Gia tăng trải nghiệm cho du khách
Đây là một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại kế hoạch thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ về phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Kế hoạch số 249) vừa được Sở Du lịch triển khai.
The Grand Ho Tram liên tục bổ sung các không gian giải trí lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm. |
Kế hoạch số 249 của UBND tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024-2025 là phát triển du lịch bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác; xây dựng thương hiệu điểm đến an toàn, sạch đẹp, văn minh, thân thiện.
Trong số các nhiệm vụ và giải pháp để cụ thể hóa mục tiêu được đề cập tại Kế hoạch 249 có một nội dung rất quan trọng, hứa hẹn tạo đột phá cho du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu trong bối cảnh mới. Đó là đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh và bền vững. Phương châm là “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
Định hướng này rất quan trọng, có tác động quyết định đến việc cơ cấu lại thị trường khách, nâng cao số ngày lưu trú, doanh thu du lịch… của du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thực tế thời gian qua, ngành du lịch đã có những định hướng để nâng sức đề kháng trước các rủi ro có thể tác động đến ngành.
Từ sau dịch COVID-19, hệ thống sản phẩm du lịch của Bà Rịa-Vũng Tàu không ngừng được bổ sung thêm theo hướng cao cấp. Tất cả các sản phẩm này đều dựa vào lợi thế biển, bám theo chiều dài cung đường ven biển. Trong đó, Hồ Tràm nổi lên là địa bàn trọng điểm của du lịch tỉnh. Nhiều sản phẩm chất lượng 4-5 sao với chuỗi dịch vụ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng trọn gói của dòng khách cao cấp đã ra đời tại khu vực Hồ Tràm. Địa phương và các DN đầu tư tại Hồ Tràm và Vũng Tàu cũng tổ chức thường xuyên những sự kiện văn hóa-thể thao-ẩm thực kết hợp truyền thông quảng bá tốt trở thành đòn bẩy giúp du lịch toàn tỉnh phục hồi.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, UBND tỉnh đề ra các giải pháp: đẩy mạnh cơ cấu ngành du lịch theo hướng chất lượng bền vững; tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ DN kinh doanh du lịch; bồi dưỡng nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo và thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các giải pháp trên được phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương thực hiện, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện gửi về Sở Du lịch. |
Theo ông Trịnh Hàng, bộ sản phẩm của Bà Rịa-Vũng Tàu nổi bật cả về nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch MICE, sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao, điều dưỡng chữa lành… Tỉnh đang tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh. Nhiều chương trình đồng hành cùng DN, nhà đầu tư được thực hiện. Tỉnh cũng tập trung tái cấu trúc nguồn khách theo hướng bền vững hơn. Trong đó, cộng đồng DN, nhà đầu tư sẽ chung sức cùng tỉnh quảng bá điểm đến.
Năm 2024 và các năm tiếp theo, tỉnh chú trọng xúc tiến quảng bá đến thị trường Hàn Quốc, kế đó là Nhật Bản, châu Âu, Úc, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Đông Nam Á để thu hút phân khúc khách nghỉ dưỡng lưu trú dài ngày kết hợp chơi golf, casino, xem boxing, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Tỉnh cũng tận dụng cơ hội liên kết liên vùng, liên tỉnh, các chương trình xúc tiến du lịch nước ngoài của các bộ, ngành Trung ương để mở rộng quảng bá, kết nối đến nhiều thị trường khác.
“Hiện nay, nhiều DN, nhà đầu tư đang tiếp tục nâng cấp sản phẩm, dịch vụ và đồng hành cùng tỉnh tạo nhiều sự kiện văn hóa, giải trí, thể thao, du lịch có quy mô lớn. Tất cả đều tập trung vào mục tiêu lấy trải nghiệm của khách làm trung tâm nên chắc chắn sẽ tạo ra những bước đi vững chắc cho ngành du lịch”, ông Trịnh Hàng nói.
Bài, ảnh: KIM VINH
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu