Hình thành 8 khu vực động lực phát triển du lịch
Ngày 13/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 509/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hình thành 8 khu vực động lực phát triển du lịch, đến năm 2030, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh là một trong những nội dung chính của quy hoạch này.
Quy hoạch phát triển không gian du lịch Việt Nam gồm 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.
Cụ thể, xây dựng và hình thành 8 khu vực động lực phát triển du lịch để tập trung nguồn lực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, lan tỏa, thúc đẩy những lợi ích và giá trị của du lịch.
Đến 2030, tập trung hình thành 6 khu vực động lực gồm: Khu vực động lực phát triển du lịch Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Ninh Bình thúc đẩy phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng, rộng hơn là cả khu vực miền Bắc, gắn kết đa dạng và bổ trợ lẫn nhau về sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử với du lịch biển, di sản thế giới.
Khu vực động lực phát triển du lịch Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh: Tạo sự hỗ trợ theo hướng kết hợp đa dạng sản phẩm du lịch gắn với sinh thái, di sản thế giới, văn hóa lịch sử, tín ngưỡng với du lịch biển, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng gắn với các dân tộc thiểu số vùng núi.
Khu vực động lực phát triển du lịch Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam: Thúc đẩy phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; kết nối các di sản thế giới trong nước với quốc tế, gắn kết các sản phẩm du lịch văn hóa với du lịch đô thị và nghỉ dưỡng biển.
Khu vực động lực phát triển du lịch Khánh Hòa – Lâm Đồng – Ninh Thuận – Bình Thuận: Thúc đẩy phát triển du lịch trên cơ sở tăng cường liên kết giữa vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với vùng Tây Nguyên; đa dạng hóa sản phẩm trên cơ sở kết nối giữa du lịch nghỉ dưỡng núi với nghỉ dưỡng biển, văn hoá vùng đồng bằng với không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.
Khu vực động lực phát triển du lịch TP.Hồ Chí Minh – Bà Rịa-Vũng Tàu: Thúc đẩy phát triển du lịch toàn bộ vùng Đông Nam Bộ, gắn kết phát triển du lịch với hành lang kinh tế phía Nam.
Khu vực động lực phát triển du lịch Cần Thơ – Kiên Giang – Cà Mau: Thúc đẩy phát triển du lịch toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gắn kết phát triển du lịch với hành lang kinh tế ven biển thuộc hành lang kinh tế phía Nam.
Giai đoạn sau 2030, hình thành 2 khu vực động lực gồm:
Khu vực động lực phát triển du lịch Lào Cai – Hà Giang: Thúc đẩy phát triển du lịch toàn bộ vùng Trung du và miền núi phía Bắc kết nối với thị trường khách du lịch ở Vân Nam (Trung Quốc) và gắn kết phát triển du lịch theo hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng;
Khu vực động lực phát triển du lịch Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên: Thúc đẩy phát triển du lịch cho khu vực tiểu vùng Tây Bắc thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, gắn kết phát triển du lịch theo hành lang kinh tế Đông Tây theo Quốc lộ 6.
XUÂN SANG
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu