạm mong manh trong gang tấc. Sau các chuyến thăm, chiêm nghiệm “Đời và đạo” tại thủ đô New Delhi; thăm thành phố Jaipur, Agra, đền Taj Maha, cung điện Gió… chúng tôi về Bồ Đề Đạo Tràng.
Các nhà sư và phật tử trên núi Khổ Hạnh. |
Từ sân bay Indira Gandhi, hơn 1 giờ bay chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Gaya. 16 giờ tới khách sạn Residency, Bodhgaya, Gaya, cách tháp Đại Giác 10 phút đi bộ. Cạnh lễ tân khách sạn là quầy bán quần áo đi lễ chùa, giá bán cao. 18 giờ, chúng tôi cùng đi bộ vào tháp Đại Giác. Đoàn người xếp hàng vào hành lễ buổi tối đông nghịt, số đông là các nhà sư vận quần áo màu nâu đỏ – sắc phục các sư chùa Ấn Độ, Tây Tạng- Trung Quốc, Myanmar. 21 giờ, tan lễ, tiếng còi vang lên, mọi người lần lượt rời khỏi tháp Đại Giác. Hai ngày sau, 25 và 26/12 từ 4 giờ sáng chúng tôi thức dậy để đi về cổng Tháp, trật tự xếp hàng vào bên trong, hành lễ chính thức diễn ra 60 phút, từ 4 giờ 30 đến 5 giờ 30 sáng.
Cung chánh điện có không gian hẹp, dòng người trật tự đi vào bên phải, cung kính dừng lại 5-7 phút đặt lễ trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rồi vòng qua lối phải đi ra ngoài. Phật tử hoặc các nhà sư từ xa đến có lễ vật gọn nhẹ lần lượt đặt dưới bệ tượng. Vòng đeo tay, tượng Phật, hoặc một số vật dụng cá nhân khác cần được “thỉnh linh”, nhà sư trụ trì hỗ trợ. Các lễ vật sau khi đặt dưới bệ đức Phật, nhà sư trụ trì lại có thể ban lộc cho người xếp hàng vào sau. May mắn, nhóm chúng tôi lần lượt được phát lộc thiêng mỗi người một chiếc áo Phật; một tấm khăn quấn thân và một tấm khăn vắt vai đức Phật.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH-CN Việt Nam, Tổng Giám đốc BUSADCO Hoàng Đức Thảo, người vừa được sắc phong Giáo sư, Tiến sĩ danh dự từ 2 trường Đại học của Hoa Kỳ rất vui: “Nhờ có duyên và tâm kính mà tại Cung chánh điện tháp Đại Giác, mọi người đã may mắn có lộc thiêng, đức Phật Thích Ca Mâu Ni ban cho!”. Hoàng Đức Thảo còn may mắn xin được giống cây bồ đề con lấy từ cây bồ đề gốc dưới chân tháp Đại Giác-Bồ Đề Đại Tràng mang về ươm trồng tại Hoàng Gia Trang Phú Mỹ, BR-VT.
***
Từ 4 giờ sáng đến 21 giờ đêm, dòng người tu hành, phật tử và du khách thập phương mang đồ lễ, hoa tươi, trái cây, khăn áo… trật tự xếp hàng dọc, khách nữ cửa bên phải, khách nam cửa bên trái. Điện thoại gửi từ quầy lễ tân bên ngoài cổng. Túi xách, ba lô hành lý gọn nhẹ đều được đưa vào máy soi chiếu kiểm tra an ninh. Tôi hỏi một sư thầy lý do cấm mang điện thoại vào tháp Đại Giác, ông vui vẻ, cởi mở:
– Sư thầy trụ trì không muốn người hành lễ sử dụng điện thoại chụp ảnh hoặc xem tin tức trên mạng, kết nối thông tin với bên ngoài, mất đi sự cung kính Đức Phật.
Bồ Đề Đạo Tràng là nơi Đức Phật đã giác ngộ dưới cây bồ đề. Cách đây hơn 2.613 năm, ngài Tất Đạt Đa Cổ Đàm, 35 tuổi. Sau một lần ra khỏi hoàng cung chứng kiến nhân gian khổ ải đã từ bỏ cuộc sống vương giả để dấn thân đi tìm con đường giác ngộ. Và Ngài đã giác ngộ dưới gốc Bồ đề, đạt thành chánh quả, trở thành đấng Thích Ca Mâu Ni, Phật giáo chính thức được khai sinh. Bodh Gaya là nơi quan trọng bậc nhất trong cuộc đời của Đức Phật; thánh địa thiêng liêng nhất trong các thánh tích Phật giáo, được sư quan tâm từ lòng thành kính đặc biệt của phật tử trên khắp thế giới. Sư cô Nguyên Châu, Ni sư Diệu Hiền, thành viên chính thức của nhóm đến từ núi Dinh, TX.Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu, lần đầu tiên hành hương về đất Phật, nhẹ nhàng như một lời tâm sự từ tấm lòng thành kính:
– Điều kỳ diệu đối với bất cứ ai được một lần dừng chân nơi Bồ Đề Đạo Tràng, hoặc lễ bái, hoặc tụng kinh, hoặc kinh hành, hoặc khởi lòng đối với Đức Phật đều có chung một cảm giác bao dung, an lạc niềm hoan hỷ dâng trào. Đó là sự gia trì của Đức Phật cho hàng đệ tử của Ngài, hay cho bất cứ những ai có một chút nghĩ tưởng đến ân đức của Phật.
Chung quanh tháp Đại Giác có 3 vòng đi bộ, vòng trong-đi qua cây bồ đề phía sau tháp, nơi đức Phật đã ngồi thiền thành đạo, vòng giữa và vòng ngoài cùng trong khuôn viên. Sau khi đã vào đứng dưới tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mọi người ra ngoài đi bộ 3 vòng, vòng trong, vòng giữa và vòng ngoài cùng mắt hướng về tòa tháp, tấm lòng thanh tịnh, nhẹ nhõm như được truyền thêm năng lượng sống. Dòng người thành kính như không ngớt cứ lần lượt đi quanh tháp. Bên ngoài khuôn viên, hàng ngàn các nhà sư và phật tử ngồi thiền đặt hoa và đọc kinh, bày tỏ sự thành kính đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Giữa năm 2002, ngôi chùa Mahabodhi-Đại Giác ngộ tự đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới-công trình tâm linh kiến trúc bằng đá. Tại vùng Bodh Gaya có nhiều chùa chiền mang dáng dấp kiến trúc của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam có chùa Phật Quốc tự của sư thầy Huyền Diệu; chùa Độ Sanh của một sư thầy người Mỹ gốc Việt; chùa Viên Giác của một sư thầy người Đức gốc Việt và có một tịnh xá Kỳ Hoàn của thầy Thích Giác Viên, đến từ Bà Rịa-Vũng Tàu; chùa của thầy Thích Nhật Từ, Viện trưởng Viện Phật học Việt Nam.
Chúng tôi dành một buổi sáng đi bộ lên núi Khổ Hạnh thăm lại nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu ép xác khổ hạnh. Vẫn là dòng người thành kính leo bộ lên núi. Người cao tuổi, bệnh tim mạch có thể thuê dịch vụ cáng lên núi, thay cho đi bộ, giá 800 rupee/người. Sau đó chúng tôi tới làng Sujata Garh, quê hương của nàng Sujata Garh-người đã cứu sống, dâng ca sữa ngọt ngào cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi Ngài xuống núi bị ngã trên sông, hậu quả của những ngày tu… ép xác khổ hạnh từ trên núi cao. Tất cả như một bộ phim truyện lôi cuốn, hấp dẫn giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp hành đạo của Đức Phật.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ, dạy cuộc sống tạm trên đời là cần sự an lạc và bao dung, không làm điều ác, không gây thù chuốc oán, không sát sinh, con người yêu thương đồng loại, cuộc sống bác ái, sống thiện lương. Đức Phật lý giải cái khổ vì sinh lão bệnh tử, khổ vì yêu mà không được ở gần nhau, ghét nhau mà cứ phải gặp nhau, mong muốn mà không đạt được. Nếu ai có thể tu tập, có thể thoát khỏi vòng luân hồi, biết đủ, sân si, đạt được trạng thái niết bàn. Phật giáo kêu gọi “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình”, là sự tự thân phấn đấu để đạt được sự giác ngộ, không phải cầu viện sự trợ giúp từ thánh thần. Phật giáo chân chính không xiển dương các hình thức cúng kiếng vật chất mê tín để cầu sự giải thoát. Cúng dường thể hiện lòng tôn kính đức Phật và chư tăng, không biến tướng, mưu lợi.
Phật giáo Việt Nam được du nhập khá sớm và thể hiện nét văn hóa đặc sắc, chiếm được vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa-tinh thần của người Việt, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phật giáo Việt Nam đạt được đỉnh cao khi phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử được sáng lập bởi Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Không gán ghép mê tín dị đoan cho Phật giáo. Mùa xuân đi vãn cảnh chùa, chiêm bái tượng Phật, dâng hương hoa cúng dường, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, trên quê hương Việt mến yêu…
PHẠM QUỐC TOÀN
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu