Giữ vị thế cho cà phê Việt (*): Đua nhau xây nhà máy chế biến - Tin tức Vũng Tàu

Giữ vị thế cho cà phê Việt (*): Đua nhau xây nhà máy chế biến

 Giữ vị thế cho cà phê Việt (*): Đua nhau xây nhà máy chế biến

Điểm sáng của ngành cà phê gần đây không chỉ là giá tăng mà còn là tỉ lệ cà phê chế biến (rang xay, hòa tan…) xuất khẩu cũng tăng. Từ đầu năm 2025 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp (DN) công bố đầu tư xây mới nhà máy hoặc nâng cấp công suất hiện tại trước nhu cầu cà phê chế biến tăng vọt.

Xuất khẩu tăng vọt, phải tăng công suất

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), trong niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam đạt gần 90.000 tấn, trị giá 511 triệu USD. Khối lượng này chiếm 5,4% tổng lượng xuất khẩu (chưa quy đổi về cà phê nhân) nhưng giá trị chiếm 12,5%. Sang niên vụ 2023-2024, sản lượng xuất khẩu cà phê chế biến tăng mạnh 42%, lên hơn 127.500 tấn – chiếm 8,8% tổng lượng xuất khẩu, trong khi giá trị đóng góp gần 18%.

Theo báo cáo của Công ty CP Tập đoàn Intimex, năm 2024, công ty xuất khẩu đến 2.237 tấn cà phê hòa tan, tăng đến 142% so với năm 2023. Do nhà máy hiện hữu đã chạy hết công suất, năm 2025, Intimex tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy chế biến cà phê hòa tan với chi phí 435 tỉ đồng.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex, lý giải việc giá cà phê tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy của Việt Nam, bởi ở ngay vùng nguyên liệu nên có lợi thế về giá và các nhà mua hàng trên thế giới cởi mở hơn với các thương hiệu mới.

Nestlé – tập đoàn thực phẩm đến từ Thụy Sĩ, có mặt tại Việt Nam 30 năm – cũng vừa công bố khoản đầu tư gần 1.900 tỉ đồng vào việc mở rộng nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai). Đây là một trong những nhà máy chế biến cà phê hiện đại nhất của Nestlé trên toàn cầu. Các sản phẩm chính được sản xuất tại đây như: viên nén cà phê, cà phê hòa tan, cà phê cao cấp, hạt cà phê khử caffeine…

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại – Truyền thông Nestlé Việt Nam, cho biết với nguồn vốn mới này, tổng đầu tư cho riêng nhà máy Nestlé Trị An trong giai đoạn 2024-2025 là hơn 4.300 tỉ đồng. Qua đó, nâng tổng vốn đầu tư của Nestlé tại Việt Nam lên gần 20.200 tỉ đồng.

“Việc mở rộng đầu tư cho nhà máy Nestlé Trị An là một trong những chiến lược của Nestlé nhằm tăng cường năng lực, công nghệ chế biến và công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với sản phẩm cà phê. Việc này được kỳ vọng tiếp tục đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng cà phê giá trị cao cho thị trường trong nước và thế giới” – ông Khuất Quang Hưng nhấn mạnh.

Vào tháng 3-2025, Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên cũng khởi công nhà máy có tổng vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk chuyên về chế biến sâu, chế biến tinh cà phê.

Gần đây nhất, Highlands Coffee – chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam – vừa chính thức khánh thành nhà máy rang xay Highlands Cái Mép tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Với tổng vốn đầu tư 500 tỉ đồng, công suất 75.000 tấn/năm, đây là một trong những nhà máy cà phê lớn nhất khu vực.

Ông David Thái, Tổng Giám đốc Highlands Coffee, cho biết: “Nhà máy này không chỉ là một khoản đầu tư hạ tầng, mà còn là minh chứng sống động cho động lực phát triển và khát vọng vươn xa của thương hiệu”.

Theo ông Thái, hiện tại, 90% hoạt động kinh doanh của Highlands Coffee vẫn tập trung tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, sản phẩm cà phê đóng gói của công ty đã có mặt tại hơn 20 quốc gia. Trong giai đoạn tới, DN định hướng mở rộng sang các nước Đông Nam Á – nơi có sự tương đồng về khẩu vị – sau đó là các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bên trong nhà máy chế biến cà phê mới và hiện đại nhất của Nestlé Việt Nam hiện nay

Không chỉ là vùng nguyên liệu

Trong khi đó, Công ty CP Phúc Sinh – DN xuất khẩu cà phê nhân tốp đầu của Việt Nam – cũng đã lấn sân sang xuất khẩu cà phê thành phẩm (rang xay, hòa tan) và rất thành công với thương hiệu cà phê Sơn La.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty, nhìn nhận 5 năm gần đây, chất lượng cà phê Việt đã nâng cao vượt bậc, được người tiêu dùng thế giới biết nhiều, đặc biệt là Robusta. Trong tương lai, với sự tham gia của nhiều DN ở mảng cà phê thành phẩm, cà phê Việt Nam sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn nữa.

Theo ông Thông, DN của ông cũng đang xúc tiến xây dựng nhà máy cà phê Phúc Sinh Đắk Nông với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỉ đồng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngay niên vụ 2025-2026. Ông kỳ vọng sẽ đưa Đắk Nông trở thành vùng cà phê ngon được cả thế giới biết đến.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu (thương hiệu Meet More), cho rằng thị trường cà phê hòa tan đang tăng trưởng với tốc độ 30%-40% mỗi năm nhờ sự tiện lợi và giá cả hợp lý. “Nhờ các nhà máy chiết xuất tinh cà phê trong nước ngày càng hiện đại, chúng tôi có thêm lựa chọn nguyên liệu và giá cả cạnh tranh hơn. Điều này giúp các thương hiệu như Meet More đẩy mạnh xuất khẩu không chỉ phục vụ người Việt mà còn tiếp cận người tiêu dùng bản địa” – ông nhìn nhận.

Meet More hiện tập trung vào các hoạt động quảng bá cà phê Việt tại thị trường quốc tế, với định hướng phát triển các dòng sản phẩm cà phê trái cây độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA, giải thích nguyên nhân khiến các DN đổ xô vào chế biến cà phê bởi nhu cầu thị trường cao, DN không đủ hàng để bán. Trước đây, các DN Việt còn yếu về vốn, công nghệ và thị trường nhưng gần đây đã thay đổi nhiều, cho thấy sự phát triển của ngành không chỉ về lượng mà còn về chất. 

Cơ hội còn rất lớn

Theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), cà phê hòa tan của Việt Nam hiện chiếm khoảng 18% thị phần cà phê nhập khẩu EU. Đây là mức tăng trưởng tích cực, song sản phẩm chủ yếu vẫn được tiêu thụ qua các siêu thị châu Á, chỉ một phần nhỏ hiện diện tại các hệ thống siêu thị lớn dành cho người tiêu dùng bản địa.

“Cơ hội tại EU còn rất lớn, đặc biệt khi cà phê Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, trong khi các đối thủ như Brazil, Indonesia vẫn chịu thuế từ 7,5% đến 11,5%” – ông Quân nhấn mạnh.

Ông Quân cho rằng Việt Nam đang có lợi thế về thuế cùng với sự hiểu biết ngày càng tăng của các nhà nhập khẩu EU đối với hàng hóa Việt. Nếu bảo đảm được chất lượng đồng đều và làm tốt khâu xây dựng thương hiệu, cà phê Việt hoàn toàn có thể mở rộng thị phần tại thị trường khó tính này.

Thực tế, một số DN Việt Nam gần đây đã cử đại diện thương mại tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến bán hàng tại chuỗi siêu thị lớn ở châu Âu. “Đây là bước đi cần thiết để tăng sự hiện diện và thúc đẩy xuất khẩu cà phê vào EU” – ông Quân đánh giá.

Tuy nhiên, ông Quân cũng lưu ý EU không phải là thị trường “giải cứu” trong lúc khó khăn mà đòi hỏi cách tiếp cận bài bản, lâu dài. Các DN cần tập trung cải tiến quy trình sản xuất, đẩy mạnh chế biến sâu và đầu tư cho thương hiệu nếu muốn đứng vững tại thị trường này.

L.Thúy

__________

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-5

Giữ vị thế cho cà phê Việt (*): Đua nhau xây nhà máy chế biến- Ảnh 2.


Xem bài gốc ở đây

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan