Du lịch quốc tế phục hồi về gần mức trước đại dịch COVID-19

 Du lịch quốc tế phục hồi về gần mức trước đại dịch COVID-19

Trước khi xung đột Israel-Hamas xảy ra, du lịch nước ngoài đã phục hồi gần mức trước đại dịch trên toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới chỉ thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo UNWTO, khoảng 700 triệu khách du lịch đã du lịch nước ngoài trong 7 tháng đầu năm nay. Con số này thể hiện mức tăng 43% so với một năm trước đó và mức độ giảm so với năm 2019 còn 16%.

Châu Âu, khu vực điểm đến lớn nhất thế giới, đã đạt 91% mức trước đại dịch, nhờ nhu cầu mạnh mẽ trong khu vực và lượng khách du lịch từ Mỹ. Khu vực châu Phi đã phục hồi 92% lượng du khách và châu Mỹ là đạt mức phục hồi 87% so với năm 2019.

Tại châu Á và Thái Bình Dương, tốc độ phục hồi đã tăng nhanh lên 61% so với năm 2019 sau khi nhiều điểm đến và thị trường nguồn mở cửa hoàn toàn từ cuối năm 2022 và đầu năm nay.

Dubai tổ chức nhiều sự kiện nhằm thu hút khách du lịch

Trung Đông tiếp tục hút khách

Quảng cáo

Số lượng khách du lịch nước ngoài đến Saudi Arabia tăng khoảng 5,8 triệu so với mức năm 2019. Trong thời gian diễn ra Hajj, cuộc hành hương của người Hồi giáo đến Mecca năm nay, quốc gia này đã tiếp nhận số lượng người hành hương lớn hơn đáng kể. Đại dịch đã khiến Saudi Arabia phải kiểm soát số lượng người hành hương từ năm 2020 đến năm 2022. Sự tăng đột biến trong thời gian diễn ra lễ Hajj đã khiến tổng lượng khách du lịch nước ngoài trong tháng 6 vượt mức năm 2019 hơn 200%.

UAE, Qatar và Jordan cũng góp phần vào sự gia tăng tổng lượng du khách quốc tế của khu vực. Các sự kiện quốc tế, bao gồm Expo 2020 Dubai, được tổ chức từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022 và Giải bóng đá thế giới 2022 tại Qatar đã thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài đến khu vực và dòng khách đến quốc gia này vẫn tăng cao.

Điều đáng chú ý là, dù sự phục hồi đã vượt mức năm 2019, các quốc gia Trung Đông vẫn nỗ lực gia tăng khách du lịch nước ngoài, nhằm đưa du lịch phát triển thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Chính phủ Saudi Arabia đặt mục tiêu tăng mức đóng góp của ngành du lịch vào tổng sản phẩm quốc nội lên 10% và tạo ra 1,6 triệu việc làm vào năm 2030 theo “Tầm nhìn Saudi 2030”, một chương trình nhằm giúp đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Vì lý do này, kể từ năm 2019, đất nước này đã nỗ lực phát triển một môi trường tạo điều kiện thu hút khách du lịch nước ngoài. Các biện pháp bao gồm việc cấp thị thực du lịch và thành lập Bộ Du lịch.

Còn tại Dubai, nơi không sản xuất dầu mỏ, đã nỗ lực xây dựng các khách sạn và hệ thống cơ sở lưu trú như một phần trong nỗ lực định vị thành một trung tâm cho du khách, hàng hóa và tiền tệ, với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của Trung Đông.

Thị phần của Trung Đông trong tổng lượng khách du lịch nước ngoài toàn cầu vẫn ở mức dưới 10%, so với 60% của châu Âu, nhưng điều này có nghĩa là vẫn còn dư địa tăng trưởng đáng kể.

Thái Lan nằm trong top thu hút khách quốc tế hàng đầu Đông Nam Á trong năm 2023.
Thái Lan nằm trong top thu hút khách quốc tế hàng đầu Đông Nam Á trong năm 2023.

Đông Nam Á duy trì sức hút với thương hiệu khách sạn cao cấp

Tỷ lệ lấp đầy khách sạn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục tăng đều đặn sau khi tất cả các thị trường trọng điểm mở cửa trở lại, công suất các chuyến bay được tăng cường và số lượng hội nghị, sự kiện trong khu vực phục hồi mạnh mẽ.

Tại những điểm đến phổ biến như Bali, Phuket và Singapore, giá phòng khách sạn trung bình hàng ngày đã cao hơn 20% so với mức trước đại dịch, chủ yếu được thúc đẩy bởi nhóm khách nghỉ dưỡng.

Thị trường khách sạn nghỉ dưỡng tại Việt Nam cũng đang phục hồi mạnh mẽ. Lotte vừa khai trương khách sạn L7 West Lake Hanoi by Lotte với 264 phòng và 192 căn hộ dịch vụ. Đây là khách sạn thứ 4 của thương hiệu L7 Hotels by Lotte và là khách sạn 5 sao đầu tiên hoạt động ở nước ngoài của L7 Hotels, sau 3 cơ sở tại Hàn Quốc.

Cũng trong quý III/2023, Fusion đã ra mắt khu nghỉ dưỡng Ixora Ho Tram by Fusion gồm 210 phòng, và Accor mở cửa khách sạn Novotel Living South Saigon gồm 175 phòng. Khu nghỉ dưỡng 110 phòng Garrya Mù Cang Chải được quản lý và vận hành bởi tập đoàn Banyan Tree dự kiến đón khách vào tháng 2.2024. Đến năm 2027, Việt Nam dự kiến sẽ chào đón thêm các dự án lớn như Meliá Halong Bay với 542 phòng, U Danang với 200 phòng và InterContinental Thanh Xuan Valley Resort tại Vĩnh Phúc với 439 phòng. 

Tại Thái Lan, các nhà điều hành khách sạn tiếp tục mở rộng thị phần. Marriott khai trương Le Méridien Phuket Mai Khao Beach Resort gồm 244 phòng và khách sạn Madi Paidi Bangkok Au-tograph Collection gồm 56 phòng, là bất động sản thứ 50 của nhà điều hành này tại đây. Meliá đưa vào hoạt động khách sạn INNSIDE by Meliá Bangkok Sukhumvit gồm 208 phòng, trong khi Accor đã mở cửa khách sạn Novotel Rayong Star Convention Centre gồm 234 phòng và ký hợp đồng quản lý Andaman Beach Hotel Phuket – Handwritten Collection gồm 161 phòng. Đối thủ của họ là tập đoàn IHG cho biết sẽ khai trương khách sạn Holiday Inn Express & Suites Bangkok Asok gồm 180 phòng vào năm 2025 và Hotel Indigo Bangkok Thonglor gồm 250 phòng vào năm 2026. 

Singapore cũng chào đón thêm nhiều khách sạn 5 sao. Aloft Hotels trực thuộc tập đoàn Marriott vừa khai trương Aloft Singapore Novena với 781 phòng, là khách sạn mang thương hiệu Aloft lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Como Metropolitan Singapore gồm 156 phòng vừa mở cửa đón khách, bổ sung thêm tiện ích cho khu phức hợp Como Orchard nằm tại trung tâm Orchard. Đồng thời, Grand Copthorne Waterfront Hotel với 574 phòng đã mở cửa trở lại sau quá trình nâng cấp, và Momentus Serviced Residences Novena gồm 99 căn hộ đã đi vào hoạt động. Trong tháng 11.2023, Singapore dự kiến sẽ chào đón khách sạn Novotel Singapore on Kitchener gồm 543 phòng, được chuyển đổi thương hiệu từ khách sạn PARKROYAL on Kitchener Road. 

Ở Indonesia, thị trường khách sạn tại Jakarta dự kiến sẽ đón thêm 1.706 phòng vào cuối năm 2023, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thương hiệu Ennismore của Accor dự kiến ra mắt 25hours Hotel The Oddbird gồm 345 phòng vào cuối năm 2023. Khách sạn này nằm trong khu phức hợp Distric 8, nơi có tòa tháp cao thứ ba ở Jakarta mang tên Treasury Tower. Marriott đã ký hợp đồng quản lý ba bất động sản tại Ibu Kota Negara Nusantara – thủ đô mới của Indone-sia. Đó là Four Points by Sheraton in Nusantara với 300 phòng, Westin in Nusantara với 200 phòng, và Tribute Portfolio in Nusantara với 150 phòng.

Tại Malaysia, Hyatt đã khai trương khách sạn Hyatt Place Kuala Lumpur, Bukit Jalil gồm 250 phòng. Đây là bất động sản đầu tiên mang thương hiệu Hyatt Place tại Malaysia và cũng là khách sạn quốc tế đầu tiên tại Bukit Jalil. Trong khi đó, Wyndham đã ký hợp đồng quản lý khách sạn Wyndham Suites KLCC gồm 50 tầng thuộc Kuala Lumpur City Centre, một khu phức hợp hạng sang nổi tiếng của Malaysia. Tại Campuchia, IHG vừa ra mắt thương hiệu Vignette Collection tại thủ đô Phnom Penh với việc ký hợp đồng quản lý khách sạn Vignette Collection Phnom Penh Odom dự kiến khai trương vào năm 2027.

KHÁNH HẰNG
(Tổng hợp)

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan