Khám phá những điểm đến đắt nhất thế giới
Hãng tin Reuters vừa công bố danh sách điểm đến đắt đỏ nhất thế giới căn cứ số liệu khảo sát Chỉ số chi phí sinh hoạt toàn cầu hàng năm của tổ chức nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU). Theo đó, Singapore và Zurich (Thụy Sỹ) đồng hạng là hai thành phố có cuộc sống tốn kém nhất thế giới trong năm 2023. Vì sao?
Một góc thành phố Zurich- Thụy Sỹ. |
Singapore
Singapore là quốc đảo có diện tích khá nhỏ, chỉ với 725,7 km2 và 5,7 triệu người. Thế nhưng GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương (PPP) của Singapore lại đạt 107.604 USD/người, đứng thứ 3 thế giới.
Trên thực tế, ưu thế lớn nhất khiến Singapore vượt trội so với những quốc gia khác thời kỳ này là vị trí địa lý. Quốc gia này nằm trên tuyến đường hàng hải thương mại quan trọng nối giữa châu Á và châu Âu. Tất nhiên, một số quốc gia khác cũng có lợi thế này, nhưng Singapore đã tận dụng được và biến thành lợi thế tuyệt đối cho nền kinh tế.
Trong khi nhiều nước cố gắng tách biệt khỏi các đế quốc thực dân thì Singapore lại giữ mối quan hệ khá chặt chẽ với Anh, kể cả sau khi quốc gia này đã giành độc lập vào năm 1965. Điều này đã giúp Singapore xây dựng nên hình ảnh một nền kinh tế mở với các nhà đầu tư cũng như tiếp cận được với những nguồn lực từ Phương Tây, đưa xuất khẩu đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ vậy, Singapore trở thành một trong 4 “con hổ” châu Á từ rất sớm.
Singapore cũng tạo ra được một tầng lớp lao động kỷ luật. Với những quy định khắt khe về quyền lao động khiến tiêu chuẩn làm việc được nâng cao, ý thức nhân viên được cải thiện và tạo nên môi trường làm việc hiệu quả.
Trong vài năm trở lại đây, Singapore luôn được xếp hạng là một trong những khu vực đắt đỏ nhất thế giới, vượt qua cả thủ đô London-Anh, thành phố New York-Mỹ. Phần lớn sự đắt đỏ này là do những lệ phí như thuế xe hơi, khiến Singapore trở thành nơi đắt nhất thế giới cho việc mua và sử dụng một chiếc ô tô. Ngoài ra, Singapore cũng là nước đắt thứ 3 thế giới về khoản mua sắm quần áo.
Mặc dù vậy, những mặt hàng dịch vụ như chăm sóc y tế cá nhân, đồ gia dụng hay nhiều dịch vụ khác tại Singapore lại rẻ hơn so với các nước láng giềng nhờ cơ sở hạ tầng tốt.
Theo CNBC, mức thu nhập bình quân hàng tháng của Singapore vào khoảng 3.270 USD/người. Tuy nhiên khoảng 20% thu nhập này được người dân dùng để tiết kiệm trong ngân hàng nhằm đối phó với những tình huống phát sinh ở quốc gia có chi phí sinh hoạt thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính điều này đã giới hạn sức tiêu dùng của người dân Singapore.
Tất nhiên, với mức thu nhập cao như trên, Singapore có đến 184.000 triệu phú đang sinh sống. Con số này khá ấn tượng với một quốc gia nhỏ bé.
Thụy Sỹ
Thụy Sỹ là một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới với GDP bình quân đầu người vượt xa nhiều cường quốc trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ hay Đức.
Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều tỷ phú giàu có trên toàn cầu. Tài sản trung bình của mỗi người trưởng thành ở nước này đạt mức 696.604 USD (khoảng 16,5 tỷ đồng). Thành phố Zurich và Geneva của Thụy Sỹ đứng vững trong số top 10 thành phố đắt đỏ nhất nhiều năm nay.
Một khu phố sầm suất tại Singapore. |
Công dân Thụy Sỹ thường ít bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng lên vì họ có xu hướng chỉ chi tiêu một phần thu nhập của mình cho các nhu yếu phẩm như thực phẩm và chỗ ở (những mặt hàng đang lên giá mạnh trong thời kỳ lạm phát) so với các loại hàng hóa dịch vụ.
Đồng Franc của Thụy Sỹ đã không ngừng tăng về giá trị trong những năm qua: Năm 2008, một Franc Thụy Sỹ có trị giá khoảng 0,6 euro thì đến nay đã lên mức 1 euro và chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh với đồng đô la của Mỹ. Đồng Franc đẩy lên giá trị cao nhất so với euro trong một năm qua, làm tăng giá hàng tạp hóa, đồ gia dụng và dịch vụ giải trí.
Danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới sau Singapore và Zurich của Thụy Sỹ, New York của Mỹ giữ vị trí thứ ba, chia sẻ với Geneva của Thụy Sỹ. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 5, trong khi Los Angeles (Mỹ) xếp thứ 6 và Paris (Pháp) ở vị trí thứ 7. Tel Aviv của Israel và Copenhagen của Đan Mạch chia sẻ vị trí thứ 8, và San Francisco (Mỹ) đứng thứ 10. Trong danh sách này, Moscow và St. Petersburg của Nga ghi nhận tụt hạng mạnh nhất, điều này phản ánh sự mất giá của đồng rúp và tác động chậm trễ của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch COVID-19. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng thành phố Damascus (Syria) vẫn là thành phố rẻ nhất thế giới, trong khi Tehran (Iran) và Tripoli (Libya) nằm gần cuối bảng xếp hạng, ở vị trí 172 và 171. Các thành phố ở Tây Âu chi trả nhiều nhất cho giải trí, vận chuyển và hàng gia dụng. |
Sự “vượt mặt” của đồng Franc cũng có nghĩa là hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Sỹ trở nên rẻ hơn, đặc biệt là từ các nước láng giềng EU, góp phần ổn định giá cả trong nước. Ngược lại, hàng năm Thụy Sỹ xuất khẩu gần 305 tỷ USD – phần lớn là hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao như đồng hồ và dược phẩm cho nên ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả so với hàng hóa sản xuất hàng loạt, có lợi nhuận thấp.
Nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ từ dự trữ vàng, trái phiếu và tài sản tài chính đã giúp cho loại tiền tệ này bảo đảm được sự ổn định trong thời kỳ biến động và được coi là “nơi trú ẩn an toàn” cho các khoản đầu tư.
Thụy Sỹ có thị trường điện độc quyền được quản lý chặt chẽ bởi Nhà nước. Các hộ gia đình tư nhân không thể tự do lựa chọn nhà cung cấp điện. Ngược lại, các nhà cung cấp phải định giá theo chi phí phát điện đã được quy định.
Không chỉ giá điện mà giá của các hàng hóa và dịch vụ khác cũng vậy. Trong số những sản phẩm được sử dụng để tính toán tỷ lệ lạm phát (bao gồm thực phẩm, nhà ở, vận tải), gần một phần ba chịu sự điều chỉnh giá của Chính phủ – điều mà không một quốc gia nào hiện nay ở châu Âu làm được.
Do người bán thường chỉ có thể điều chỉnh giá vào những thời điểm nhất định nên giá quy định ít bị ảnh hưởng bởi những biến động ngắn hạn của thị trường. Hơn nữa, các cơ quan quản lý thường có các tiêu chí định giá không không đi theo sự phát triển của thị trường và do cũng ít bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường.
KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu