Hãng giảm tàu bay, khách lo chậm, hủy chuyến
Không chỉ bức xúc về chuyện hoãn, hủy chuyến hay giá vé, nhiều hành khách và công ty du lịch cũng bày tỏ lo lắng về lịch bay Tết sắp tới, nguy cơ bị chậm, hủy chuyến khi dự báo nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tiếp tục tăng trong khi nhiều hãng bay thu hẹp đội bay, giảm tần suất.
Khách bay khổ với chậm, hủy chuyến
Không chỉ giảm số lượng máy bay, các hãng bay Bamboo Airways và Vietravel Airlines cũng cắt giảm nhiều đường bay khiến lịch khai thác bị xáo trộn. Nhiều hành khách bức xúc cho biết đã bị ảnh hưởng khi các hãng bay chậm, hủy chuyến liên tục, không chỉ với bay trong nước mà cả quốc tế. Có chuyến bị hủy, chờ vài tuần mới hoàn tiền.
Chẳng hạn, nhiều khách hàng phản ảnh Vietravel Airlines liên tục để xảy ra tình trạng delay từ sáng tới chiều, từ ngày này sang ngày khác. Mới nhất, chuyến bay VU780 TP.HCM – Hà Nội ngày 21-10, giờ khai thác ban đầu 17h45 nhưng đã bị delay sang rạng sáng ngày 22-10! Khách bị ảnh hưởng lịch khai thác gọi điện đến hãng khó gặp được nhân viên hỗ trợ.
Từng ồ ạt mở rộng đường bay trong nước và quốc tế nhưng từ sáu máy bay, đến nay Vietravel Airlines thu hẹp chỉ còn ba máy bay, nên hoạt động khai thác cũng bị đảo lộn. Trong khi đó, Bamboo Airways đang cắt giảm hàng loạt chuyến bay từ nội địa đến quốc tế khiến khách hàng đã mua vé của hãng chới với.
Khảo sát trên hệ thống website của hãng này về chặng bay Hà Nội – Frankfurt trong tháng 11, khách không tìm thấy chuyến bay. Theo ghi nhận của chúng tôi, kể từ 4-11, Bamboo Airways dừng khai thác từ Việt Nam đi Úc, Đức. Khách đã mua vé bất ngờ nhận được thông báo hủy chuyến, hãng đưa ra phương án đổi lịch bay sớm cuối tháng 10 hoặc hoàn tiền. Nhưng chờ hãng hoàn tiền ít nhất vài tuần, còn mua vé hãng khác lại đắt gấp đôi.
Các chuyến bay nội địa của hãng này cũng cắt giảm mạnh tần suất kể từ ngày 28-10. Chẳng hạn, chặng Hà Nội – Côn Đảo từ 3 chuyến xuống 1-2 chuyến/ngày, Hà Nội – Hải Phòng và TP.HCM – Hải Phòng từ 2-3 chuyến xuống 1 chuyến/ngày. Đường bay Hà Nội – TP.HCM từ 9 – 11 chuyến xuống còn 7-9 chuyến/ngày…
Cần một “nhạc trưởng” cho mùa bay Tết
Sau cú đại gia Trịnh Văn Quyết vướng vào vòng lao lý, Hãng Bamboo Airways đã được tái cơ cấu nhưng tình hình vẫn chưa khả quan. Theo công bố tại báo cáo tài chính năm 2022, Bamboo Airways lỗ khoảng 17.600 tỉ đồng – một con số chưa từng có đối với hãng hàng không này. Trong khi đó, những khoản nợ với nhà cung cấp như xăng dầu, dịch vụ mặt đất, sân bay… đang rất trầm trọng, có khả năng bị dừng cung cấp dịch vụ.
Từ 30 máy bay, hãng này giảm còn 17 chiếc và khả năng còn giảm nữa trong giai đoạn sắp tới. Kể từ tháng 11-2023, hãng hàng không này đã ngừng cung cấp hoàn toàn các chuyến bay đường dài, bao gồm các chuyến bay đến Frankfurt (FRA), London (LGW), Melbourne (MEL) và Sydney (SYD); hãng hàng không đã đột ngột cắt tuyến London vào giữa tháng 10 và các tuyến khác có vẻ như sẽ kết thúc trong những ngày tới.
Với số lượng máy bay và chuyến bay giảm mạnh, giá vé máy bay được các hãng bay neo cao, giá vé máy bay mùa thấp điểm cũng ngang với giá vé mùa cao điểm. Thậm chí, giá vé khứ hồi nội địa cao hơn giá tour trọn gói đến các nước trong khu vực, khiến doanh nghiệp du lịch lo vắng khách và khách Việt “quay xe”, đổ ra nước ngoài du lịch.
Các hãng bay đã mở bán vé Tết sớm nhưng giá vé ở nhiều đường bay bị đẩy lên khá cao, thậm chí tăng hơn gấp đôi so với ngày thường. Chẳng hạn, giá vé của đường bay TP.HCM – Hà Nội vào dịp Tết lên hơn 3 triệu đồng/vé, gấp đôi giá vé ngày thường, thậm chí có thời điểm giá vé bay hạng phổ thông lên tới 5-6 triệu đồng/vé khứ hồi.
Theo một chuyên gia ngành hàng không, để hạn chế khả năng các hãng bay nâng giá vé vô tội vạ với lý do chỉ chở khách một chiều vào mùa cao điểm Tết, Cục Hàng không Việt Nam cần dự đoán tổng lượng khách để lên kế hoạch từ sớm. Chẳng hạn, yêu cầu các hãng tăng cường chuyến ngay để có lượng cung đầy đủ, bù chi phí bán lệch đầu cho ngành hàng không.
“Ngoài nỗ lực của hãng, vai trò “cầm cân nảy mực” điều tiết của Cục Hàng không Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Điều tiết máy bay khai thác, kiểm tra, giám sát tình trạng hãng bay nhìn nhau tăng giá ảnh hưởng đến sức mua của người dân” – vị này nói và cho rằng nếu có phương án sớm về vận tải hành khách mùa cao điểm, ngành hàng không sẽ tạo môi trường lành mạnh, hành khách không phải mua vé giá quá cao.
Thống kê từ tháng 7-2023 đến tháng 9-2023 của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy tần suất khai thác của các hãng đang sụt giảm khá mạnh.
Cụ thể, trong tháng 7-2023, các hãng bay Việt Nam thực hiện tổng cộng 28.260 chuyến bay, đến tháng 9 còn 21.204 chuyến. Hãng bay giảm tần suất bay nhiều nhất theo thứ tự gồm Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Vietnam Airlines và Vietjet…
Xem bài gốc ở đây