Đưa sản phẩm OCOP đặc trưng Bà Rịa-Vũng Tàu vào du lịch
Bà Rịa – Vũng Tàu đã khẳng định là một trong những điểm đến hàng đầu của du lịch cả nước. Đây là cơ hội tốt để đưa sản phẩm OCOP gần hơn với khách du lịch, góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp và các dịch vụ tại nông thôn.
Nhà giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Trung tâm VH-TT-TT huyện Long Điền. |
Kênh xuất khẩu tại chỗ hiệu quả
Dạo một vòng quanh khu trưng bày sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu (từ ngày 17 đến 19/11) tại KDL San Hô Xanh, chị Lê Huyền Thương (du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh) dừng lại quầy trưng bày sản phẩm Baria chocolate của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Vũng Tàu. Giữa đa dạng sản vật vùng miền, điều làm chị chú ý đến sản phẩm Baria chocolate vì bao bì xinh xắn, màu sắc trang nhã, bên ngoài có gắn chữ OCOP. Chị Huyền Thương chia sẻ, các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền luôn là sự lựa chọn hàng đầu của chị mỗi khi đi du lịch. Bởi đây là những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng được kiểm định an toàn và niêm yết giá rõ ràng.
“Tôi đã tìm hiểu kỹ về giá cả, các chủng loại chocolate. Các sản phẩm chocolate ở đây rất đa dạng, nhiều mẫu mã phù hợp để làm quà tặng. Tôi cũng lấy thông tin liên lạc, dự kiến sẽ đặt làm quà biếu trong dịp Tết sắp tới”, chị Huyền Thương cho hay.
Là địa phương thu hút đông đảo du khách với con số trên 13 triệu lượt mỗi năm, hàng OCOP của Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế hơn hẳn trong xuất khẩu tại chỗ so với các địa phương khác. Để sản phẩm OCOP đến gần hơn với du khách, các chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP cũng rất chú ý xúc tiến sản phẩm tại chỗ.
Du khách nếm thử tiêu Bầu Mây. |
Năm 2020, các sản phẩm tiêu không hạt, tiêu một nắng, tiêu sữa, tiêu tươi muối, tiêu xanh muối và củ hoài sơn của HTX Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) được công nhận OCOP 4 sao. Cũng kể từ đó, trong hầu hết các hoạt động xúc tiến thương mại-du lịch của tỉnh, HTX Nông nghiệp-Thương mại- Du lịch Bầu Mây đều tham gia trưng bày sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp- Thương mại-Du lịch Bầu Mây còn đón tiếp nhiều đoàn famtrip, khách ngoại giao đến tham quan, khảo sát đánh giá điểm đến để xây dựng tour tuyến.
Ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây cho biết, thông qua các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá du lịch không chỉ giúp lan tỏa thương hiệu Bầu Mây đến người dân, du khách mà còn là kênh xuất khẩu tại chỗ hiệu quả các sản phẩm của HTX. Hiện nay, tiêu Bầu Mây đã được xuất bán ra thị trường toàn quốc và xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Dubai…
Tăng sức hấp dẫn cho điểm đến
Các sản phẩm OCOP của Bà Rịa-Vũng Tàu đều chú trọng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chứng nhận HACCP, VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bao bì, mẫu mã đa dạng. Vùng nguyên liệu đầu vào tập trung tại nông thôn. Bên cạnh đó, chủng loại sản phẩm OCOP tập trung chủ yếu ở nhóm thực phẩm, dược liệu, thức uống, hàng thủ công mỹ nghệ… nên thuận lợi đưa vào chuỗi cung ứng cho du lịch.
Thời gian qua, tại nhiều địa phương, DN trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình kết nối, khai thác thế mạnh từ chương trình OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tạo thêm điểm tham quan, trải nghiệm, mua sắm cho du khách.
Chẳng hạn, huyện Châu Đức tổ chức và duy trì hoạt động 3 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại xã Bình Ba, Suối Rao và TT.Ngãi Giao; tổ chức hội chợ nông sản kết nối cung cầu. Huyện Long Điền tổ chức Nhà giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Trung tâm VH-TT-TT huyện Long Điền (KP.Long Phượng, TT.Long Điền, huyện Long Điền).
Báo cáo của Chi cục Phát triển Nông thôn cho thấy, đến hết tháng 9/2023, Bà Rịa có 91 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, 10/45 chủ thể OCOP là HTX, tổ hợp tác và 37/47 xã xây dựng nông thôn mới có sản phẩm OCOP. Theo kế hoạch cuối năm 2023, sẽ có thêm 30 sản phẩm nữa được đánh giá phân hạng, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 121. |
Một số DN, hộ kinh doanh, cá nhân cũng hình thành mô hình đón khách tham quan, tìm hiểu quy trình trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, sản xuất sản phẩm OCOP như tiêu Bầu Mây, Binon Cacao, Bưởi da xanh Sông Xoài, cơ sở nước mắm Long Hải, sản xuất lục bình Khang Việt Tiến…
Trong chiến lược đưa sản phẩm OCOP đến gần khách du lịch hơn, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng dịch vụ và vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đưa sản phẩm OCOP vào du lịch. Đồng thời đẩy mạnh kết nối chương trình, tuyến du lịch đưa du khách đến tham quan, mua sắm tại các cửa hàng, điểm trưng bày sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Tuy nhiên, để gắn kết phát triển du lịch với các sản phẩm OCOP, góp phần định vị điểm đến, tạo nét khác biệt, thu hút du khách, đòi hỏi phải sự phối hợp đồng bộ. Mỗi chủ thể của điểm đến hay sản phẩm OCOP đều cần chú ý gìn giữ phát huy và chuyển tải các giá trị văn hóa đặc trưng trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong từng sản phẩm OCOP.
Từ góc nhìn của nhà lữ hành, bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn – Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam cho rằng, nhu cầu của du khách hiện nay không chỉ dừng ở việc tham quan, nghỉ dưỡng tại điểm đến mà còn mua sắm các sản phẩm đặc sản, quà lưu niệm. Vì vậy, các chủ thể của sản phẩm OCOP cần có những dẫn giải, thuyết minh, kể những câu chuyện văn hóa, lịch sử liên quan đến sản phẩm, tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách nói riêng, người tiêu dùng nói chung.
Bên cạnh đó, quá trình bình xét phân hạng sản phẩm tại một xã, một huyện cũng phải cân nhắc tính đặc trưng, tiêu biểu, tránh sự trùng lặp giữa sản phẩm OCOP các xã, huyện, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các điểm đến trong cùng một địa phương, như thế mới tạo nên sức hút du khách qua các thông điệp và câu chuyện truyền thông riêng biệt.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu