Giải phóng mặt bằng: Nhiều kinh nghiệm quý từ Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Hà Nội
Đường vành đai 4 với kỳ vọng tạo xung lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho các vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL và Tây Nguyên…
Dự án đường vành đai 4 TP.HCM đang khẩn trương từng ngày. Kết luận ở cuộc họp gần nhất, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao Sở GTVT phối hợp với đơn vị tư vấn để tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng vào ngày 15-11.
Vành đai 4, vành đai chiến lược
Từ hơn một năm trước, khi dự án đường vành đai 4 TP.HCM bắt đầu được nhắc đến, định hình, thảo luận về hướng tuyến, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ đã đi băng qua nhiều khu vực ở ngoại thành TP.HCM và các tỉnh miền Đông để hình dung rõ hơn về con đường chiến lược.
Nếu như dự án đường vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 tỉnh thành thì vành đai 4 TP.HCM dài 207km là tuyến vành đai ngoài cùng, bao bọc 5 tỉnh thành Đông Nam Bộ.
Con đường này kết nối với hầu hết các tuyến quốc lộ và các trục cao tốc quan trọng như TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, TP.HCM – Mộc Bài và TP.HCM – Trung Lương tạo nên một mạng lưới giao thông liên kết chặt chẽ và chiến lược giữa các khu vực trọng điểm (xem đồ họa).
Vành đai 4 TP.HCM không chỉ tăng khả năng giao thương trong khu vực mà còn đóng vai trò phân luồng từ xa, giúp đi lại từ tỉnh thành này đến tỉnh thành khác, vùng này đến vùng khác thuận lợi.
Theo tính toán của tư vấn dự án, nếu xe từ các nơi qua nội đô TP.HCM để đến vùng khác, lúc bình thường có tốc độ từ 30 – 40km/h, nếu gặp kẹt xe thì tốc độ chỉ còn 15 – 20km/h. Khi có đường vành đai 4 TP.HCM, cự ly đi lại không chỉ giảm khoảng 10 – 15km mà thời gian lưu thông cũng giảm 30 – 60 phút.
Có thể hình dung, khi có đường vành đai 4 TP.HCM, xe chở hàng hóa có thể tiếp cận từ thành phố Bến Cát (tỉnh Bình Dương) đi khoảng vài chục km nhanh chóng qua huyện Củ Chi.
Trên trục đường này, xe có thể rẽ vào cao tốc TP.HCM – Mộc Bài hoặc quốc lộ 22 để lên cửa khẩu Mộc Bài. Như vậy với quãng đường thuận tiện như trên sẽ giúp hàng hóa từ các tỉnh Tây Nguyên có thể đến cửa khẩu và sang Campuchia nhanh hơn.
Nếu không đi Mộc Bài, xe cũng có thể chạy tiếp theo trục vành đai 4 TP.HCM rẽ vào cao tốc TP.HCM – Trung Lương để về ĐBSCL hoặc tiếp tục lộ trình để đi về cuối con đường nơi đó có cảng Hiệp Phước (TP.HCM).
Hàng hóa từ Tây Nguyên đến Bình Dương cũng có thể đi một mạch về sân bay Long Thành và Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải.
Có vành đai 4 TP.HCM sẽ tạo thuận lợi cho toàn bộ hàng hóa của ĐBSCL về khu cảng Hiệp Phước (TP.HCM) một cách nhanh chóng thay vì phải đi lòng vòng qua đường Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ.
Đặc biệt, đây là con đường trung chuyển hàng hóa từ các vùng kinh tế, từ Campuchia về khu vực Hiệp Phước để vận chuyển lên tàu mẹ ở cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trước khi xuất khẩu đi nước ngoài.
Ngoài chuyện đi lại, vành đai 4 TP.HCM khi hình thành cũng góp phần mở không gian cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), khu đô thị tây bắc (Củ Chi, TP.HCM), khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) và các thành phố ở Bình Dương…
Tuyến cao tốc hình thành tạo điều kiện phát triển các khu vực nông thôn như huyện Củ Chi, Nhà Bè (TP.HCM), Bến Lức, Cần Giuộc (Long An) và các huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.
TP.HCM lĩnh xướng và chủ công
Tuyến vành đai liên vùng này thực tế chỉ đi qua địa bàn TP.HCM khoảng 20km, chiếm tỉ lệ khiêm tốn so với hơn 200km toàn tuyến.
Tuy nhiên với vai trò đầu tàu của cả vùng, TP.HCM đã đứng ra nhận nhiệm vụ làm cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TP.HCM trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo các dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập. Sau đó trình Chính phủ, để Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Đây là tuyến đường rất quan trọng, vì vậy Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trước đó đã thành lập tổ công tác chuẩn bị hồ sơ dự án. Để đảm bảo tiến độ, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ, tích cực, tập trung cao độ với tinh thần trách nhiệm cao nhất của các cơ quan, đơn vị liên quan của TP.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT TP.HCM tập trung cao độ, ưu tiên bố trí thời gian, bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao nhất tham gia xuyên suốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Bên cạnh đó, thời gian qua TP.HCM cũng đã tích cực, chủ động làm việc với các bộ ngành và các địa phương nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án.
Trong quá trình nghiên cứu triển khai dự án, TP.HCM cũng rất tâm huyết và mong muốn quá trình triển khai dự án được thuận lợi.
Đơn cử như TP.HCM đã nghiên cứu nắn tuyến vành đai 4 TP.HCM tránh các tuyến đường hiện hữu có đông dân cư đoạn qua huyện Củ Chi. Quyết định này không chỉ giúp hơn 600 hộ dân không bị di dời nhà mà tiết kiệm ngân sách khoảng 4.000 tỉ đồng.
Ngày 11-11, UBND TP.HCM cùng các địa phương và Bộ GTVT đã có cuộc họp về tình hình hoàn thiện hồ sơ dự án này.
Tại thông báo kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết vành đai 4 TP.HCM là dự án giao thông trọng điểm, có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Các địa phương cần quyết tâm phối hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo tiến độ trình chủ trương đầu tư và các cơ chế chính sách đặc thù cho dự án tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2025.
Quy mô thế nào?
Ông Trần Chí Trung – trưởng phòng kế hoạch và đầu tư (Sở GTVT TP.HCM) – cho biết ngay trong giai đoạn 1 các địa phương sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch (8 làn) nhằm tạo thuận tiện mở rộng trong tương lai.
Cũng trong giai đoạn này, các địa phương đầu tư 4 làn cao tốc, 2 làn khẩn cấp và đầu tư đường song hành dọc khu dân cư hai bên theo nhu cầu từng địa phương.
Cũng theo ông Trung, để đảm bảo tính khả thi của dự án và phù hợp với cân đối nguồn vốn, các địa phương đề xuất vốn giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng đường gom dân sinh sẽ đầu tư công, sử dụng 100% vốn ngân sách. Vốn xây dựng đường cao tốc sẽ theo hình thức đầu tư PPP.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 136.593 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước tham gia dự án khoảng 86.612 tỉ đồng, còn lại vốn huy động từ nhà đầu tư.
Trong bối cảnh hiện nay, ngân sách trung ương đang ưu tiên tập trung triển khai các dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt là dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nên các địa phương sẽ phấn đấu tự cân đối vốn ngân sách để triển khai mà không xin vốn trung ương. Theo đó, các địa phương tự cân đối:
– TP.HCM: khoảng 10.500 tỉ đồng
– Bình Dương: 10.228 tỉ đồng
– Đồng Nai: 15.158 tỉ đồng
– Bà Rịa – Vũng Tàu: 4.300 tỉ đồng
– Long An: khoảng 10.000 tỉ đồng, xin ngân sách trung ương 36.440 tỉ đồng do đoạn này dài nhất (78,3km).
– Toàn dự án, nguồn vốn tư nhân sẽ tham gia theo hình thức BOT khoảng 49.000 tỉ đồng.
Ông Lâm Đại Vinh, giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, nhận định khi tuyến vành đai 3 và vành đai 4 TP.HCM hoàn thành, các xe chở hàng đi liên tỉnh không phải đi qua khu vực tập trung đông dân cư, giảm đáng kể thời gian hành trình và chi phí vận tải, hạn chế ách tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường khu vực đô thị.
Ông Trần Chí Trung – trưởng phòng kế hoạch và đầu tư (Sở GTVT TP.HCM) – cũng chia sẻ vành đai 4 TP.HCM là dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ từ trước tới nay, được hàng triệu người dân khu vực phía Nam chờ đợi.
Con đường chiến lược không chỉ kéo giảm tình trạng kẹt xe, rút ngắn thời gian đi lại mà mở không gian phát triển cho các địa phương, mở đường kết nối ra các cụm cảng biển và sân bay quốc tế.
Việc đầu tư con đường là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm tạo cơ hội đưa cả vùng Đông Nam Bộ và các vùng lân cận phát triển kinh tế – xã hội nhanh hơn nữa.
Đông Nam Bộ chung tay
* Đường vành đai 4 TP.HCM kết nối nhiều khu công nghiệp Bình Dương
Theo UBND tỉnh Bình Dương, đường vành đai 4 TP.HCM sẽ kết nối nhiều khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ của Bình Dương như Mỹ Phước 3, 4; kết nối các khu công nghiệp mới như VSIP 3 – nơi có nhà máy hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego… Hiện một số đoạn của đường vành đai 4 TP.HCM qua các khu công nghiệp của Bình Dương đã được làm xong, đồng bộ với việc triển khai khu công nghiệp. Một số tuyến đường nối từ các khu công nghiệp tới đường vành đai 4 TP.HCM cũng được Bình Dương xây dựng.
Về việc triển khai đường vành đai 4 TP.HCM các phần còn lại, hiện Bình Dương đã phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng toàn tuyến và sẽ khởi công dự án trong thời gian tới.
* Long An đã đưa dự án vào nhóm công trình cấp bách
Dự án đường vành đai 4 TP.HCM đã được đưa vào nhóm các công trình cấp bách của địa phương. UBND tỉnh Long An đã giao Công ty cổ phần Tập đoàn Mikgroup Việt Nam tiến hành nghiên cứu, khảo sát để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo phương thức đầu tư dự án PPP.
Ông Trần Thiện Trúc – phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An – cho biết trong quy hoạch của tỉnh Long An, tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội sẽ theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế – xã hội và sáu trục động lực”. Trong đó, một trong hai hành lang kinh tế sẽ bám theo đường vành đai 3 và đường vành đai 4 TP.HCM. Hai dự án vành đai 3, vành đai 4 này cũng sẽ là một trong sáu trục động lực, kết nối tỉnh Long An với vùng Đông Nam Bộ – TP.HCM, kết nối sân bay quốc tế Long Thành – Cảng quốc tế Long An.
“Đây là dự án rất quan trọng để đưa Long An trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị – công nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, giúp kết nối chặt chẽ giữa Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ”, ông Trúc cho hay.
* Các địa phương đã làm việc về nguồn vốn
Đánh giá dự án đường vành đai 4 TP.HCM, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng đây là dự án quan trọng, góp phần thúc đẩy giao thông kết nối Đồng Nai cũng như khu vực Đông Nam Bộ. Dự án đường vành đai 4 TP.HCM qua Đồng Nai dài 45,54km. Điểm đầu tại huyện Cẩm Mỹ (giáp Bà Rịa – Vũng Tàu), điểm cuối tại cầu Thủ Biên (giáp Bình Dương).
Được biết, vào ngày 25-10 vừa qua, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và TP.HCM đã đăng ký làm việc với bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án nguồn vốn triển khai dự án.
Xem bài gốc ở đây