Khung chống rung cho camera của Việt Nam gây chú ý tại triển lãm công nghệ ở Mỹ
Triển lãm Commerical UAV 202 vừa kết thúc ngày 7-9 ở Las Vegas (Mỹ), lâu nay nổi tiếng là ngày hội để các công ty trong ngành drone của Mỹ và thế giới trưng bày các phát minh, sản phẩm, công nghệ, giải pháp mới nhất của mình.
Năm nay, triển lãm ghi nhận sự trình làng khung chống rung của nhiều đơn vị nổi tiếng. Trong đó phải kể đến hãng DJI, nhà chế tạo drone hàng đầu thế giới, được Công ty Dronenerds, nhà phân phối drone lớn ở Mỹ giới thiệu. Tuy nhiên sản phẩm này cũng chỉ mang một tải.
Sản phẩm Cameo Gimbal của Công ty TNHH Real-time Robotics (RtR) Việt Nam gây được chú ý vì có nhiều khác biệt. Trong khi tất cả gimbal hiện tại chỉ có một mắt (mang một tải), Cameo Gimbal có hai mắt (hai tải), thêm bộ não thông minh (máy tính + AI).
Cameo Gimbal là khung chống rung cho camera có tính đột phá cao, được Công ty Sony mời trưng bày cùng với cameras mới nhất ILX-LR1 dành cho drone của Sony.
Điều này càng ý nghĩa hơn khi giới chuyên môn đánh giá các phát minh mới nhất tại triển lãm năm nay thiên về tính “cải tiến”, thiếu vắng những phát minh đột phá.
RtR cũng là doanh nghiệp Việt Nam từng làm dậy sóng giới công nghệ với sản phẩm Drone Hera bởi những tính năng nổi trội so với các loại drone khác dùng trong việc trinh sát, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn…
Khung chống rung lấy cảm hứng từ mắt tắc kè
Theo thông tin thuyết minh, Công ty RtR tạo ra phát minh mới này từ cảm hứng của đôi mắt tắc kè. Tắc kè là một trong những sinh vật hiếm hoi có tầm nhìn 360 độ, nhờ vào mỗi mắt có thể cử động, xoay dọc hoặc xoay ngang, nhờ đó đạt tầm quan sát 180 độ. Hai mắt này có thể hoạt động một cách độc lập, hoặc phối hợp với mắt kia.
Tương tự như đôi mắt của tắc kè, Cameo Gimbal là gimbal duy nhất trên thế giới mang được hai tải, cho phép hai tải có thể xoay dọc, ngang, tròn 360 độ một cách độc lập, cũng như phối hợp hoạt động của hai tải này một cách tối ưu, mang lại tầm nhìn bao phủ 360 độ.
Lợi ích kinh tế của Cameo Gimbal là mang lại năng suất cao gấp đôi trong tất cả các ứng dụng: giám sát, lập bản đồ, kiểm định hạ tầng… so với năng suất của các gimbal hiện tại chỉ mang và xoay được một tải (có một mắt).
Công ty RtR gắn với tên tuổi của giám đốc điều hành Lương Việt Quốc, người được xem là “cha đẻ” của drone HERA. Cho đến nay, đây vẫn là sản phẩm drone đầy tự hào của người Việt bởi so với sản phẩm cùng kích cỡ, Hera có sức nâng gấp 4 – 7 lần các drone khác. Ngoài ra, Hera đang là drone duy nhất có thể mang bốn tải cùng lúc.
Ngay khi RtR đang giới thiệu phát minh Cameo Gimbal tại cuộc triển lãm, TS Lương Việt Quốc cũng nhận được thông báo từ công ty luật Dentons. Theo đó, bằng sáng chế (chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ (patent) của drone HERA trên toàn cầu đã được chấp thuận (số AU2022256157).
Đây là lần đầu tiên bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ về một phát minh sáng chế của Việt Nam trong một ngành hoàn toàn mới (Drone, HERA) đã được chấp thuận.
Dentons cho biết bằng sáng chế sẽ được công bố trên toàn cầu ngày 14-12-2023.