Kéo điện lưới quốc gia cho Côn Đảo, đại biểu vẫn băn khoăn sao không làm điện gió?
Theo tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư của dự án gần 4.951 tỉ đồng, trong đó vốn tự có của EVN hơn 2.423 tỉ đồng, vốn ngân sách trung ương hơn 2.526 tỉ đồng. Phương án kéo điện từ lưới điện quốc gia ra Côn Đảo sẽ bằng các tuyến đường dây.
Cần giải thích rõ ưu nhược điểm từng phương án
Thảo luận tại tổ sau đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, băn khoăn trong các tiêu chí Chính phủ đưa ra chưa đề cập tới hiệu quả đầu tư dự án điện này, như các chỉ tiêu về tỉ suất lợi nhuận/vốn đầu tư (IRR), giá điện…
“Dự án này làm vì hiệu quả hay an sinh xã hội? Đã có tính toán nào về dự án này, sau khi EVN đầu tư sẽ có nguồn thu ra sao, bao giờ hòa vốn và có lãi không?”, ông đặt vấn đề. Dự án kéo điện ra Côn Đảo sử dụng nguồn ngân sách và vốn tự có của EVN, nên cần đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Ông Hùng cũng cho rằng Chính phủ chưa giải thích rõ vì sao lại chọn phương án kéo điện lưới ra Côn Đảo, thay vì phát triển điện gió ngoài khơi, điện sinh khối tại đây.
“Cần đánh giá sâu hơn ưu nhược điểm từng phương án, lý giải vì sao chọn phương án kéo điện lưới để Quốc hội xem xét. Chính phủ cũng cần bổ sung trách nhiệm giám sát của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để ngân sách được sử dụng hiệu quả” – ông Hùng nêu vấn đề.
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trường Giang, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng theo dự thảo, không rõ nguồn sử dụng là 2.526 tỉ đồng cho dự án này là nguồn ở đâu?
Qua rà soát, ông cho rằng nguồn này bản chất là nguồn theo Nghị quyết 93 của Quốc hội.
“Như vậy, phải rất rõ ở đây nguồn nào, bởi vì đây là nguồn dự phòng chung chứ không phải nguồn dự phòng trong tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn” – đại biểu Giang lưu ý.
Ông cũng băn khoăn dự thảo nghị quyết mà Chính phủ trình Quốc hội không rõ chủ đầu tư là cơ quan nào. Theo quy định, nếu Quốc hội không quyết định chủ đầu tư thì chủ đầu tư sẽ phải là Ủy ban Quản lý vốn, do EVN trực thuộc cơ quan này.
Do đó nghị quyết của Quốc hội, ngoài việc giao số vốn này cho EVN, cần nêu rõ EVN là chủ đầu tư dự án này.
Hướng Côn Đảo phát triển kinh tế xanh
Bởi dự án kéo điện lưới quốc gia ra đảo sẽ có hạ tầng nối với đất liền ra đảo, xây dựng đường cáp ngầm trên biển, nên cần tính toán kỹ lưỡng, bố trí vốn sát hợp. “Cần đánh giá thấu đáo và khảo sát thực tế, nhiều đơn vị nhà nước, cơ quan chủ trì và độc lập, từ đó quyết định tổng mức đầu tư cho rõ” – ông Nguyễn Minh Đức, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội lưu ý.
Đại biểu Tô Ái Vang, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, cho rằng việc cấp điện bằng lưới điện quốc gia sẽ giúp đảm bảo mục tiêu cấp điện an toàn, lâu dài và đảm bảo môi trường sinh thái, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Tuy nhiên, bà lưu ý quá trình triển khai dự án cần lưu ý tới luồng hàng hải, quy hoạch cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng), đảm bảo đánh giá tác động môi trường và có chính sách phát triển Côn Đảo theo hướng kinh tế xanh.
Giải trình các ý kiến, ông Lê Quang Mạnh – chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội – cho hay dự án cấp điện cho Côn Đảo trước đây đã được giao nhiệm vụ để chuẩn bị đầu tư và dự kiến nguồn. Do không chuẩn bị kịp thủ tục nên phải thu lại nguồn này, đưa vào dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Khẳng định sẽ lưu ý đến ý kiến của đại biểu khi hoàn thiện dự thảo nghị quyết, nhằm phát triển Côn Đảo theo hướng kinh tế xanh đảm bảo bền vững, ông Mạnh nói dự án đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, các phương án đã được so sánh, đánh giá thận trọng.
“Chính phủ đã quyết định lựa chọn trên cơ sở tham khảo các nhà khoa học cũng như phân tích đầy đủ lợi, hại của từng phương án. Đến nay, chúng ta cơ bản có căn cứ để xem xét, bố trí nguồn này” – ông Mạnh nói.
Xem bài gốc ở đây