Khắc chế ùn tắc dịp cuối năm - Tin tức Vũng Tàu

Khắc chế ùn tắc dịp cuối năm

 Khắc chế ùn tắc dịp cuối năm

Càng gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ, giao thông TP HCM càng căng thẳng, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm quanh sân bay, bến xe, bến cảng.

Ở đâu cũng nóng

Ghi nhận của phóng viên khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chiều 14-1 cho thấy 2 tuyến đường Trường Sơn và Bạch Đằng ô tô, xe máy, xe ba gác… dồn ứ. Từ vòng xoay Lăng Cha Cả đến nhà ga quốc nội, phương tiện chen nhau từng m2.

Bà Nguyễn Thị Minh, 45 tuổi, ngụ quận Tân Bình, rất nóng ruột khi ngồi trên xe máy phải liên tục “bơi chân” giữ thăng bằng do di chuyển chậm. 

Bà Minh cho hay tình trạng này xảy ra thường xuyên, chỉ một đoạn ngắn từ nhà ra sân bay mà có hôm mất rất nhiều thời gian. “Xe cộ chen lấn, tiếng còi inh ỏi, khói bụi thì mịt mù. Chật chội đến người đi bộ cũng không có lối để lách” – người phụ nữ than.

Đường Hoàng Văn Thụ trong trận mưa chiều tối 14-1

Ở phía Đông, khu vực cảng Phú Hữu tình trạng ùn tắc diễn biến tương tự, những đường Nguyễn Duy Trinh, Võ Chí Công “oằn mình” chịu hàng trăm lượt container nối nhau lăn bánh. Trước cảnh dồn ứ, ông Lê Văn Hùng, một tài xế, kể rất lâu mới nhích nổi vài trăm mét, cảm giác chờ đợi trong ngột ngạt khiến tâm trạng ông khá tệ.

Người dân sống gần các khu vực trên cũng khó chịu. Khi được hỏi, họ cho biết hệ lụy của ùn tắc khiến cuộc sống, sức khỏe cũng như kinh doanh bị ảnh hưởng.

Nỗ lực “hạ nhiệt”

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), xác nhận từ đầu năm 2025 lưu lượng phương tiện tại các tuyến đường trung tâm tăng 11,4%, trong khi ùn tắc tại cửa ngõ và trung tâm lần lượt hơn 10% và 17%. Để khắc phục, một trong nhiều việc cơ quan chức năng đã làm là tăng thời gian đèn xanh phù hợp lưu lượng phương tiện.

Phương án cho phép rẽ phải khi đèn đỏ ở hàng loạt vị trí cũng được áp dụng. Tính đến ngày 14-1, 181 bộ đèn tín hiệu rẽ phải ở 78 nút giao chủ yếu khu vực trung tâm như Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai… được lắp đặt. Công tác khảo sát, lắp đặt thêm dự kiến hoàn thành trước ngày 19-1.

Hình ảnh thường ngày tại Vòng xoay Lăng Cha CảẢnh: NGỌC QUÝ

Hình ảnh thường ngày tại Vòng xoay Lăng Cha Cả.Ảnh: NGỌC QUÝ

Một động thái nữa, lực lượng CSGT được huy động trên mọi điểm nóng như sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe liên tỉnh, khu vực trung tâm. Những cảng lớn như Phú Hữu, Trường Thọ, Phước Long, Sở GTVT phối hợp phân làn theo khung giờ, đồng thời cập nhật tình hình qua VOV Giao thông và bảng điện tử để người dân lựa chọn cách di chuyển.

Bến phà Cát Lái, bến phà Bình Khánh tăng số chuyến lên 240 và 180 chuyến đôi/ngày trong khi phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu tăng lên 35-50 chuyến/ngày. Tuyến buýt đường thủy số 1 và tàu cao tốc Sài Gòn – Vũng Tàu đặt mục tiêu chuyên chở 5.000 và 1.000 khách/ngày. Trong nỗ lực giảm áp lực cho đường bộ, ga Sài Gòn, tuyến metro số 1 đã có kế hoạch.

Sở GTVT cam kết theo dõi hiệu quả hàng loạt giải pháp, đặc biệt việc lắp đèn rẽ phải, nhằm điều chỉnh kịp thời để bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn trong dịp cao điểm Tết.

Tính nhiều phương án

Áp lực giao thông tại TP Hà Nội tương tự TP HCM. Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, thông tin năm 2024, việc tổ chức, quản lý vận tải, phát triển hạ tầng, ứng dụng số… tại đơn vị dù chuyển biến tích cực nhưng giao thông vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện 16 điểm ùn tắc mới. 

Trước tình hình này, đơn vị cử thanh tra giao thông phối hợp cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông phân luồng, điều tiết.

Nói về nút giao thông Thanh Xuân (Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Xiển), theo ông Thường, đây là vị trí tắc đường thường xuyên và ảnh hưởng một số tuyến đường khác. Sở GTVT Hà Nội đã khảo sát, đưa ra nhiều phương án. Trước mắt, cuối tuần này sẽ thực hiện phương án điều chỉnh, mục tiêu là giảm tình trạng ùn tắc kéo dài như đã thực hiện với nút giao Ngã Tư Sở.

Với Vành đai 3 trên cao, theo ông Nguyễn Phi Thường, lượng xe tải, xe kinh doanh lưu thông rất lớn. Phương án giảm hoặc cấm và thực hiện vào thời gian nào, đơn vị sẽ giao cơ quan tham mưu khảo sát, lập kế hoạch cụ thể để báo cáo Sở GTVT chấp thuận thực hiện. 

Không nên quá lạm dụng

Theo kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường, giao thông TP HCM với lượng phương tiện cá nhân lớn, đặc biệt là xe máy thì nên áp dụng lắp đèn tín hiệu cho phép rẽ phải khi đèn đỏ tại một số giao lộ để giảm ùn tắc tức thời.

Tuy nhiên, ông khuyến nghị không nên lạm dụng lắp đặt ồ ạt mà chỉ chọn lọc tại vị trí phù hợp, có cảnh báo rõ ràng và nhấn mạnh tới ý thức nhường đường cho người đi bộ, tránh nguy hiểm cho nhóm này.

Ông Tường nhắc lại đây chỉ là giải pháp tạm thời. Để giải quyết bài toán lâu dài, cần phân luồng giao thông tại tuyến thường xuyên ùn tắc như Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, đồng thời tận dụng tuyến cắt ngang như Phạm Ngọc Thạch, Ngô Thời Nhiệm.

Nói về tổng thể, vị kỹ sư khẳng định phải nâng cấp hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ công trình giao thông… để tránh chuyển ùn tắc từ điểm này sang điểm khác.

Theo ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng Ban An toàn giao thông TP HCM, các đèn tín hiệu rẽ phải khi lắp có sự cân nhắc bảo đảm an toàn cho người đi bộ. Chính vì vậy, cần được đánh giá sau vận hành để tránh xung đột giao thông.


Xem bài gốc ở đây

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan